Ghi nhớ mẹo luật chính tả.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng dạy học luật chính tả trong trường Tiểu học (Trang 53 - 54)

Mẹo luật chính tả là các hiện tượng chính tả mang tính quy luật chi phối nhiều từ, giúp giáo viên khắc phục lỗi chính tả cho học sinh một cách hữu hiệu. Có rất nhiều mẹo luật chính tả, nhưng đối với học sinh tiểu học, giáo viên cần giúp học sinh ghi nhớ một số mẹo luật chính tả đơn giản như:

- Viết âm đầu gh khi sau nó là i, ia, iê, ê, e (Ví dụ: Ghi, ghế,...), viết g trong các trường hợp còn lại (Ví dụ: Gà, gọn,...).

- Viết âm đầu ngh khi sau nó là i, ia, iê, ê, e (Ví dụ: nghĩ, nghề,...), viết ng trong các trường hợp còn lại (Ví dụ: Người, ngành, ngắm,...).

- Viết âm đầu k khi sau nó là i, ia, iê, ê, e (Ví dụ: Kiến kẻ,...). Viết q khi sau nó là âm đệm u (Ví dụ: Quả, quyết, quẻ, quê,...), viết c trong những trường hợp còn lại (Ví dụ: Cá, con, câm, cười,...).

- Viết i đối với các âm bắt đầu bằng h, k, l, m, t (Ví dụ: Kĩ luật, hi sinh, tỉ mỉ,...).

Để khắc phục trường hợp lẫn lộn giữa dấu hỏi và dấu ngã, trong các từ láy Tiếng Việt, nếu một trong hai tiếng mang thanh huyền hoặc thanh nặng thì tiếng còn lại mang thanh ngã, nếu một trong hai tiếng mang thanh không (thanh ngang) hoặc thanh sắc thì tiếng còn lại mang thanh hỏi. Để ghi nhớ điều này, học sinh chỉ cần thuộc câu thơ lục bát sau:

“ Chị Huyền mang nặng ngã đau

Anh không sắc thuốc hỏi đâu mà lành”. Ví dụ: đẹp đẽ, vồn vã, vất vả,...

- Viết sai do không phân biệt s/x, có thể sử dụng:

+ Mẹo âm đệm trong các từ có âm đệm thì viết x, trừ từ suyễn, suy, súy, soát (lục soát, soát vé).

+ Mẹo từ láy trong các từ láy âm đầu, cà hai tiếng cùng x hoặc cùng s (VD: Xa xôi, sạch sẽ,..). Còn từ láy vần lại thường là x (VD: Lao xao, loăn xoăn,...)

Đối với những học sinh yếu không ghi nhớ hết được một số mẹo luật chính tả, giáo viên sẽ áp dụng biện pháp 1, 2, 3, 5.

Ngoài ra, việc chuẩn bị bài ở nhà của các em cũng không kém phần quan trọng, giúp giáo viên và học sinh tiết kiệm và đỡ mất thời gian trên lớp.

Ví dụ: Sau khi các em chuẩn bị bài ở nhà, lên lớp giáo viên chỉ cần nghe

học sinh báo cáo những từ nào khó viết, dễ lẫn lộn và hay viết sai. Các em chỉ cần nêu, giáo viên tổng hợp và giúp các em giải quyết. Các em sẽ nhớ lâu hơn và ít viết sai.

Yếu tố quan trọng nữa là: Sau khi viết bài, nếu học sinh viết sai chữ nào, giáo viên cần cho các em viết lại từ có chữ đó và phân tích nhiều lần để các em nhớ.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng dạy học luật chính tả trong trường Tiểu học (Trang 53 - 54)