4.1.3.1. Thực trạng phát triển đô thị
Huyện có 1 thị trấn là thị trấn Yên Thế với diện tích là 1.513,47 ha, chiếm 1,87% tổng diện tích tự nhiên của huyện, với dân số là 8.696 người và mật độ dân số là 575 người/km2.
Thị trấn Yên Thế được chia thành 17 tổ và 3 thôn với 2.623 hộ, gồm nhiều dân tộc sinh sống như: Kinh, Tày, Nùng... nhưng chủ yếu là dân tộc Kinh chiếm khoảng 71% dân số toàn thị trấn. Cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, giao thông đô thị chiếm khoảng 9,5% diện tích, 100% các hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia...Tuy nhiên, thị trấn vẫn mang đặc điểm chung của đô thị miền núi, khu vực trung tâm nhỏ, đất xây dựng đô thị không tập trung, thường phát triển theo ven đường chính, khu vực xa trung tâm phát triển chậm hơn.
Trong giai đoạn tới, để hệ thống đô thị của huyện thực sự hoàn chỉnh và xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của các cấp hành chính cần phải xây dựng, mở rộng quy mô các đô thị, hoàn thiện các hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi...
4.1.3.2. Thực trạng phát triển khu dân cư nông thôn
Do đặc điểm hình thành và lịch sử phát triển, các khu dân cư nông thôn trên địa bàn huyện được phát triển theo những hình thái khác nhau, tuỳ thuộc vào điều kiện và mức độ phân bố trong từng khu vực. Toàn huyện có 23 xã là nơi sinh sống của 94.891 người dân, với 4.060,71 ha đất khu dân cư nông thôn.
Các khu dân cư cũ ngày càng mở rộng, các khu dân cư mới đã bắt đầu phát triển, đường điện và nước sinh hoạt đáp ứng được nhu cầu người dân. Tuy nhiên, kiến trúc không gian khu dân cư còn bất hợp lý, chưa có hướng quy hoạch. Việc xây dựng nhà ở hoàn toàn mang tính tự phát, không đảm bảo kiến trúc và mỹ quan.
Hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp. Hầu hết giao thông trong các khu dân cư chưa được đầu tư nâng cấp và mở rộng nên gây khó khăn cho việc giao lưu hàng hoá và đi lại của nhân dân.
4.1.4. Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng
4.1.4.1. Hệ thống giao thông
Trong những năm qua được sự quan tâm của nhà nước, các cấp, các ngành và sự góp sức đáng kể của nhân dân địa phương, hệ thống giao thông trên địa bàn toàn huyện đang dần phát triển. Hiện nay 24/24 xã, thị trấn đã có đường ô tô đến trung tâm xã.
Trên địa bàn huyện Lục Yên có 2 hệ thống giao thông chính là đường bộ và đường thủy. Trong đó:
a. Giao thông đường bộ
- Quốc lộ 70: có chiều dài 40 km, đi qua các xã Trung Tâm, Phúc Lợi, Trúc Lâu, Động Quan, Khánh Hòa và An Lạc. Hiện tại đã được cải tạo và nâng cấp phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong và ngoài huyện.
- Tỉnh lộ: Đường tỉnh qua địa phận huyện Lục Yên có 2 tuyến là tuyến đường tỉnh 171 (ĐT.171) có chiều dài 27km (tuyến Khánh Hòa - Minh Xuân), hiện nay tuyến này đã được nâng cấp, cải tạo đoạn Khánh Hòa - Yên Thế với chiều dài khoảng 20km. Tuyến đường tỉnh 170 (ĐT.170) có chiều dài 82,50km (tuyến Yên Thế - Vĩnh Kiên) đoạn qua địa phận huyện Lục Yên có chiều dài khoảng 24 km.
và bê tông hóa có chiều dài 14,1 km; đường đá dăm, cấp phối 0,4 km và đường đất 5,4 km.
- Đường liên xã có chiều dài 180,3 km, đến trung tâm 24/24 xã, thị trấn. Trong đó: đường nhựa 25,6 km; đường bê tông xi măng 45,2 km; đường cấp phối 42,3 km và đường đất là 67,2 km. Đây là hệ thống giao thông cơ bản của huyện, giúp cho nhân các xã trong địa bàn huyện giao lưu hàng hóa và phát triển kinh tế.
- Đường liên thôn, bản: tổng chiều dài khoảng 242,6 km, nối từ trung tâm xã đến các thôn bản. Hầu hết các tuyến đường xã đã được bê tông hóa, một số đoạn là đường cấp phối. Đường liên thôn bản một số đoạn còn nhỏ hẹp, mặt đường gồ ghề, đi lại khó khăn vào mùa mưa.
