Tình yêu thiên nhiên

Một phần của tài liệu hình ảnh bốn mùa trong quốc âm thi tập của nguyễn trãi (Trang 27 - 34)

B. NỘI DUNG

2.2. Tình yêu thiên nhiên

Chỉ có xuất phát từ tình yêu thiên nhiên sâu sắc các thi nhân mới có thể cho người đọc chiêm ngưỡng những bức tranh bốn mùa không chỉ đẹp mà dường như có cả linh hồn. Chính tình yêu thiên nhiên là cơ sở cho lòng yêu nước của thi nhân.

Cũng từ tình yêu thiên nhiên sâu sắc nên người thi sĩ nắm bắt được hết thần thái và những nét biểu hiện của bốn mùa, tâm hồn họ giao hòa cùng bốn mùa và thấu hiểu được nó như một người bạn tri ân.

Thơ văn Nguyễn Trãi còn mở ra cho chúng ta một khía cạnh thưởng thức khác nữa và khía cạnh này đã chiếm một phần trọng yếu trong toàn bộ tác phẩm của nhà thi hào. Đó là tình yêu thiên nhiên của ông, tinh thần thưởng thức say sưa của ông trước cảnh nước non kì diệu. Đồng thời, còn là lòng tự hào trước giang sơn cẩm tú của đất nước ta, nhân dân ta, nó cũng là một khía cạnh của lòng tự hào dân tộc.

Trong lịch sử văn học Việt Nam trở về trước dễ thường không có ai yêu thiên nhiên, có thơ nhiều và có thơ hay về thiên nhiên như Nguyễn Trãi. Trở về sau, họa chăng có một mình Nguyễn Du. Nhưng đề tài thiên nhiên ở Nguyễn Du không tập trung bằng, lại càng không cụ thể bằng.

Thơ về thiên nhiên chiếm cái phần phong phú nhất, và cũng là thành công

nhất trong di sản thơ của Nguyễn Trãi. Xuân Diệu từng nói: "Lòng yêu thiên

nhiên, tạo vật là kích thước để đo tâm hồn". Ở Nguyễn Trãi, lòng yêu thiên nhiên không chỉ phản ánh nhu cầu thẩm mĩ mà còn là hình ảnh tượng trưng cho cuộc sống, thể hiện cái nhìn tiến bộ của ông. Điều này hoàn toàn khác xa với quan niệm thẩm mĩ phong kiến. Thẩm mĩ phong kiến nhìn nhận thiên nhiên ở

trạng thái lớn lao, kỳ vĩ, hoành tráng, mĩ lệ. Trong Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi

đã dành riêng một đề mục Hoa mộc môn để nói về cỏ cây, hoa lá. Trong đề mục

này, các hình tượng: tùng - cúc - trúc - mai được Nguyễn Trãi tập trung khắc họa rất đẹp. Cũng giống như thi pháp cổ phương Đông, Nguyễn Trãi đã khai thác các hình ảnh thiên nhiên trên để thể hiện phẩm chất thanh tao, cao nhã, trong sáng của người quân tử. Thiên nhiên ở những đề mục khác còn phẳng phất phong vị Đường thi. Đây lả bức tranh lụa xinh xắn:

Nước biển non xanh thuyền gối bãi Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu

Khung cảnh bức tranh hiện lên thật thanh bình, yên ổn. Có thế thì nước mới biếc, non mới xanh và đây là điểm tựa cho thuyền gối bãi. Từ cái nền yên

bình, thơ mộng ấy, ánh trăng đã xuất hiện. Nó cũng hiện lên giữa "đêm thanh",

ánh trăng bàng bạc soi rõ những du khách ngao du, thưởng ngoạn trên lầu quả là

lung linh huyền ảo. Cũng nói về ánh trăng như thế, trong Tự thuật bài 31,

Nguyễn Trãi viết:

Hương cách gác vân thu lạch lạch

Thuyền kê bãi tuyết nguyệt chênh chênh.

Đó lại là một cái lạnh khẽ khàng của mùa thu - mùa gợi ra biết bao cảm hứng sáng tác cho các thi nhân: con thuyền ấy vẫn kề trên bãi tuyết thì lại như

một nàng thiếu nữ với dáng vẻ yểu điệu “nguyệt chênh chênh”.

