6. Bố cục
2.2.3 Phong trào đấu tranh của nhân dân Vinh Thanh giai đoạn 1936 – 1939
Từ năm 1936 trở đi, tình hình chính trị, xã hội trong và ngoài nước có những chuyển biến quan trọng. Tháng 7 – 1936 Hội nghị trung ương quyết định thành lập “Mặt trận dân chủ Đông Dương” đấu tranh chống phát xít, chống chiến tranh đòi tự do dân chủ, hoà bình… Trước tình hình đó, Tỉnh Uỷ Thừa Thiên Huế đã kịp thời phát động một phong trào đấu tranh rầm rộ khắp các địa phương theo tinh thần mới mà Trung ương đã chỉ ra.
Hưởng ứng chỉ thị của Tỉnh và Trung ương nhân dân Vinh Thanh tích cực tham gia mặt trận dân tộc dân chủ, góp phần quan trọng tiến đến cuộc vận động giải phóng dân tộc và khởi nghĩa giành chính quyền cùng với nhân dân trong cả nước.
Không khí sôi sục lên cao từ các cuộc đấu tranh chống ách đô hộ của nhân dân ta khắp mọi miền đất nước và từ cuộc đấu tranh của các lực lượng tiến bộ ở chính quốc nên Chính phủ Pháp buộc phải thu thập nguyện vọng của nhân dân Đông Dương. Nắm lấy cơ hội đó, Đảng ta phát động một phong trào quần chúng rộng rãi lấy tên là “Phong trào Đông Dương đại hội” nhằm tập hợp lực lượng đấu tranh bảo vệ hoà bình và quyền lợi tự do dân chủ, dân sinh với nhiều hoạt động cụ thể.
Ngày 4 – 8 – 1936, dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Trung Kỳ, Ủy ban trù bị Đông Dương đại hội thành lập tại Huế và bản thảo nguyện vọng của nhân dân gửi chính phủ Pháp. Từ nông dân đến thành thị, Đảng chủ trương kêu gọi thành lập ban trù bị cơ sở để bầu đại biểu dự đại hội cấp trên. Ngày 20 – 9 – 1936, Đại hội nhân dân toàn kỳ được tổ chức, Phú Vang có hai đồng chí là Đỗ Tram và Trần Thanh Chữ. Tại đại hội này, đại biểu các ngành, các giới đã nói lên tiếng nói chung đòi tự do dân chủ, đòi các quyền lợi kinh tế, chính trị.
Tháng 1 – 1937, Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp ở Justin Godart, Thanh tra Lao động cầm đầu phái bộ sang Đông dương điều tra tình hình. Nhân dịp này, lấy lý do đón tiếp Godart, các tổ chức Đảng ở Thừa Thiên Huế đã huy động hàng vạn người khắp các huyện xã xuống đường biểu dương lực lượng với khẩu hiệu đòi ân xá chính trị phạm, bỏ thuế thân, tự do nghiệp đoàn, tự do ngôn luận… Một đợt tuyên truyền vận động rộng rãi được tiến hành thông qua các buổi mít tinh, biểu tình, diễn thuyết… Tháng 2 – 1937, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Thừa Thiên, các đồng chí đảng viên ở Phú Vang tích cực vận động nông dân thu thập nguyện vọng và chuẩn bị lực lượng để biểu dương sức mạnh khi Godart đến Huế.
Người dân xã Vinh Thanh hoà vào dòng người khắp nơi kéo lên Huế với nhiều bản “dân nguyện” đòi giảm sưu thuế, đòi tự do hoà bình. Đây là cuộc biểu dương hùng hậu, thể hiện khí thế đấu tranh của các tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện khẩu hiệu của Mặt trận dân chủ do Đảng lãnh đạo. Trong cuộc đấu tranh đó, một bộ phận nhân dân Vinh Thanh đã có những đóng góp tích cực.
Năm 1938, chính quyền thực dân dự kiến tăng thuế thân và thuế điền. Khi dự án được công bố trên báo, lập tức nổ ra phong trào đấu tranh trong toang huyện Phú Vang. Một số người tham gia cách mạng xã nhà đã vận động bà con đứng dậy chống tăng thuế thân, thuế điền. Ngày 16 – 8 – 1938, Viện dân biểu Trung Kỳ nhất trí bỏ dự án tăng thuế. Tháng 9 – 1938, thực hiện chủ trương của Xứ uỷ Trung Kỳ và Tỉnh uỷ Thừa Thiên, Huyện uỷ Phú Vang đề ra chủ trương lãn đạo các tầng lớp nhân dân biểu tình bác bỏ “dự án thuế mới” [1, tr. 30]. Một cuộc mít tinh lớn giữa hai tổng Sư Lỗ và Quảng Xuyên được tổ chức. Nhân dân xã Vinh Thanh cùng với các địa phương khác hô vang khẩu hiệu:
- Chống dự án tăng thuế điền thổ. - Ban hành tự do dân chủ.
Phát huy phong trào đấu tranh của nhân dân, tháng 9 – 1938 đồng chí Trần Thanh Chữ đã dẫn đầu đoàn thanh niên xã Vinh Thanh và tổng Kế Mỹ lên Huế dự mít tinh và đưa nguyện vọng của nhân dân cho viện dân biểu trong khi nghị viện đang họp.
Tháng 9 – 1939, Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ VI để kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược. Hội nghị nhấn mạnh: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn con đường nào khác hơn là đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách thống trị ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để tranh lấy giải phóng”.
Trong thời gian này, ở Vinh Thanh và toàn huyện các tổ chức tương tế của quần chúng đã ra đời. Hoạt động của các tổ chức này rất đa dạng và phong phú: tổ chức quyên góp gạo, mở lớp dạy chữ quốc ngữ… tạo nên một sinh khí mới trong làng quê.
Tháng 10 – 1939, địch thực hiện một cuộc khủng bố trắng ở Thừa Thiên Huế, hầu hết các đồng chí đảng viên bị bắt. Hệ thống cơ sở bị vỡ, một số đồng chí rút vào hoạt động bí mật.
Giai đoạn 1936 – 1939 là những năm tháng có ý nghĩa lịch sử với nhân dân Phú Vang nói chung và Vinh Thanh nói riêng. Việc tham gia và hưởng ứng của đông đảo nhân dân Vinh Thanh trong cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ dân sinh dưới sự tập hợp của Mặt trận dân chủ, đặc biệt trong sự kiện đón tiếp phái đoàn Godart đã minh chứng rằng nhận thức về kẻ thù của người dân đã được nâng cao, tổ chức Đảng đã tạo dựng niền tin trong quần chúng để họ nghe và đi theo con đường cứu nước mà Đảng đã vạch ra.