Công tác thẩm định tín dụng là công tác rất quan trọng đối với việc cho vay vốn tại các ngân hàng. Do vậy, một phương pháp thẩm định hợp lý để cho kết quả thẩm định chính xác sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thẩm định dự án cho vay. Tại ngân hàng VPBank, các cán bộ thẩm định thường tiến hành thẩm định các dự án dựa trên cơ sở sự kết hợp của nhiều phương pháp. Từ đó mới tạo ra được một sự chính xác khá cao trong công tác thẩm định. Các phương pháp chính được sử dụng trong quá trình thẩm định tại chi nhánh bao gồm các phương pháp sau:
- Thẩm định theo trình tự.
- Phương pháp so sánh các chỉ tiêu. - Phương pháp dự báo.
Trong quá trình thẩm định dự án nông nghiệp, đối với các dự án lớn thì hầu hết các dự án đều sử dụng đồng thời cả ba phương pháp. Bởi mỗi phương pháp có những ưu điểm riêng.
+ Phương pháp thẩm định trình tự:
Theo phương pháp này thì phải tiến hành thẩm định tổng quát trước rồi mới thẩm định chi tiết hơn. Tức là, trước tiên các cán bộ thẩm định phải xem xét một cách khái quát nhất, tổng quát nhất các vấn đề liên quan đến dự án như là xem dự án có thuộc diện quy hoạch phát triển kinh tế xã hội không?... Còn thẩm định chi tiết tức là các cán bộ thẩm định phải tiến hành phân tích, đánh giá về mặt kỹ thuật, kinh tế tài chính, thị trường của dự án…Việc sử dụng phương pháp này trong các dự án lớn cho phép nhân viên thẩm định có cái nhìn bao quát về dự án sau đó mới đi tìm hiểu chi tiết các nội dung sẽ tránh được những thiếu sót trong quá trình thẩm định.
+ Phương pháp so sánh:
Phương pháp này được sử dụng nhằm so sánh các chỉ tiêu của dự án, từ đó phân tích để ra quyết định cho vay. Phương pháp này thường được sử dụng trong các dự
án nông nghiệp vừa và nhỏ. Do đặc điểm của các dự án nông nghiệp thường lấy các thông số kỹ thuật nhất định về giống và các điều kiện tự nhiên, bên cạnh đó các dự án nông nghiệp được tiến hành khá phổ biến vì thế việc sử dụng phương pháp so sánh khá thuận lợi cho các nhân viên thẩm định. Vì thế phương pháp này thường được sử dụng trong công tác thẩm định các dự án nông nghiệp vừa và nhỏ khi đầu tư mới. Các chỉ tiêu thường được dùng trong quá trình thẩm định là:
Nhóm chỉ tiêu kết quả, hiệu quả đầu tư: thông thường các chỉ tiêu này thường được so sánh với các dự án đã từng thực hiện tương tự về quy mô và công suất.
Nhóm chỉ tiêu về quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế kỹ thuật, các thông số định mức trong lĩnh vực nông nghiệp…cũng thường được đem so sánh, để đánh giá xem dự án xin vay vốn có đáp ứng được những tiêu chuẩn cơ bản đặt ra hay không?
+ Phương pháp dự báo:
Một đặc điểm cơ bản của các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp là diễn ra trong một thời gian dài, trên không gian rông lớn nên chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của dự án. Do vậy, các cán bộ thẩm định cần phải dự báo được một cách chính xác hiệu quả kinh tế của dự án xin vay vốn.
Các cán bộ thẩm định cần dự báo được các vấn đề sau:
Dự báo tình hình cung cầu về thị trường nguyên vật liệu đầu vào cung cấp cho dự án khi đi vào hoạt động. Cần dự báo được đơn giá xác định cơ bản, giá các trang thiết bị, giá cước vận tải… dựa trên các thông tin trên thị trường và xu hướng phát triển của thị trường.
Dự báo được tình hình cung cầu thị trường về sản phẩm, dịch vụ đầu ra của dự án; dự báo về các sản phẩm cùng loại có khả năng thay thế sản phẩm của dự án có tính cạnh tranh cao …
Để có được những con số dự báo chính xác thì các cán bộ thẩm định tại Ngân hàng VPBank phải dựa vào một số phương pháp sau:
Phương pháp ngoại suy thống kê: tức là các cán bộ thẩm định phải quan sát, tìm hiểu xem thị trường cung cầu sản phẩm, dịch vụ đầu vào cũng như đầu ra của dự án
trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Từ đó mới có thể phát hiện ra quy luật hoặc xu hướng của thị trường; dựa vào đó để xây dựng quy luật vận động của thị trường, dự báo mức cung cầu trong tương lai. phương pháp này tuân thủ theo nguyên tắc: vấn đề xảy ra trong quá khứ tuân theo quy luật nào thì ở hiện tại và tương lai sẽ tiếp tục tuân theo quy luật đó.
Phương pháp lấy ý kiến chuyên gia: Đây là phương pháp thu thập những ý kiến đánh giá của các chuyên gia một cách hợp lý để từ đó phân tích và chọn ra một phương án dự báo.
Với phương pháp này, các cán bộ thẩm định phải lấy ý kiến của các chuyên gia về những khía cạnh có liên quan đến sản phẩm của dự án. Từ đó sẽ tập hợp các ý kiến và phân tích, đánh giá. Khi những ý kiến của các chuyên gia càng tập trung thì càng thuận lợi cho công tác phân tích, đánh giá. Còn nếu các ý kiến có độ phân tán cao thì cần phải tiếp tục phỏng vấn để có được một ý kiến tập trung nhất.
Phương pháp này thường được sử dụng trong công tác thẩm định các dự án nông nghiệp tại chi nhánh. Do các dự án nông nghiệp mang tính đặc thù riêng và phức tạp nên hầu hết các nhân viên thẩm định tại chi nhánh không thể thẩm định chính xác các khía cạnh kỹ thuật của nông nghiệp, vì thế sử dụng phương pháp này hạn chế được tối đa sự sai sót trong thẩm định.
Phương pháp phân tích độ nhạy: Thực chất của việc phân tích độ nhạy cảm là xác định mối quan hệ động giữa các yếu tố của hoạt động đầu tư. Khi phân tích độ nhạy, các cán bộ thẩm định sẽ cho từng yếu tố thay đổi so với phương án cơ sở. Sự thay đổi của các nhân tố sẽ dẫn tới sự thay đổi kết quả và hiệu quả của phương án đầu tư. Do dự án nông nghiệp là dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro khó đo lường, vì thế khi thẩm định các dự án nông nghiệp cần thiết sử dụng phương pháp thẩm định này để có được định lượng được các rủi ro của dự án.
Cách thức thực hiện:
Xác định các biến dữ liệu đầu vào, đầu ra cần phải tính toán độ nhạy.
Liên kết các dữ liệu trong bảng tính có liên quan đến mỗi biến theo một địa chỉ duy nhất.
Xác định các chỉ số NPV, IRR, DSCR để đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ khi mà các biến thay đổi.
Phương pháp sử dụng nhiều nhất là so sánh đối chiếu các chỉ tiêu.