Thông qua việc lên lớp, dự giờ, trao đổi và nhận xét của giáo viên giảng dạy, có thể đánh giá như sau:
- Lớp thực nghiệm số học sinh phát biểu, tích cực hoạt động và xây dựng bài là nhiều hơn so với lớp đối chứng. Như vậy, việc đề xuất và thiết kế các hoạt động cho các biện pháp sử dụng tranh trong dạy học Sinh học đã có tác dụng tích cực hóa hoạt động nhận thức, tạo được hứng thú cho HS trong học tập.
- Học sinh tích cực nghiên cứu SGK để tham gia các hoạt động, hoàn thành nhiệm vụ mà GV giao, qua đó rèn luyện được kỹ năng đọc sách và phát huy vai trò của SGK cúng như các kỹ năng phân tích tranh vẽ để phát hiện kiến thức giúp các em nhanh chóng hiểu bài và có thể nhớ được bài lâu và kỹ hơn.
Quá trình thực nghiệm được tiến hành theo phương thức chéo ở hai lớp và kết quả ban đầu đã cho thấy:
- Ở cả 2 nội dung, điểm trung bình ở lớp thực nghiệm cao hơn so với lớp đối chứng. Cụ thể ở bài thực nghiệm số 1: điểm số trung bình của lớp thực nghiệm là 8,09, còn điểm trung bình của lơp đối chứng là 7,15. Còn ở bài thực nghiệm số 2: điểm trung bình của lớp thực nghiệm là 7,85, còn điểm trung bình của lớp đối chứng chỉ là 7,53.
- Tỷ lệ học sinh đạt điểm khá, giỏi và xuất sắc của lớp thực nghiệm cao hơn so với lớp đối chứng.
- Qua việc xử lý bằng thống kê toán học đã cho thấy kết quả trên là đáng tin cậy, tỷ lệ biến thiên của kết quả là thấp.
- Qua biểu đồ biểu thị phân phối tần suất đã một lần nữa cho chúng ta thấy kết quả thực nghiệm sư phạm một cách khách quan.
Tóm lại: Việc thiết kế hoạt động để tổ chức cho HS học tập dựa vào các biện pháp sử dụng tranh bước đầu đưa lại hiệu quả. Tuy nhiên, để tổ chức học tập cho HS còn có nhiều phương pháp khác, nhưng có thể khẳng định rằng dạy học Sinh học bằng các biện pháp sử dụng tranh là một hướng tốt, giúp HS tường minh hóa các nội dung trong SGK nên đây là một hướng đi tốt, có tính khả thi. Do đó nếu được thực hiện một cách hợp lí sẽ góp phần tích cực hóa hoạt động học tập của HS, nâng cao chất lượng dạy học Sinh học nói chung và phần Sinh thái học nói riêng ở trường THPT.