- Đường thôn, bản: với tổng chiều dài khoảng 229,5 km, bao gồm các tuyến đường có chiều rộng từ 1 – 3 m.
b. Giao thông đường thủy
Huyện Lục Yên có tuyến đường thủy Lục Yên đi cảng Hương Lý trên hồ Thác Bà và dọc theo tuyến sông Chảy với tổng chiều dài 30km, đây là tuyến đầu mối giao thông để vận chuyển hàng hóa, hành khách nhằm phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân 11 xã vùng hồ. Ngoài ra, huyện còn có khoảng 8 bến đò nhưng tất cả đều là tự phát, chưa đươc đầu tư xây dựng.
4.1.4.2. Hệ thống thủy lợi
Lục Yên là huyện nông nghiệp vì vậy việc xây dựng các công trình thủy lợi, thủy nông rất quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn. Thời gian qua, huyện Lục Yên đã được đầu tư các công trình thủy lợi nhằm tăng diện tích tưới tiêu, các công trình thủy lợi này cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu trên địa bàn huyện.
Tính đến năm 2013, toàn huyện có: 344 công trình đầu mối; 11 công trình liên xã; diện tích hữa ích 2.525,20 ha; tràn xả lũ 14 cái (kiên cố 12 cái, công trình tạm 2 cái); kênh chính kiên cố 177,49 km; kênh chính bán kiên cố 2,165 km; kênh nội đồng kiên cố 53,37 km, kênh tạm 116,93 km.
Hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện những năm gần đây tương đối phát triển, nhưng vẫn còn một số công trình tạm bợ, chưa được đầu tư xây dựng. Vì vậy trong thời gian tới cần xây dựng mới thêm một số hệ thống
kênh mương, cũng như cải tạo nâng cấp mở rộng hệ thống kênh mương hiện có để phục vụ tốt hơn nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện.
4.1.4.3. Hệ thống năng lượng
Những năm gần đây các công trình năng lượng đang dần được hoàn thiện. Tính đến cuối năm 2013, toàn huyện có 24/24 xã, thị trấn được sử dụng điện lưới quốc gia. Toàn huyện có 121 trạm biến áp, tổng công suất đạt 21.932 KVA. Trong đó: có 112 trạm 35/0,4KV; 08 trạm 10/0,4KV và 01 trạm 35/10KV. Với hơn 500 km đường dây, trong đó: đường dây 35KV dài 223,44 km; đường dây 10KV dài 2,68 km và đường dây 0,4 KV dài 280,64 km.
Số thôn bản và hộ gia đình có điện ngày càng nhiều. Năm 2013, số thôn bản có điện là 268/298 thôn bản, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 96% tổng số hộ toàn huyện.
4.1.4.4. Hệ thống công trình bưu chính viễn thông
Hệ thống bưu chính viễn thông huyện Lục Yên đang từng bước hiện đại hóa. Hiện nay, Lục Yên có 2 bưu cục chính là bưu cục trung tâm huyện và bưu cục Khánh Hòa. Ngoài ra, huyện còn 22 điểm bưu điện văn hóa đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ như: chuyển phát nhanh, chuyển bưu phẩm, bưu kiện trong và ngoài nước...
Dịch vụ thông tin, phát thanh truyền hình trên địa bàn phát triển mạnh góp phần nâng cao chất lượng cho người sử dụng. Đến nay 100% xã, thị trấn đều có điện thoại cố định và được phủ sóng điện thoại di động. Tỷ lệ hộ có máy điện thoại cố định năm 2013 là 14 máy/100 dân.
4.1.4.5. Cơ sở giáo dục – đào tạo
Giáo dục – đào tạo bước đầu được củng cố theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Năm học 2012 - 2013, toàn huyện có 78 trường học với 1.639 giáo viên. Trong đó: có 22 trường mầm non, 28 trường tiểu học, 22 trường trung học cơ sở, 03 trường Tiểu học và Trung học cơ sở, 01 trường Phổ thông dân tộc nội trú, 01 trung tâm giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp và 01 trung tâm dạy nghề. Trường mầm non (nhà trẻ: có 32 nhóm trẻ
với 585 cháu, mẫu giáo: có 161 lớp học với 4.047 học sinh), tiểu học có 400
lớp với 8.558 học sinh, trung học cơ sở có 253 lớp với 6.725 học sinh, phổ thông trung học có 91 lớp với 3.740 học sinh.
Tỷ lệ huy động học sinh đến trường ngày càng tăng, cụ thể: tỷ lệ huy động trẻ từ 3 – 5 tuổi đạt 79,4%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và trẻ vào lớp 6 đạt 99,94%. Năm 2012-2013 toàn huyện có 7 trường đạt chuẩn quốc gia, 24/24 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.
Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được quan tâm đầu tư. Năm 2013, toàn huyện có 876 phòng học, với 94,13% số phòng học được kiên cố và bán kiên cố.
Trong những năm qua các chế độ đãi ngộ, phụ cấp ưu đãi đối với giáo dục đã được các cấp, các ngành quan tâm, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo viên luôn được được thực hiện tốt. Nhưng chất lượng giáo dục còn thấp, chưa được đầu tư chiều sâu; cơ sở vật chất trường học và các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập còn thiếu thốn...
