Các nhân tố chủ quan

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (Trang 26 - 31)

Khi xét đến các nhân tố tác động đến chất lượng tín dụng của NHTM, trước tiên cần nghiên cứu các nhân tố chủ quan, bởi cần phải tìm hiểu các nhân tố xuất phát từ chính bản thân ngân hàng một cách cặn kẽ thì mới có thể đưa ra được giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng tín dụng của ngân hàng.

Chính sách tín dụng đối với DNVVN

Chính sách tín dụng của một NHTM là hệ thống các biên pháp liên quan đến việc mở rộng hay thu hẹp tín dụng để đạt được mục tiêu đã hoạch định của ngân hàng. Chính sách tín dụng phản ánh cương lĩnh tài trợ của ngân hàng, trở thành hướng dẫn chung cho cán bộ tín dụng, tăng cường chuyên môn hóa trong phân tích tín dụng, tạo sự thống nhất chung trong hoạt động tín dụng nhằm hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả sinh lời. Chính sách tín dụng có vai trò quan trọng trong việc tạo sự thống nhất và sự hiệu quả của hoạt động tín dụng nói chung cũng như tín dụng đối với DNVVN nói riêng. Bởi vậy, chính sách tín dụng có ảnh hưởng lớn đến chất lượng tín dụng của ngân hàng.

Chính sách tín dụng bao gồm chính sách khách hàng, chính sách lãi vay và phí suất tín dụng, về nguyên tắc và điều kiện vay vốn, về quy mô và giới hạn tín dụng, các chính sách về TSĐB, điều kiện giải ngân và thanh toán … Các chính sách này đảm bảo cho hoạt động tín dụng đi đúng hướng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành công hay thất bại của hoạt động tín dụng nói

chung và tín dụng đối với DNVVN nói riêng. Chính sách tín dụng càng cụ thể, càng được xây dựng chi tiết và khoa học càng giúp cho ngân hàng nâng cao được chất lượng các khoản cho vay. Một chính sách tín dụng đúng đắn sẽ thu hút được nhiều khách hàng vay vốn và tạo được những khoản vay có chất lượng cao từ đó đảm bảo khả năng sinh lời trên cơ sở phân tán được rủi ro, tuân thủ pháp luật, đường lối chính sách của Nhà nước.

Quy trình tín dụng đối với DNVVN

Quy trình tín dụng là thứ tự các bước mà cán bộ tín dụng và những người có liên quan, có thẩm quyền cần thực hiện trong quá trình tín dụng.

Quy trình tín dụng hợp lý sẽ giúp quá trình tín dụng hiệu quả hơn và giảm bớt được thời gian và chi phí không cần thiết. Việc thực hiện tốt các nội dung, quy định trong từng bước cùng với việc phân tích tín dụng hiệu quả sẽ giúp ngân hàng tránh được rủi ro cũng như nâng cao được chất lượng cho vay.

Một quy trình tín dụng cụ thể và chi tiết sẽ là phương tiện đắc lực để ngân hàng kịp thời tìm các sai sót, kiểm soát được các khoản vay và theo đó có thể đưa ra các quyết định đúng đắn. Quy trình tín dụng cần được xây dụng một cách thống nhất và cần có sự linh hoạt với từng khoản vay, từng đối tượng vay điều này sẽ có những tác động tích cực đến chất lượng vay.

Chất lượng thẩm định tín dụng

Trước khi cho vay, ngân hàng phải tiến hàng phân tích thẩm định khách hàng và phương án vay vốn để quyết định có cho vay hay không. Ngân hàng tiến hành thu thập các thông tin về khách hàng, đánh giá và phân tích năng lực pháp lý, uy tín của khách hàng, năng lực tài chính của khách hàng, phân tích phương án vay vốn và dự đoán dòng thu nhập trong tương lai của khách hàng để đánh giá khả năng trả nợ của họ. Ngoài ra, ngân hàng cũng phân tích và dự đoán ảnh hưởng của môi trường kinh doanh đến phương án vay vốn cũng như khả năng trả nợ của khách hàng.

Thẩm định là bước đầu tiên trong quy trình tín dụng, làm tốt bước này sẽ tạo cơ sở để thực hiện tốt các bước tiếp theo. Thẩm định được xem là một công cụ hữu hiệu để giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng, từ đó giúp nâng cao chất lượng của các khoản cho vay. Đối với những khách hàng không đủ điều kiện vay vốn và việc đảm bảo an toàn cho khoản vay thấp thì ngân hàng sẽ từ chối cho vay. Trong trường hợp ngân hàng chấp nhận cho vay, thông qua việc thẩm định ngân hàng có thể dự đoán được các nguy cơ có thể xảy đến đối với khoản vay. Nếu công tác thẩm định có chất lượng tốt, ngân hàng có thể đưa ra những quyết định tương đối chính xác về việc cho vay hay không, giảm thiểu được nguy cơ mất vốn. Thẩm định giúp ngân hàng lựa chọn được khách hàng tốt, loại bỏ ngay từ đầu những khoản vay có rủi ro cao. Ngoài ra, nó cũng giúp ngân hàng hiểu rõ được hoạt động của khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng sử dụng vốn một cách hiệu quả nhất và nâng cao khả năng thu nợ gốc và lãi của mình.

