6. Bố cục
3.2 Phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân Vinh Thanh giai đoạn 1939
1939 - 1945
Cuối năm 1939 đầu năm 1940, tình hình trong nước và thế giới có những chuyển biến khá phức tạp. Trước sự suy yếu của thực dân Pháp, phát xít Nhật đã nhảy vào Đông Dương, nhân dân cả nước ta nói chung và nhân dân xã Vinh Thanh nói riêng phải chịu “Một cổ hai tròng” cuộc sống của người dân ngày càng trở nên bi đát hơn. Bọn chúng ra sức bóc lột nhân dân, vơ vét của cải và tăng cường hoạt động khủng bố những người tham gia hoạt động cách mạng trước đây bị bắt đã mãn hạn được thả, thì giờ đây chúng bắt trở lại đem đi quản thúc ở “cảng an trí” vì chúng cho họ là “ những phần tử nguy hiểm phá rối trật tự trị an”. Các đồng chí Trần Thanh Chữ, Trương Luyện và nhiều đồng chí khác lần lượt bị địch bắt giam.
Cuối năm 1940, tình hình có nhiều thay đổi, Nhật vào xâm chiếm Đông Dương. Tại Thừa Thiên, chúng lập nhiều đồn bốt, đẩy mạnh các hoạt động văn hoá lừa bịp. Tháng 7 – 1942, đồng chí Nguyễn Chí Thanh triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh tại bến đò Vĩnh Tu. Tinh thần chuyển hướng của các nghị quyết đã soi sáng hoạt động của đảng bộ địa phương trong thời kỳ mới. Hội nghị cũng đã đề ra một số công tác như phát triển Đảng, thành lập tổ chức Việt Minh, đội tự vệ bí mật để bảo vệ cơ sở và cán bộ
Từ năm 1942 – 1944, với sự nổ lực của nhiều đảng viên cộng sản, nhiều nhóm cơ sở cảm tình Đảng liên tiếp được hình thành ở Vinh Thanh như: nhóm Đại Việt, nhóm Cần Lao… [11], họ ra sức lôi kéo nhân dân đi theo cách mạng. Phong trào cách mạng ở xã Vinh Thanh từ đây được phục hồi dần. Tháng 7 – 1943, đồng chí Nguyễn Chí Thanh lại bị bắt. Đầu năm 1944, Tỉnh uỷ được thành lập lại. Giữa năm 1944, Hội nghị mở rộng bàn vấn đề thống nất hành động trong toàn đảng bộ, phát triển tổ chức Việt Minh.
Cuối năm 1944 đầu năm 1945, cả Nhật và Pháp đều đua nhau vơ vét lúa gạo dẫn đến tình trạng khan hiếm lương thực, nạn đói hoành hành khắp nơi. Ở miền Bắc có đến 2 triệu người chết đói, ở xã Vinh Thanh lương thực khan hiếm, chủ yếu là củ chuối, rau khoai… để chống đói qua ngày. Đói khổ là vậy, nhưng số đảng viên được phân công bám trụ ở Vinh Thanh vẫn không nao núng tinh thần. Họ vẫn đi sâu vào dân, sát cánh cùng dân và vận động dân đùm bọc nhau, không bán thóc cho Nhật, phản đối Lý trưởng vơ vét thóc gạo của dân… Từ đó phong trào cách mạng vẫn giữ được sức nóng và khí thế của sự chuẩn bị đón thời cơ khởi vẫn lên cao.
Tình hình khắp mọi miền đất nước đang có nhiều chuyển biến, cuối năm 1944, chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào toàn quốc: “… Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh.” [6, tr. 505].
Đêm mồng 9 – 3 – 1945 , phát xít Nhật nổ súng lật đổ Pháp dựng lên chính phủ bù nhìn tay sai Trần Trọng Kim, thành lập nên các tổ chức thân Nhật như: Đại Việt quốc gia liên minh, Đại Việt duy tân và đưa ra những luận điệu bịp bợm như: “Khối thịnh vượng chung Đông Nam Á”, “Người anh cả da vàng”. Để tách tầng lớp thanh niên ra khỏi phong trào đấu tranh của dân tộc, bọn chúng lập nên cái gọi là “Thanh niên Việt Nam” hay còn gọi là thanh niên Phan Anh trong các thôn, xã.
Ở xã Vinh Thanh chúng đã lợi dụng những thanh niên hăng hái (chủ yếu là những thanh niên theo công giáo) chưa nhận thức được đúng đắn thực chất của chiêu bài “Độc lập” mà phát xít Nhật chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim đang rêu rao.
