Khoáng sản trên Thế Giới

Một phần của tài liệu SỬ DỤNG VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN (Trang 31 - 33)

II. Tình hình sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên

2.5.3.Khoáng sản trên Thế Giới

Làm cơ sở cho sự phát triển công nghiệp hiện nay bao gồm một số kim loại chủ yếu như sắt, đồng, nhôm, chì, kẽm,... Ở nhiều quốc gia có nền công nghiệp phát triển thì nhu cầu về các kim loại này chiếm tỉ lệ 80% - 90% tổng lượng kim loại sử dụng trên thế giới. Ngoài ra nhu cầu về khoáng sản phi kim loại cũng tăng lên, chủ yếu được sử dụng để làm phân bón, sử dụng trong xây dựng và dùng làm nguyên liệu cho một số ngành công nghiệp.

Sau đây chỉ đề cập đến một số khoáng sản kim loại chủ yếu được khai thác sử dụng:

2.5.3.1. Quặng sắt

Ðây là loại khoáng sản thường gặp và khá phổ biến trong vỏ trái đất, gồm bốn loại quặng có tầm quan trọng trong thương mại là: Fe3O4 (magnetit),

Fe2O3 (Hematit), FeO2 (limonit) và FeCO3 (Siderit). Các loại quặng này có chứa khá nhiều tạp chất nên tỷ lệ kim loại trong quặng giảm.

Vùng Siberia (Liên Xô cũ) là vùng có trữ lượng sắt được xem như lớn nhất thế giới. Công nghiệp sản xuất thép trên thế giới ngày càng tăng theo sự phát triển của nền công nghiệp, năm 1965 sản xuất trên toàn thế giới là 370 triệu tấn đến năm 1980 sản xuất được gần 1 tỉ tấn.

2.5.3.2. Quặng đồng

Mặc dù trữ lượng đồng trên thế giới ít hơn nhưng nhu cầu sử dụng cũng gia tăng. Năm 1965 sản xuất đồng trên toàn thế giới là 6,6 triệu tấn và với nhịp điệu gia tăng hàng năm từ 3,4% - 5,8%. Dự kiến nhu cầu về đồng đến năm 2000 khoảng từ 16,8 triệu St đến mức tối đa là 34,9 triệu St (St=Shortton= 907,2 kg), như vậy so với năm 1965 ở mức thấp thì tăng gấp 2,6 lần.

Vấn đề đặt ra hiện nay trong công nghiệp đồng là nhu cầu về đồng càng tăng trong khi đó phẩm chất của quặng lại giảm nên giá thành của sản xuất đồng càng ngày càng tăng lên. Vì thế những công cụ truyền thống vốn làm bằng đồng dần dần được thay thế bằng nhôm hoặc bằng chất dẻo.

2.5.3.3. Quặng nhôm

Nhôm không được gặp ở trạng thái đơn chất trong tự nhiên mặc dù nó chiếm đến 8,13% trọng lượng vỏ trái đất. Bauxit chứa hydroxyd nhôm là quặng chính thường được khai thác để lấy nhôm.

Năm 1948 sản xuất nhôm toàn thế giới chỉ đạt 0,5 triệu tấn, đến năm 1968 đã lên tới 8 triệu tấn và nhu cầu về nhôm càng ngày càng cao hơn rất nhiều. Hiện nay, hai ngành xây dựng và giao thông vận tải sử dụng nhôm nhiều nhất. Hơn nữa do tính chất bền và chắc của hợp kim nhôm nên ngành kỹ thuật hàng không và hàng không vũ trụ ngày càng tiêu thụ nhiều nhôm hơn.

2.5.3.4. Một số khoáng sản khác

- Quặng thiếc: trữ lượng thiếc rất hạn chế và tập trung ở một số nước Ðông Nam Á như Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, Trung Quốc và một số quốc gia khác ở Châu Phi như Nigeria, Congo...Thiếc mềm và dễ dát mỏng nên được sử dụng để làm thùng và hộp chứa thực phẩm khô (60%), trong kỹ nghệ hàn (20%) và một số các công việc khác. Do tính chất dễ bị han gỉ của thiếc nên ngày nay nhôm và chất dẻo dần dần thay thế vị trí của thiếc trong việc sản suất các thùng chứa thực phẩm.

- Nikel (kền): chủ yếu khai thác ở Canada (chiếm 80% toàn thế giới) ngoài ra còn có ở Liên Xô cũ, Cuba...

- Chì: chì thì mềm, nóng chảy ở nhiệt độ tương đối thấp, không bị han gỉ và nặng hơn cả trong số các kim loại thông thường. Trong thời gian qua thì nhu cầu chì ngày càng tăng nhất là Liên Xô và một số nước ở Châu Á, một phần do phát triển sản xuất ô tô ở khu vực này.

- Phân bón: Nông nghiệp ngày càng phát triển nên nhiều nước sử dụng càng nhiều phân hóa học để tăng thu hoạch mùa màng. Công nghiệp phân hóa học càng phát triển, kỹ thuật chế tạo phân bón không phức tạp nó đòi hỏi số nguyên liệu để cố định đạm và xử lý phosphat. Nguyên liệu chủ yếu để sản xuất phân bón là P2O5, K2O và N2 dồi dào trong lớp vỏ quả đất nên giá thành trở nên hạ.

Một phần của tài liệu SỬ DỤNG VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN (Trang 31 - 33)