Có thể nói, trăng xuất hiện rất nhiều trong Quốc âm thi tập của Nguyễn

Trãi. Trong 254 bài thơ đã có tới 70 bài Nguyễn Trãi nhắc tới trăng. Trăng hiện lên trong nhiều trạng huống khác nhau: là người bạn tri âm, tri kỉ, là nơi gửi gắm niềm vui, nỗi buồn; là bến đỗ cho Ức Trai khi trống vắng, cô đơn:

Núi láng giềng, chim bầu bạn Mây khách khứa, nguyệt anh tam

(Thuật hứng - Bài 19)

Đứng trước một cảnh tượng của thiên nhiên, một biểu hiện của tạo vật tồn tại, Nguyễn Trãi có một năng lực rung cảm dạt dào lạ thường. Dù là một thoáng gió, một gợn mây, một tiếng chim kêu, một nhánh cúc nở; dù là những cảnh tượng bao la hùng vĩ như Vịnh Hạ Long, cửa biển Bạch Đằng, như trấn Vân Đồn, như cửa Thần Phú, như núi Non Nước, tâm hồn nhà thơ đều gắn bó với chúng, quyện lấy chúng, bao trùm lấy chúng, và chan hoà với chúng trong một niềm thông cảm như giữa những tâm hồn bạn, không ai còn bí mật với ai, không ai còn giữ kẽ với ai, không ai còn kiêu điệu với ai, còn thấy lớn hoặc còn thấy bé với ai. Cảnh vật thiên nhiên dưới ngòi bút của Nguyễn Trãi sinh động lên, sống lên bằng sức sống riêng, bằng đủ đường nét, màu sắc, âm thanh, hương hoa, và lắm khi bằng đủ đặc điểm độc đáo của nó nữa.

Cảnh vật thiên nhiên nhờ ông trở nên có tình, có ý, có cá tính, có tâm tư, khi kín đáo, khi sôi nổi, lúc trìu mến, lúc mỉa mai; nhưng tất cả như chủ nhân của chúng, đều trong trắng, cao khiết, trung hậu, hiền hoà; tất cả đều bừng sáng lên, niềm nở lên; tất cả đều như đủ dịu dàng, đủ đằm thắm để hứng đón, để nâng niu, để vỗ về, an ủi những tâm hồn đau khổ đang bị những lực lượng quái ác dày vò.

Cảnh vật thiên nhiên với nhà thơ là bạn bè, là thầy trò, có khi là con cái, với cái nghĩa thân yêu thắm thiết nhất của nó:

Khách đến chim mừng, hoa xẩy động Chè tiên nước kín nguyệt đeo về.

(Thuật hứng - Bài 3) Hoặc: Trà tiên, nước kín, bầu in nguyệt

Mai rụng, hoa đeo, bóng cách song.

(Thuật hứng - Bài 6)

Từ giã chốn quan trường, Nguyễn Trãi quay trở về sống chan hòa, làm bạn với mây núi, trăng sao. Cuộc sống dân giã nơi thôn quê đã giúp Nguyễn Trãi phát hiện ra biết bao cảnh đẹp. Đó là bức kí họa tự nhiên, mộc mạc của xóm chài:

Tằm ươm lúc nhúc thuyền gối bãi Hào chất so le khóm cuối làng.

(Ngôn chí - Bài 8)

Đó là cảnh làng quê thanh bình, đầy sức sống:

Cây rợp bóng am che mát

Hồ thanh nguyệt hiện bóng tròn.

(Ngôn chí - Bài 20)

Để rồi nhà thơ nhận ra giữa nhà thơ và thiên nhiên như không còn khoảng

cách: "Nhà thơ và cảnh vật tự nguyện hòa lẫn với nhau như bầu bạn, như anh

em, tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này" (Xuân Diệu - Bác văn nghị số 3, tháng 8/1957)

Cò nằm, hạc đậu nên bầy bạn

Ủ ấp cùng ta làm cái con.