Hệ thống thông tin tín dụng

Các phương pháp thu thập và xử lý thông tin của doanh nghiệp là hết sức quan trọng đối với mỗi ngân hàng. Thông tin về doanh nghiệp càng chi tiết cụ thể, chính xác sẽ càng đảm bảo chất lượng các khoản vay. Thông tin tín dụng

không chỉ giúp ngân hàng trong những quyết định cho vay mà còn hỗ trợ cho ngân hàng trong việc kiểm soát khoản vay và dự báo tình trạng kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó ngân hàng sẽ chủ động trong việc đưa ra các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Đặc biệt, trong môi trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì việc nắm bắt thông tin về đối tác và đối thủ cạnh tranh là điều hết sức cần thiết

Việc xây dựng hệ thống thông tin hữu hiệu nắm bắt kịp thời, chính xác luồng thông tin về khách hàng với nhiều kênh, nhiều nguồn cung cấp … là một trong những điều kiện quyết định sự thành công trong hoạt động kinh doanh cũng như nâng cao chất lượng tín dụng của NHTM.

Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ

Công tác kiểm tra, kiểm soát cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro cho khoản tín dụng. Công việc này phải được tiến hành đồng thời giữa thanh tra, kiểm tra nội bộ ngân hàng và kiểm tra, giám sát doanh nghiệp. Việc kiểm soát tốt và theo dõi sát sao khách hàng là việc làm hết sức cần thiết trong mục tiêu giảm thiểu rủi ro của ngân hàng. Đối với những khoản vay được kiểm tra thường xuyên sẽ hạn chế được tình trạng sử dụng sai mục đích, không hiệu quả của doanh nghiệp, giúp kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm, giảm nguy cơ mất vốn cho ngân hàng.

Bên cạnh đó, nếu hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ, khách quan và trung thực sẽ làm tăng tinh thần trách nhiệm của cán bộ tín dụng và xử lý kịp thời những sai sót, giảm bớt rủi ro góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Hiệu quả huy động vốn

Huy động vốn – hoạt động tạo nguồn vốn của ngân hàng thương mại – đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của ngân hàng. Ngân hàng muốn thực hiện được hoạt động tín dụng thì điều kiện đầu tiên là

phải phát triển được công tác huy động vốn vì ngân hàng hoạt động trên cơ sở đi vay để cho vay. Hoạt động huy động vốn có tốt và vốn huy động được có chất lượng cao thì mới có thể có được những hợp đồng tín dụng có chất lượng.

Khi ngân hàng có được chính sách tín dụng hợp lý, thu hút được nhiều khách hàng vay vốn nhưng số vốn huy động được không đủ để cấp tín dụng cho nhiều khách hàng thì không những không có được những hợp đồng tín dụng có chất lượng mà thậm chí không thể thực hiện hợp đồng được. Hoạt động huy động vốn của ngân hàng phải đảm bảo huy động được số vốn đáp ứng đầy đủ và kịp thời với nhu cầu vay vốn của ngân hàng.

Công nghệ trang thiết bị của ngân hàng

Công nghệ và trang thiết bị hiện đại là điều kiện để đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian giao dịch, đem lại sự tiện lợi tối đa cho cả khách hàng và ngân hàng. Công nghệ thông tin phát triển là công cụ hữu hiệu trong việc phân tích và quản lý các khoản tín dụng nói chung và tín dụng đối với DNVVN nói riêng.

Ngoài ra, công nghệ ngân hàng cũng tăng khả năng cạnh tranh của ngân hàng, từ đó ảnh hưởng đến việc thu hút khách hàng, mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng.

Trình độ cán bộ tín dụng của ngân hàng

Con người luôn là trung tâm của mọi hoạt động, là yếu tố hàng đầu quyết định đến sự thành công hay thất bại trong hoạt động sản xuất kinh doanh của bất cứ doanh nghiệp nào, hoạt động tín dụng của ngân hàng cũng không phải là một ngoại lệ. Đối với ngân hàng thì trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp … của đội ngũ cán bộ tín dụng là điều hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tín dụng của ngân hàng, là cầu nối giữa khách hàng với ngân hàng. Chính vì vậy, chất lượng và hiệu quả

cho vay cao hay thấp phụ thuộc khá nhiều vào công tác tuyển chọn và đào tạo đội ngũ cán bộ tín dụng của mỗi NHTM.

Công tác quản lý cũng như tổ chức đội ngũ cán bộ của ngân hàng cũng rất quan trọng. Việc phân công công việc hợp lý, chế độ đãi ngộ tốt sẽ giúp phát huy được hết khả năng của mỗi cá nhân, khuyến khích nhân viên làm việc và cống hiến hết mình cho ngân hàng. Những chính sách quản lý con người luôn có tác động lâu dài và ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động kinh doanh cũng như hoạt động tín dụng của NHTM.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (Trang 26 - 31)