Sau 4 năm can thiệp, các nội dung TVXNTN tại địa bàn nghiên cứu đã đạt được kết quả tốt với nhiều chỉ số đánh giá (1- 5) đều tăng rõ rệt, có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Biện pháp can thiệp TVCSHT trong nghiên cứu này về tổ chức các nội dung TVXNTN tại tuyến huyện, tỏ ra hợp lý và hiệu quả do gần gũi cộng đồng và dễ được người nhiễm cũng như các đối tượng nguy cơ cao (trong đó bao gồm cả những bạn tình của người nhiễm) chấp nhận. Hoạt động tư vấn đã có nhiều thay đổi tích cực, tỷ lệ được tư vấn hỗ trợ thường xuyên tăng lên rõ rệt và tỷ lệ bạn tình của người nhiễm làm xét nghiệm HIV cũng tăng cao. Kết quả nghiên cứu này cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Dự án Quỹ toàn cầu tại khu vực miền Bắc [5]: sau 2 năm can thiệp (2006-2008) tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS được tư vấn hỗ trợ thường xuyên tăng từ 49,6% lên 52,1% (CSHQ 5,0%), tỷ lệ bạn tình làm xét nghiệm HIV từ 65,2% lên 78,0% (CSHQ: 19,6%).
Tuy nhiên, một số chỉ số: tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tự nguyện xét nghiệm, tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS được tư vấn đúng trước xét nghiệm và sau xét nghiệm HIV, không có ý nghĩa thống kê (p>0.05).
Kết quả nghiên cứu tại huyện Rakai, Uganda châu Phi cũng chỉ ra rằng: các dịch vụ TVXNTN tại tuyến huyện và thậm chí, kết quả xét nghiệm được giao tại nhà cho đối tượng bởi các tư vấn viên được đào tạo đã giúp tăng gấp đôi khả năng tiếp cận dịch vụ TVXNTN cho những người sống ở vùng nông thôn [121].
Trong khu vực Đông Nam Á, kết quả nghiên cứu trên 3.570 khách hàng tìm kiếm dịch vụ TVXNTN tại bệnh viện huyện Sansai thuộc miền Bắc, Thái Lan cho thấy: dịch vụ TVXNTN triển khai tại cộng đồng có thể tiếp cận tốt với những đối tượng có hành vi nguy cơ cao [115]. Tại một trung tâm TVXNTN ở Campuchia, theo dõi tình trạng chuyển đổi huyết thanh giảm từ 8,5% (1996) xuống cồn 3,15 (1999). Kết quả này có thể đã phản ánh những thay đổi hành vi nguy cơ và ảnh hưởng tích cực của hoạt động tư vấn tại cộng đồng [117].
Một nghiên cứu về chi phí và sự tự nguyện đến với dịch vụ TVXNTN tại Kenya kết luận: TVXNTN nên là một thành tố quan trọng trong chiến lược chăm sóc, dự phòng HIV/AIDS của các quốc gia. Tuy nhiên, giá của dịch vụ cao đã làm tăng nỗi băn khoan về khả năng tiếp cận của người dân ở các nước có thu nhập thấp. Điều này cho thấy, nên lồng ghép dịch vụ TVXNTN vào các trung tâm chăm sóc sức khỏe sẵn có hơn là các vị trí độc lập và nhân viên tư vấn là các nhân viên y tế của nhà nước hoạt động kiêm nhiệm [113].
Tại Việt Nam, từ năm 2004, mô hình TVXNTN miễn phí triển khai lồng ghép tại tuyến tỉnh/thành và quận/huyện đã giải quyết được các bất cập trước đây. Do đó, mô hình đã thu hút ngày càng nhiều đối tượng đến tư vấn, xét nghiệm: chất lượng tư vấn cũng chuyển biến đáng kể. Mặc dù có sự tiến bộ như vậy, nhưng hoạt động tư vấn vẫn còn nhiều hạn chế, đối tượng tư vấn hiện nay chủ yếu vẫn tập trung vào những người TCMT, GMD, người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS. Việc tiếp cận với đối tượng tư vấn còn thụ động từ cả hai phía: tư vấn viên và đối tượng tư vấn. Các đối tượng nguy cơ cao không muốn đến các phòng TVXNTN do kỳ thị xã hội, không hiểu được lợi ích của việc tư vấn. Tư vấn viên chưa được đào tạo đẩy đủ về kỹ năng tiếp cận đối tượng, quy trình tư vấn chuẩn. Địa điểm phòng tư vấn chưa thực sự phù hợp, phương tiện truyền thông nghèo nàn, dụng cụ trực quan thiếu.... hoạt động tư vấn trong thời gian tới cần giải quyết những vấn đề trên để đáp ứng được nhu cầu tư vấn của đối tượng, tăng chất lượng và hiệu quả tư vấn [77].