Thực trạng vấn đề quản lý chất lượng ở Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Quản lý chất lượng sản phẩm trong các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh (Trang 36 - 40)

1. Vấn đề năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Lợi thế cạnh tranh có hai dạng, ngắn hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, hầu hết các ngành của Việt Nam vẫn còn một số lợi thế so sánh về chi phí lao động rẻ, về vật tư, nguyên vật liệu đầu vào phong phú, tại chỗ. Nhưng về dài hạn, yếu tố quyết định lại là công nghệ sản xuất, quản lý và đây cũng là điểm yếu nhất của các doanh nghiệp Việt Nam. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam hiện yếu kém một phần do chính sách vĩ mô chưa tạo được động lực khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Quan trọng hơn, nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp Việt Nam phần lớn đều có quy mô nhỏ, vốn ít, khả năng tổ chức thị trường yếu. Đa phần các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế Nhà nước hoạt động trong tình trạng kém hiệu quả kinh tế và có tư tưởng trông chờ và sự bảo hộ của Nhà nước. Điểm yếu chung của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu thông tin nghiêm trọng về thông tin thị trường trong và ngoài nước, về đối thủ cạnh tranh, kinh nghiệm marketing, tiếp thị và xây dựng thương hiệu…

Về năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ: Sức cạnh tranh của hàng hoá thể hiện ở chất lượng, giá cả, sự phong phú về mẫu mã, đa dạng về bao bì, đáp ứng tốt từng nhu cầu nhỏ nhất của người tiêu dùng.

Khi tham gia toàn cầu hoá, đặc biệt là gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam gặp phải một khó khăn lớn, đó là sản phẩm của khu vực “ kinh tế cũ” ( khu vực kinh tế mang tính bao cấp, thiếu tính thị trường và tự do cạnh tranh ) có hàm lượng công nghệ thấp, sức cạnh tranh rất kém. Khi gặp sức cạnh tranh của hàng hoá ngoại nhập, nhất là khi hàng rào thuế quan hạ thấp, thông thường các sản phẩm này không tiêu

thụ được nữa, dẫn đến các doanh nghiệp bị thua lỗ, phá sản. Do vậy, một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam là nhiều ngành, nhiều sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam sức cạnh tranh yếu kém, chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã, bao bì kém, không có tên tuổi, thương hiệu và uy tín trên thị trường quốc tế.

2.Tình hình quản lý chất lượng của nước ta hiện nay.

Ở Việt Nam, trong bước đầu tiếp cận với nền kinh tế thị trường, chúng ta đã nhận rõ tầm quan trọng của những vấn đề liên quan đến chất lượng, nhất là sau khi chúng ta đã trở thành thành viên chính thức của ASEAN.

Chất lượng là yếu tố quan trọng, song để có thể kiểm soát được nó lại là một vấn đề không đơn giản. Nó đòi hỏi phải có một quan niệm và một chủ trương chính sách đúng đắn của các nhà quản lý và một sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên cũng cần phải xác định rõ ràng trách nhiệm cao nhất đối với chất lượng chính là vai trò của các nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ.

Vì vậy, song song với những chính sách chung, trong lĩnh vực quản lý chất lượng, Nhà nước đã xác định tầm quan trọng của công tác này và đã vạch ra những chính sách chất lượng với những mục tiêu ngắn và dài hạn, đã công bố Giải thưởng quốc gia về chất lượng và nhiều chương trình hỗ trợ các tổ chức “ làm chất lượng”.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, những chương trình giáo dục, phổ biến khoa học kỹ thuật thường xuyên đề cập, phổ biến những kiến thức về quản lý chất lượng. Đã có những câu lạc bộ chất lượng, câu lạc bộ ISO…ra đời nhằm đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động quản lý chất lượng theo những mô hình, các tiêu chuẩn quốc tế.

Trong quản lý vĩ mô, đã có nhiều thay đổi đối với cơ chế quản lý của nhà nước về tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng. Với sự ra đời của Pháp lệnh về chất lượng hàng hoá và Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, hoạt động tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng được chuyển giao về cho các tổ chức, các doanh nghiệp. Họ được quyền tự quyết định về chất lượng sản phẩm của mình, tự quyết về việc lựa chọn các hệ thống quản lý để áp dụng, phù hợp với những yêu cầu của khách hàng, phù hợp với pháp luật, sau đó là tự công bố về

chất lượng sản phẩm, về hệ thống quản lý của mình. Đây chính là cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng ở nước ta trong thời kỳ mới.

