1.2.3.1. Các nhân tổ chủ quan
Chiến lược kinh doanh của Ngân hàng.
Chiến lược kinh doanh là những kế hoạch, đường lối, định hướng phát triển của Ngân hàng. Chiến lược kinh doanh là một nhân tố quan trọng ảnh
hưởng trực tiếp tới tất cả các hoạt động của Ngân hàng trong đó có hoạt động bảo lãnh và chất lượng hoạt động bảo lãnh. Một chiến lược kinh doanh đúng đắn, thống nhất, có tầm nhìn xa và phù hợp xu hướng phát triển của nền kinh tế sẽ giúp cho Ngân hàng có một phương hớng nhất quán, khai thác tốt nhất năng lực hiện có của Ngân hàng và đồng thời giúp cho Ngân hàng có thể thích ứng một cách nhanh chóng với những biến đổi của môi trường kinh doanh.
Trên cơ sở chiến lược kinh doanh đúng đắn, Ngân hàng mới có thể có những kế hoạch cụ thể cho từng thời kỳ. Đối với bảo lãnh, chiến lược kinh doanh của Ngân hàng phải được cụ thể hoá thành các mục tiêu và nhiệm vụ, định hướng khách hàng, thị trường mục tiêu và các loại hình bảo lãnh tương ứng, góp phần cân đối nghiệp vụ bảo lãnh trong các loại hình dịch vụ khác.
Kế hoạch phát triển hoạt động bảo lãnh.
Kế hoạch phát triển hoạt động bảo lãnh là việc cụ thể hoá chiến lược kinh doanh cho hoạt động bảo lãnh trong một thời gian ngắn. Kế hoạch phát triển hoạt động bảo lãnh ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô, tính chất các khoản bảo lãnh cũng như phương thức hoạt động bảo lãnh của Ngân hàng. Kế hoạch sẽ định rõ hướng phát triển, thị trường mục tiêu, khách hàng tiềm năng…Một kế hoạch phát triển đúng đắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động bảo lãnh Ngân hàng.
Trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ bảo lãnh.
Con người là yếu tố quan trọng hàng đầu, là yếu tố quyết định đến sự thành bại đến hoạt động kinh doanh của Ngân hàng cũng như viêc đảm bảo chất lượng bảo lãnh. Đội ngũ cán bộ có đạo đức tư cách nghề nghiệp tốt, chuyên môn cao…sẽ giúp cho Ngân hàng có thể hạn chế rủi ro trong hoạt động bảo lãnh.
Công tác thẩm định
Thẩm định khách hàng là một cơ sở quan trọng nhất để Ngân hàng đi đến quyết định đúng đắn. Khi khách hàng yêu cầu Ngân hàng đứng ra bảo lãnh cho một hợp đồng kinh tế, trước hết Ngân hàng sẽ xem xét khả năng tài chính của khách hàng, khả năng tự tài trợ, khả năng thanh toán của khách hàng nếu như nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh. Tiếp đó Ngân hàng sẽ tiến hành thẩm định chính hợp đồng kinh tế được yêu cầu bảo lãnh, tính khả thi, nhu cầu về vốn, thời gian…Ngân hàng thoả thuận về tài sản đảm bảo…Tất cả những yếu tố đó là cơ sở để Ngân hàng để xác định mức phí bảo lãnh, mức ký quỹ, hạn mức bảo lãnh …phù hợp nhất với mức rủi ro dự tính của Ngân hàng. Nếu công tác thẩm định mà thực hiện không tốt thì sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra những rủi ro và có thể dẫn đến những hậu quả rất lớn.
Quy trình bảo lãnh
Quy trình bảo lãnh là quy trình quy định một trình tự, thủ tục thống nhất các bước thực hiện của nghiệp vụ bảo lãnh. Một quy trình bảo lãnh chặt chẽ và hợp lý, song không quá tốn kém phức tạp mà không gây phiền hà cho khách hàng giúp cho Ngân hàng vừa đảm bảo cho hoạt động bảo lãnh được an toàn, hạn chế rủi ro có thể xảy ra. Đó chính là điều kiện cần thiết đảm bảo cho chất lượng hoạt động bảo lãnh.