Ngày 23 – 5 – 1945, hội nghị cán bộ toàn Tỉnh được triệu tập tại đầm Cầu Hai để đánh giá tình hình và bàn về phương pháp tổ chức quần chúng nổi dậy giành chính quyền khi thời cơ đến. Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc với tinh thần đầy trách nhiệm, hội nghị đã thống nhất về thời cơ khởi nghĩa, công tác tổ chức và quyết định chuyển cơ quan chỉ đạo của Tỉnh từ Phú Lộc về thành phố Huế.
Tiếp thu đường lối chủ trương của Hội nghị đầm Cầu Hai, nhân dân xã Vinh Thanh dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ Phú Vang cùng các cán bộ Đảng viên cốt cán trong xã, hừng hực khí thế chuẩn bị cho một cuộc nổi dậy cướp chính quyền. Các tổ chức đoàn thể được thành lập như: Hội thanh niên cứu quốc, hội phụ nữ cứu quốc… các tổ chức lao động thì mang tên “Hội gánh phân”, “Hội lợp nhà”, “Hội cắt tóc”… đặc biệt lúc này đội tự vệ cứu quốc của thôn được thành lập quy tụ thành một khối trong Mặt trận Việt Minh.
Tháng 7 – 1945, báo Cờ giải phóng và chương trình điều lệ Việt Minh, đã lưu hành trong các tổ chức cứu quốc. Truyền đơn của Việt Minh được phân phát rộng rãi trong nhân dân.
Đến đầu tháng 8 – 1945, không khí chuẩn bị cho khởi nghĩa ngày một khẩn trương và được tiến hành một cách công khai, ở Vinh Thanh và nhiều nơi trong cả nước các đội tự vệ ngày đêm luyện tập, các bể lò rèn trong xã nhanh chóng ra lò những vũ khí trang bị cho ngày cướp chính quền sắp tới. Các chị, các mẹ thì tích cực đi quyên giúp tiền thóc, gạo sung vào ngân quỹ Việt Minh, để cung cấp cho đội
tự vệ, rèn vũ khí, mua vải may cờ, băng, khẩu hiệu, các đồng chí đảng viên, cán bộ cốt cán thì lên huyện lấy truyền đơn, viết thư đem đến tặng tay Lý trưởng, cường hào và tổ chức “Thanh niên Phan Anh”, cảnh cáo, kêu gọi họ đi theo cách mạng.
Trước khí thế cách mạng của quần chúng, bọn Hương lý, kỳ hào thấy rõ ngày tận số của chế độ đương thời đã điểm, không còn cách gì để cứu vãn nổi lên một số bọn chúng đã ngã về phía cách mạng, số còn lại nằm im không dám hống hách như trước.
Ngày 10 – 8 – 1945, Tỉnh uỷ họp hội nghị mở rộng để quyết định kế hoạch khởi nghĩa và phân công cán bộ về phụ trách ở các Tổng. Đồng chí Trần Thanh Chữ được cử về phụ trách ở Tổng Kế Mỹ.
Trước cao trào chống Nhật cứu nước, chuẩn bị sẵn sàng khởi nghĩa giành chính quyền đang phát triển sâu rộng trong cả nước, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào đã chủ trương lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền. Vào 23 giờ ngày 13 – 8 – 1945, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc ra quân lệnh số 1. Ngày 15 – 8 – 1945 Nhật dầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Tin Nhậtđầu hàng truyền đi khắp cả nước, phát xít Nhật ở Đông Dương như rắn mất đầu, hoang mang dao động. Tình hình đó là điều kiện thuận lợi cho cách mạng Việt Nam và Đông Dương. Tổng bộ Việt Minh vạch rõ thời cơ khởi nghĩa đã chín muồi, Uỷ ban khởi nghĩa các cấp tổ chức cho quần chúng đứng lên giành chính quyền.
Tin thường vụ Tỉnh Uỷ quyết định khởi nghĩa lan ra nhanh về các địa phương. Một không khí náo nức dấy lên trong thôn xóm.
Như vậy, việc chuẩn bị diễn ra rất khẩn trương và chu đáo. Tình thế cách mạng đã xuất hiện, thời cơ đến, dưới sự chỉ đạo của Đảng thông qua Mặt trận Việt Minh, nhân dân Vinh Thanh tập hợp thành một lực lượng đoàn kết thống nhất sẵn sàng đứng lên khi có mệnh lệnh đưa ra.