Vấn đề bảo tồn được đề cập là bảo tồn những đất ngập nước nước tự nhiên có giá trị cao về đa dạng sinh học và những hệ sinh thái đặc thù. Hiện nay, ở Việt Nam có hai hệ thống bảo tồn: hệ thống rừng đặc dụng (special-use forests system), thuộc sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hệ thống các khu bảo tồn biển (marine conservation sites system), thuộc sự quản lý của Bộ Thủy sản. Hầu hết các khu bảo tồn đất ngập nước hiện nay là các khu rừng đặc dụng. Đến năm 2004, có 126 khu rừng đặc dụng, gồm 28 vườn quốc gia, 59 khu bảo tồn thiên nhiên và 39 khu bảo vệ cảnh quan đã được Thủ Tướng Chính phủ quyết định thành lập. Trong số này có 4 vườn quốc gia (Xuân Thủy, Tràm Chim, U Minh Thượng, Mũi Cà Mau) và 10 khu bảo tồn thiên nhiên (Thạnh Phú, Lung Ngọc Hoàng, Kiên Lương, Bạc Liêu, Tiền Hải, Vồ Dơi, Đảo hồ Sông Đà, Cấm Sơn, Hồ Lak, Hồ Núi Cốc) là những vùng đất ngập nước và có 6 vườn quốc gia (Ba Bể, Bái Tử Long, Cát
Tiên, Côn Đảo, Phú Quốc, Lò Gò - Xa Mát), 4 khu bảo tồn thiên nhiên (Bình Châu - Phước Bửu, EaRal, Trấp Ksơ, Vân Long) có một phần diện tích là đất ngập nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 68 vùng đất ngập nước có giá trị đa dạng sinh học và môi trường của Việt Nam, bao gồm các hồ chứa nước tự nhiên và nhân tạo, các đầm, phá, cửa sông, các sân chim, các khu rừng ngập nước, các trảng cỏ ngập nước theo mùa. Trong đó, có 17 khu thuộc hệ thống các khu rừng đặc dụng đã được Thủ Tướng Chính phủ xác lập.
Một số định hướng về nguyên tắc bảo tồn đất ngập nước có thể nêu như sau: - Khai thác sử dụng đất ngập nước một cách khôn khéo có nghĩa là không làm biến đổi các chức năng, dịch vụ và quá trình sinh thái của chúng;
- Tiến hành quản lý tổng hợp, nhất là quản lý tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng;
- Xây dựng thể chế, chính sách, quy hoạch, căn cứ pháp lý cũng như cơ sở khoa học để sử dụng khôn khéo, có hiệu quả và bền vững các vùng đất ngập nước;
- Quy hoạch và triển khai các hoạt động bảo vệ các vùng đất ngập nước quan trọng và các hệ sinh thái đất ngập nước là điểm nóng cần được bảo tồn;
- Lồng ghép quản lý đất ngập nước vào kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, nghĩa là phải xem đất ngập nước là một trong những tài nguyên quốc gia phục vụ cho phát triển;
- Đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ về nghiên cứu, bảo tồn và sử dụng khôn khéo các hệ sinh thái đất ngập nước trên cơ sở bảo tồn để phát triển bền vững;
- Tạo những thu nhập thay thế giúp cộng đồng giảm sức ép lên đất ngập nước. Gắn hoạt động phát triển kinh tế với bảo tồn đất ngập nước;
- Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục môi trường nâng cao nhận thức về đất ngập nước nói riêng và môi trường nói chung.
- Một trong những giải pháp quản lý, bảo tồn đất ngập nước được xem là có hiệu quả là thành lập các khu bảo tồn (IUCN, 2003). Các khu bảo tồn là thành tố quan trọng để đạt được sự phát triển bền vững. Các khu bảo tồn cung cấp các sản phẩm và dịch vụ vượt ra khỏi ranh giới của chúng đồng thời cũng góp phần quan trọng vào việc bảo tồn đa dạng sinh học và xoá đói giảm nghèo. Các quan điểm về bảo tồn và các khu bảo tồn cũng thay đổi theo thời gian.
CHƢƠNG 2- ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN,KINH TẾ XÃ HỘI VÀ ĐẶC ĐIỂM ĐẤT NGẬP NƢỚC KHU VỰC ĐẢO CÁI BẦU