A. Kết luận:
1. Công tác GDTC trong các trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh Hải Dương mặc dù đã thực hiện chương trình giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thể dục còn thiếu, tỷ lệ giáo viên chỉ đạt 1.13 giáo viên/1 trường. Công tác tổ chức ngoại khóa các môn thể thao còn nhiều hạn chế (chỉ có 14.64% số trường có hoạt động ngoại khóa không thường xuyên), trong số đó, chỉ có 10% số trường có tổ chức tập luyện ngoại khoá môn thể dục Aerobic theo các loại hình lớp năng khiếu hoặc duy trì đội tuyển. Kết quả nghiên cứu cũng đã xác định được nhu cầu tập luyện ngoại khóa môn thể dục Aerobic của học sinh Tiểu học ở mức tương đối lớn, với động cơ ham thích môn thể dục Aerobic (chiếm tỷ lệ 43.47%); để nâng cao sức khoẻ, tổ chất thể lực (chiếm tỷ lệ 37.45%).
2. Kết quả nghiên cứu của luận án đã xác định được nội dung tập luyện ngoại khoá môn thể dục Aerobic cho học sinh tiểu học gồm 14 bài tập gồm các động tác cơ bản, các động tác liên hoàn nâng cao kết hợp độ khó cùng với các
bài tập liên hoàn trong tập luyện và thi đấu. Nội dung các bài tập lựa chọn được đại đa số ý kiến các chuyên gia, HLV thừa nhận, có đủ độ tin cậy, phù hợp với với đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học và điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh Hải Dương. Các nội dung tập luyện ngoại khoá thể dục Aerobic lựa chọn được tổ chức thực hiện dưới mô hình các câu lạc bộ, lớp năng khiếu thể thao do nhà trường tổ chức. Với phương thức tổ chức tập luyện như vậy là phù hợp với điều kiện của nhà trường, có khả năng thu hút số lượng học sinh tham gia tập luyện.
3. Qua thời gian 08 tháng ứng dụng chương trình ngoại khoá thể dục Aerobic cho đối tượng nghiên cứu, đã khẳng định được tính hiệu quả, mức độ tác động của chương trình đến sự phát triển thể chất của học sinh tiểu học lứa tuổi 8 - 10. Qua quá trình thực nghiệm sư phạm 08 tháng (tương ứng với 01 năm học), đã xác định được hiệu quả rõ rệt chương trình tập luyện ngoại khoá môn thể dục Aerobic trong việc nâng cao năng lực thể chất cho học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh Hải Dương (thông qua việc áp dụng các nội dung, chương trình và hệ thống bài tập thể dục Aerobic trong chương trình ngoại khoá môn học thể dục cho học sinh tiểu học), thể hiện sự khác biệt có ý nghĩa thống kê của các test đánh giá sự phát triển thể chất với (ttính > tbảng ở ngưỡng xác xuất P < 0.05).
B. Kiến nghị:
1. Nội dung tập luyện ngoại khoá thể dục Aerobic nên được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương nghiên cứu triển khai áp dụng phổ cập rộng rãi tại các trường tiểu học, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục thể chất cho học sinh tiểu học trong điều kiện thực tiễn hiện nay của tỉnh Hải Dương.
2. Trường Cao đẳng Hải Dương tiếp tục nghiên cứu ứng dụng vào việc bồi dưỡng, đào tạo sinh viên sư phạm, tiến tới phổ cập rộng rãi chương trình ngoại khoá thể dục Aerobic trong các nhà trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.
3. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương và các đơn vị có liên quan cần thiết phải phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên, học sinh tiểu học tham gia tập luyện ngoại khoá thể dục Aerobic; hỗ trợ kinh phí cho các cán bộ TDTT, các giáo viên thể dục để triển khai thực hiện các giải pháp tổ chức, quản lý phong trào tập luyện ngoại khoá thể dục Aerobic trên địa bàn tỉnh Hải Dương một cách có hiệu quả.