4.1. Tác động ảnh hưởng cơ cấu tăng trưởng của các ngành:
- Về tăng trưởng theo ngành, nhu cầu ảm đạm của toàn cầu đã dẫn đến sự giảm sút giá trị gia tăng của công nghiệp VN. Sau mức tăng trưởng 6,1% trong năm 2008, giá trị công nghiệp tăng trưởng chỉ đạt 1,5% trong quý đầu năm 2009, nhưng dần được cải thiện và đạt mức 5,5% vào cuối năm. Tương tự, sản xuất công nghiệp trì trệ vào đầu năm 2009 nhưng đã tăng đều và đạt 7,6% cho cả năm. Tuy nhiên, gia tăng chủ yếu là nhờ sản lượng dầu thô, điều này chỉ ra rằng nhiều ngành công nghiệp phi dầu lửa không tăng trưởng hoặc thậm chí còn suy giảm so với năm trước.
- Ngành nông nghiệp cũng bị tác động bởi suy giảm kinh tế toàn cầu. Cú sốc giá quốc tế trước đó đối với thực phẩm và nhiên liệu đã gây ra những hậu quả cả tiêu cực lẫn tích cực. Giá gạo và cao su tăng trong năm 2008 đã kích thích sản xuất nông nghiệp trong các ngành hàng này; tuy nhiên giá phân bón và giá thức ăn gia súc tăng đã gây ra những khó khăn cho người nông dân. Nhưng sau đó giá các loại thực phẩm và lương thực giảm trong năm 2009 đã ảnh hưởng xấu tới tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp, chỉ đạt 1,8% cho cả năm. Thí dụ, kim ngạch xuất khẩu gạo chỉ đạt 2,2 tỷ đô la Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2009, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
- Hình 2.4 cho thấy tác động của suy thoái kinh tế đến thương mại và đầu tư đã làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Do có sự giảm mạnh các hoạt động kinh tế trong quý 4 năm 2008, tốc độ tăng GDP cả năm chỉ còn 6,2%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình hàng năm là 7,5% trong giai đoạn 2000-2008. Quý 1 năm 2009, GDP tăng trưởng chỉ đạt 3,1% so với năm 2008, sau giảm đều trong suốt năm 2009. Vào cuối năm GDP đã đạt được 5,3%. Mặc dù tăng trưởng không cao như những năm trước đây nhưng mức tăng trưởng năm 2009 là khả quan so với mức tăng trưởng ước tính của nhiều nước trong khu vực Châu Á. Sự gia tăng liên tục mức tăng trưởng trong 4 quý vừa qua, đi đôi với các xu hướng tích cực trong xuất khẩu và đầu tư là lý do để lạc quan và là dấu hiệu tích cực cho thấy Việt Nam có vẻ như đã vượt qua những thời khắc khó khăn của khủng hoảng.
- Mức độ tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng được phản ánh trong sự giảm mạnh số khách quốc tế tới VN. Con số khách quốc tế tới VN trong năm 2008 ước đạt 4,3 triệu, chỉ cao hơn năm 2007 là 0,6%, với số khách du lịch tăng 1%. Tính theo quốc gia, số khách du lịch giảm nhiều nhất là từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài loan (Trung Quốc). Trong năm 2009, các con số còn giảm hơn nữa. Đến hết tháng 11 năm 2009, tổng số khách quốc tế chỉ đạt 3,4 triệu, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2008, với số lượng khách du lịch thậm chí còn giảm ở mức cao hơn (-16,2%).
4.2. Tác động với thị trường lao động:
- Theo kết quả điều tra doanh nghiệp của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, 24,8% và 38,2% doanh nghiệp công bố thu hẹp doanh số và doanh thu tương ứng trong năm 2008 và cuối tháng 4/2009, do suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp đã giảm quy mô sản xuất, giảm thời gian làm việc và sa thải lao động. Trong năm 2008, 22,3% số doanh nghiệp được điều tra đã cắt giảm lực lượng lao động, tương tự, con số năm 2009 là 24,8% doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp mở rộng sản xuất và tăng cầu lao động. Trong năm 2008, 29,8% doanh nghiệp đã tăng qui mô sử dụng lao động, tương tự, con số tính đến tháng 4/2009 là 28,4% doanh nghiệp. Hơn nữa, 12,9% và 5,5% những doanh nghiệp này đã tăng trưởng hơn 20% lần lượt trong năm 2008 và 2009.
- Các nguồn thông tin khác cũng cho thấy có 2 xu hướng đồng thời là cắt giảm lao động và tuyển dụng lao động mới ở Việt Nam. Do tình trạng cắt giảm lao động và thiếu nhân công diễn ra đồng thời nên 80% số người lao động bị cắt giảm việc làm đã có thể tìm được việc làm mới. Do vậy, tổng gia tăng thất nghiệp tính đến nửa đầu năm 2009 là không đáng kể. Theo các báo cáo của 41 tỉnh thành, 67 ngàn người lao động đã bị mất việc làm (trong số đó 25,5% là phụ nữ) trong năm 2008, chiếm 16,3% tổng lực lượng lao động trong các doanh nghiệp. Có thêm 107 ngàn người
lao động mất việc làm trong 6 tháng đầu năm 2009 (trong số đó 31% là phụ nữ), chiếm 18% tổng lực lượng lao động trong các doanh nghiệp, theo các báo cáo của 53 tỉnh thành.