Có lẽ chỉ có thiên nhiên mới có thể làm cho nhà thơ tạm nguôi ngoai nỗi đau về thế thái nhân tình, để yên lòng trong cuộc sống nhàn cư, ẩn dật. Và vì thiên nhiên có vai trò quan trọng như thế, cho nên trong mắt Nguyễn Trãi bao giờ nhà thơ cũng chiều chuộng chúng, trân trọng chúng, ông nói:

Trì tham nguyệt hiện, chăng buông cá Rừng tiếc chim về, ngại phát cây.

(Mạn thuật - Bài 6)

Hoặc: Viện có hoa tàn, chăng quét đất

Nước còn nguyệt hiện, sá thôi chèo. (Mạn thuật - Bài 10)

Nhà thơ không nỡ thả cá trong ao, vì sợ nó quẫy, nó lội, làm tan vỡ mất vành trăng in dưới nước, nhưng khi trong ao đã có cá rồi, có muốn câu để giải sầu, thì ông lại ngại không câu, vì thương chúng sẽ không được sống nữa:

Người tri âm ít, cầm nên lặng Lòng hiếu sinh nhiều, cá ngại câu.

(Tự thuật - Bài 10)

Trong trường hợp khác nhà thơ không đóng cửa vì sợ nó che mất ngọn núi phía trước mặt, chiều tối, dạo chơi sông xong, cứ để ngay thuyền ở bến không cất đi, vì phòng trăng có xin trở nhờ thì cho chở!

Chăng cài cửa, tiếc non che khuất Sá để thuyền cho nguyệt chở nhờ!

Nếu thuyền không chở trăng, thì nhà thơ cho chở gió mây, chở hơi khói:

Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc Thuyền chở yên hà, nặng với then.

(Thuật hứng - Bài 24)

Mai nở trên cành, nhà thơ không nỡ bỏ:

Mai chăng bẻ bởi thương cành ngọc.

Mai rụng ở ngoài sân, trên đường vườn, không nỡ quét, trái lại còn: "nhặt

hoa tàn, xem ngọc rụng"; nhưng trong "am", tức là trong nhà ở của mình, vì không có hoa, nên vẫn quét:

Quét con am để chứa mây!

(Mạn thuật - Bài 6)

Ở chỗ khác ông nói:

Thu êm cửa trúc, mây phủ

Xuân tĩnh, đường hoa, gấm phong.

(Thuật hứng - Bài 11)

Rõ ràng trúc, mai, mây, gió, chim, bướm, suối, thông, hoa, trăng, hồ, đá, là những người bạn nhỏ của nhà thơ, chúng bao vây, chúng xoắn vó, chúng quấn quýt lấy nhà thơ; chúng vòi quà, chúng đòi nụ cười hiền hòa, bàn tay mơn trớn, mắt nhìn đầm ấm của nhà. Chúng sung sướng vì biết nhờ có nhà thơ, chúng mới có cuộc sống và chúng mới có giá trị.

Những ý nghĩ đó có vẻ như kì lạ nhưng lại rất thực và rất mộng ở một tâm

hồn rộng mở, một "túi thơ chứa hết giang san". Thực và mộng hòa đồng, thâm

nhập trong trạng thái thăng hoa của tâm hồn Nguyễn Trãi. Đó chính là một trong những chất liệu góp phần tạo nên cái hay, cái đẹp trong tâm hồn thơ Ức Trai.

Yêu thiên nhiên, gắn bó hết mình với cảnh sắc thiên nhiên đất trời, Nguyễn Trãi cũng rất am hiểu về chúng. Ông phát hiện ra mối quan hệ giữa

thiên nhiên và thời gian. "Thiên nhiên đã khoác những chiếc áo màu khác nhau

tùy theo từng thời gian. Cỏ cây, hoa lá, núi rừng, sông hồ, bầu trời.... đã thay đổi theo từng mùa, từng tháng. Những thay đổi đó đã làm cho lòng người đổi thay và lòng thi nhân thêm cảm xúc" [13, tr.675]

Sắc đào nở thắm tươi báo hiệu một mùa xuân mới:

Một đóa đào hoa khéo tốt tươi

Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười. (Đào hoa - Bài 1)

Chỉ "một đóa đào hoa" thôi mà Nguyễn Trãi liên tưởng đến cả "cảnh

xuân mơn mởn". Và nhìn thấy sắc đào tràn đầy nhựa sống như vậy, nhà thơ liên tưởng đến một niềm vui mới đang sắp tràn về. Phải là một con người tinh tế nhạy cảm, có tâm hồn yêu đời, nhà thơ mới có những phát hiện và cảm nhận tích cực như vậy.

