Việt Nam được thế giới biết đến là một nước nông nghiệp với những bước tiến vượt bậc. Nông nghiệp không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Việc đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp đã góp phần tăng đáng kể năng suất và chất lượng của sản phẩm nông nghiệp trong những năm qua. Theo thống kê, biện pháp giống làm tăng năng suất từ 5-20%; biện pháp phân bón giúp tăng 10-15%, tưới tiêu giúp tăng 20-40%... Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, để tốc độ tăng trưởng nông - lâm - thủy sản đạt 3,5-4%/năm từ nay đến năm 2020, khoa học công nghệ vẫn là lực lượng sản xuất quan trọng nhất đưa nông nghiệp vươn lên mạnh mẽ và bền vững;
Trong 16 năm (1996-2012), khoa học công nghệ đã đóng góp 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp, giúp Việt Nam gia tăng giá trị sản lượng nông - lâm - thủy sản xuất khẩu lên mức gần 20 tỷ USD;
Chỉ tính riêng 5 năm (2008-2012), kết quả từ Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT) cho thấy, có 4.386 đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm tạo ra 273 giống cây trồng; lai tạo và chọn lọc thành công 29 dòng, giống vật nuôi mới; 20 quy trình công nghệ về bảo vệ thực vật, chưa kể hơn 24 nghìn mẫu nguồn gen quý hiếm của các loài cây trồng có ở Việt Nam với gần 20 nghìn gen đang bảo tồn tại Ngân hàng gen quốc gia và trên 5 nghìn gen lưu giữ tại cơ quan mạng lưới đang được Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam quản lý, đáp ứng cao nhất nhu cầu sản xuất trong nước;
Tính chung đến nay, đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, bông, cây ăn quả... được dùng giống mới. Còn trong chăn nuôi, mỗi năm Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã chuyển giao vào sản xuất khoảng 1.700 con lợn giống, 600.000 liều tinh bò, trên 15 triệu con gia cầm giống các loại… Kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp nhờ đó không ngừng gia tăng với tốc độ 24%/năm, và ước tính mỗi năm tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước thu về khoảng 14-16 tỷ USD. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã và đang có nhiều mặt hàng có thị phần lớn và chiếm vị thế cao trên thế giới như: hạt điều, hạt tiêu, lúa gạo, cà phê, cao su, chè và một số mặt hàng thủy sản…;
Trên đà đó, theo Chiến lược phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020, các thành tựu khoa học công nghệ nông nghiệp đóng góp 40% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp đến năm 2015 và 50% đến năm 2020. Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng 30% trong giá trị sản xuất của các sản phẩm chủ yếu đến năm 2015 và 50% đến năm 2020. Tỷ lệ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 30% trong tổng số doanh nghiệp nông nghiệp đến năm 2020. Tăng số lượng và chất lượng cán bộ khoa học có trình độ trên đại học đến năm 2020 gấp đôi so với hiện nay, hình thành đội ngũ cán bộ đầu đàn ở tất cả các
lĩnh vực khoa học công nghệ chuyên sâu. Đến năm 2020, 80% số tổ chức khoa học công nghệ nông nghiệp và phát triển nông thôn công lập đạt trình độ khu vực, trong đó 20% đạt trình độ quốc tế;
Để làm được điều này, Bộ NN&PTNT đề ra giải pháp sẽ tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ lĩnh vực nông nghiệp, đạt 0,3% GDP vào năm 2015 và 0,5% GDP vào năm 2020. Tổng kinh phí cần thiết phục vụ cho công tác nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp trong 8 năm 2013-2020 vào khoảng 13.000 tỷ đồng và hàng năm phải tăng kinh phí đầu tư 20% so với năm trước để nghiên cứu, chuyển giao, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, hiện đại hóa các trang thiết bị nghiên cứu của các tổ chức khoa học công nghệ. Còn kinh phí chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, các công nghệ mới khoảng 4.000 tỷ đồng.
Đầu tư theo hướng tập trung, đồng bộ cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, thí nghiệm, chuyển giao với các trang thiết bị nghiên cứu, chuyển giao tiên tiến, hiện đại. Đến năm 2020, có ít nhất 10 tổ chức khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đạt trình độ ngang tầm khu vực và thế giới. Lĩnh vực ưu tiên đầu tư nghiên cứu, chuyển giao tập trung vào ứng dụng công nghệ sinh học để tạo giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chất lượng cao. Phát triển ứng dụng công nghệ, thiết bị cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông - lâm - thủy sản, đánh bắt thủy hải sản, giảm tổn thất sau thu hoạch. Nghiên cứu các bệnh gia súc, gia cầm, chế tạo các loại vắc xin, thuốc thú y và các chế phẩm sinh học phục vụ chẩn đoán, điều trị và khống chế dịch bệnh. Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới để cải tạo đất, khai thác hiệu quả nước mặt, nước ngầm. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư cho vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa trọng điểm, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai, dịch bệnh;
Để khắc phục những tồn tại, khó khăn trong hoạt động khoa học công nghệ hiện nay, trong lần sửa đổi Luật khoa học công nghệ lần này, Nhà nước cần phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, bởi thực tế thời gian qua, việc phân công nhiệm vụ nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa rõ ràng và cụ
thể giữa các bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đến tình trạng nhiều đề tài, dự án chồng chéo, gây lãng phí. Bên cạnh đó, Bộ khoa học công nghệ và Bộ Tài chính sớm sửa đổi Thông tư liên tịch 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN và Thông tư liên tịch 44/TTLT/BTC-BKHCN cho phù hợp với điều kiện hiện nay, làm sao thu hút và huy động được tổng lực hiện có cho nghiên cứu.
1.6 Thực trạng cơ sở dữ liệu và công tác quản lý cơ sở dữ liệu trong ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn nước ta hiện nay;