4.1.4.6. Cơ sở y tế
Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở ngày càng được quan tâm củng cố, cơ sở vật chất, các trang thiết bị khám chữa bệnh được đầu tư, nâng cấp, công tác khám chữa bệnh và y tế dự phòng cho nhân dân được đẩy mạnh. Năm 2013, huyện Lục Yên có 01 bệnh viện đa khoa, 02 phòng khám đa khoa khu vực và 24 trạm y tế, với tổng số 224 giường bệnh.
Đội ngũ cán bộ y tế ngày được nâng cao về chất lượng và số lượng. Toàn huyện có 39 bác sỹ; 90 y sỹ, kỹ thuật viên và 137 cán bộ chuyên môn khác. Đến cuối năm 2013, huyện Lục Yên có 22 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về Y tế xã giai đoạn 2005-2015.
Công tác khám chữa bệnh trên địa bàn huyện ngày được nâng cao, số lượt khám chữa bệnh trong năm tăng lên đáng kể. Năm 2013, có trên 50.800 lượt khám chữa bệnh, trong đó điều trị nội trú cho 2.605 lượt bệnh nhân. Trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi là 23,03%. Số trẻ em dưới 1 tuổi tiêm đủ 7 loại vacxin đạt 99,0%. Công tác vệ sinh phòng bệnh, tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện tốt.
Nhìn chung công tác y tế trên địa bàn huyện trong thời gian qua thực hiện khá tốt, cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện, công tác khám và chữa bệnh ngày được nâng cao. Nhưng do là huyện miền núi, cơ sở vật chất còn thiếu, trình độ chuyên môn chưa sâu, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao...
4.1.4.7. Văn hóa, thể dục - thể thao
Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được quan tâm, chú trọng công tác quản lý nhà nước về văn hóa công cộng, thông tin tuyên truyền và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được tăng cường. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thực sự đi vào cuộc sống của mỗi người dân, các phong trào thi đua xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng, bản, tổ dân phố văn hóa”, “Đơn vị văn hóa” được tổ chức thực hiện tốt.
Năm 2013, toàn huyện đã xây dựng được 217 thôn bản, tổ dân phố văn hóa, số hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa năm 2013 đạt 88%. Tỷ lệ hộ gia đình được xem đài THVN đạt 89%, nghe đài TNVN đạt 95%; tỷ lệ phủ sóng truyền hình địa phương đạt 100%; Tỷ lệ phủ sóng phát thanh địa phương đạt 100%. Hiện trên địa bàn huyện có 01 Đài truyền thanh – truyền hình huyện; 02 trạm phát lại phát thanh – truyền hình; 01 trạm phát lại phát thanh, 24/24 xã, thị trấn có Đài truyền thanh cơ sở.
Công tác tuyên truyền, cổ động được phát triển sâu rộng. Phong trào văn hoá, văn nghệ, hội diễn... được phát huy phục vụ nhân dân và đã đạt được những thành tích đáng kể trong các cuộc thi toàn tỉnh. Hiện nay toàn huyện có khoảng 190 đội văn nghệ cơ bản đáp ứng nhu cầu về văn hóa, văn nghệ của nhân dân trong huyện.
Hoạt động thể dục – thể thao đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn huyện, bình quân mỗi năm tổ chức khoảng 06 giải đấu thể thao với các nội dung như: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… Với đông đảo người dân tham gia.
Mặt khác, huyện cũng đã tổ chức được nhiều giải thể thao, tham gia thi đấu cấp tỉnh và đã đạt được những thành tích đáng kể. Cơ sở vật chất thể thao và thiết chế văn hóa từng bước được nâng cấp phần nào đáp ứng nhu cầu huấn luyện, thi đấu và sinh hoạt văn hóa tinh thần. Tuy nhiên thực trạng các cơ sở còn thiếu thốn do nguồn kinh phí hạn hẹp... đã ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành.
4.1.4.8. Thực trạng an ninh, quốc phòng
Công tác quốc phòng trên địa bàn huyện ngày được củng cố, khu vực phòng thủ chiến đấu đã đáp ứng được yêu cầu chiến lược bảo vệ tổ quốc. Diễn tập khu vực phòng thủ trong những năm qua có những bước
phát triển rõ rệt. Trong năm 2013, đã tổ chức khám sức khỏe tuyển quân được 135 công dân; huấn luyện và củng cố 31/31 cơ sở; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ với quân số 1.893 đồng chí…
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản được giữ vững và ổn định, không có diễn biến phức tạp. Tuy nhiên năm 2013 vẫn xảy ra 29 vụ phạm pháp hình sự và 13 vụ liên quan đến trật tự xã hội.
Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện được quan tâm và đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Quyền lợi hợp pháp của nhân dân được bảo vệ, an ninh vùng đồng bào dân tộc được giữ vững.