Mùa xuân đi qua, mùa hạ tràn về. Nguyễn Trãi lại tiếp tục tiếp nhận bắt nhịp với một bức tranh thiên nhiên mới:

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ Hồng liên trì đã tịn mùi hương

(Bảo kính cảnh giới - số 43)

Cái đẹp ở đây hiện lên thật bình dị, không cầu kì, phô trương. Các động từ

"đùn đùn", "phun" kết hợp với cái tính từ chỉ sắc đỏ (hoa lựu) và mùi hương

(hoa sen) đã tạo nên cho cảnh ngày hè thêm sức sống.

Tạo vật dưới ngòi bút của Nguyễn Trãi sinh động là như vậy, chứa chan tình ý, sẵn sàng thông cảm với người. Tạo vật và người dựa vào nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Cảnh tượng biến chuyển rất nên thơ dưới tác động của người, hay dưới hiện tượng tự nhiên, cái này là nguyên nhân của cái kia, cái kia là kết quả của cái nọ. Và hình khối, đường nét, màu sắc, âm thanh quyện lấy nhau, trong một điệu hợp xướng hài hòa, trong một khung cảnh diễm lệ; tất cả đều đẹp, đều xinh, đều êm ái, du dương, nhịp nhàng, uyển chuyển: tất cả đều ca lên cái vui tươi của một cuộc sống trong trẻo, thanh tao.

Và cảnh vật thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi diễm lệ là như thế, hùng vĩ là như thế. Đó là những cảnh vật của non sông gấm vóc của ta. Tổ quốc tươi đẹp của ta. Và phải có một tấm lòng yêu đất nước thật sâu sắc mới có một cái nhìn cảnh vật đất nước trìu mến như thế và mới có một nghệ thuật mô tả ra càng đẹp đẽ chừng nào thì tâm hồn nhà nghệ sĩ càng đẹp đẽ chừng ấy, và một tâm hồn đẹp đẽ nhất định xuất phát từ một thế giới quan lành mạnh, yêu đời, thắm đượm tình người.

Như vậy, đối với Nguyễn Trãi thiên nhiên là tài sản vật chất, cung cấp cho

đời sống tinh thần, làm thoả mãn thế giới tâm hồn của con người. Trong Quốc

âm thi tập, thiên nhiên luôn là thiên nhiên tâm trạng , ít khi là thiên nhiên khách quan thuần tuý. Thiên nhiên đã đi vào giải toả tâm sự, làm lắng lại nỗi buồn quy sơn, trở thành đối tượng thẩm mĩ của Ức Trai. Với sự xuất hiện của những hình ảnh dân giã, thân thuộc: trăng, núi, mây, tằm, hoè, lựu, cò, hạc,… càng khẳng định sâu sắc hơn về tình yêu thiên nhiên của Nguyễn Trãi, yêu những cảnh vật bình dị, đời thường nhất. Ông không hổ danh là nhà thơ của thiên nhiên.

Nguyễn Trãi, con người của thiên nhiên, yêu thiên nhiên, cảm nhận thiên

nhiên ở mọi góc độ, mọi khía cạnh khác nhau. Trong Quốc âm thi tập hình ảnh

bốn mùa lần lượt nối tiếp nhau xuất hiện, thứ nhất nó nhắc nhở quy luật tuần hoàn, thứ hai các hình ảnh đó thể hiện cho tình yêu thiên nhiên của Nguyễn Trãi. Và trong các hình ảnh tươi vui và đặc trưng của từng mùa ấy Nguyễn Trãi còn chất chứa trong đó bao niềm tâm sự của cá nhân và thời đại.

Một phần của tài liệu hình ảnh bốn mùa trong quốc âm thi tập của nguyễn trãi (Trang 27 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(63 trang)