Trong các doanh nghiệp, để nâng cao chất lượng sản phẩm nhiều doanh nghiệp đã có những thay đổi căn bản như: đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, liên doanh, liên kết, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng. Mặc dù kinh nghiệm và trình độ sản xuất của ta còn nhiều hạn chế, nhưng một số sản phẩm nhãn hiệu Việt Nam đã thay thế dần hàng ngoại, một số khác đã có thị trường ổn định ở nhiều nước trên thế giới.

Một trong những yếu tố thành công của các tổ chức đó, có thể nói là do họ đã có nhiều cố gắng thay đổi một cách cơ bản hệ thống quản lý chất lượng cổ điển, thay đổi phương pháp quản lý chất lượng bằng kiểm tra chất lượng sản phẩm ( KCS), bằng các mô hình quản lý theo những tiêu chuẩn quốc tế như: tiêu chuẩn HACCP, GMP, ISO 9000, ISO 14000, nhất là tiêu chuẩn ISO 9000 – Tiêu chuẩn về quản lý chất lượng.

Việc triển khai áp dụng ISO 9000 trong các tổ chức Việt Nam không còn là một vấn đề khó khăn hoặc mới mẻ nhưng cho đến nay, đã có gần 2000 tổ chức Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận có các hệ thống quản lý phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế đã nêu ở trên. Tuy là bước đầu, nhưng những hệ thống đó đã làm thay đổi nhiều về nhận thức, quan niệm và phương pháp quản lý chất lượng trong các doanh nghiệp của chúng ta.

Tuy nhiên, so với con số hàng vạn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu trên toàn quốc, con số 2000 doanh nghiệp trên thực sự vẫn còn khá khiêm tốn. Đây là một trong những cản trở đối với các tổ chức Việt Nam trên con đường hội nhập vào nền kinh tế thế giới, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của “ Luật chơi” trong kinh tế thị trường. Nguyên nhân của tình trạng này có thể nói là nhiều người, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của chất lượng, chưa có một cái nhìn hệ thống về bản chất công tác quản lý chất lượng trong điều kiện cạnh tranh hiện nay. Quan tâm đến chất lượng, thiết lập được một hệ thống quản lý chất lượng hữu hiệu, chính là một trong những phương thức tiếp cận và tìm cách đạt được

những thắng lợi trong sự cạnh tranh gay gắt trên thương trường, nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp

3.Thực trạng quản lý chất lượng trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Nhìn chung, chất lượng sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam (Không kể sản phẩm do các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) sản xuất trong những năm gần đây đã được nâng cao. Một số loại sản phẩm đạt chất lượng tương đối tốt, ổn định, giá cả hợp lý nên được người tiêu dùng tin cậy, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu.... Ví dụ như các loại quạt điện, dây và cáp điện, xe đạp, xi măng, vật liệu xây dựng, các sản phẩm nhựa, hàng dệt may, giày, dép....

Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp đã triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000. Có thể nói, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO ở Việt Nam đã được quan tâm và đang phát triển nhanh. Từ 02 doanh nghiệp được chứng nhận năm 1996, đến nay, cả nước có hơn 2000 doanh nghiệp được chứng nhận có hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000, một số được chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO 14000 và các hệ thống quản lý chất lượng khác.

Tuy nhiên, nếu so với hàng nghìn loại sản phẩm và hàng nghìn doanh nghiệp thì những sản phẩm có chất lượng tốt và doanh nghiệp có hệ thống quản lý chất lượng tốt của chúng ta vẫn còn rất hạn chế. Đây có thể xem là một trong những nguyên nhân làm cho sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam kém sức cạnh tranh, một nguy cơ tụt hậu trong quá trình hội nhập, nếu chúng ta không có những động thái tích cực để cải thiện tình trạng này.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, các sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp sản xuất ra được tự do cạnh tranh trên thị trường với chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn tồn tại sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái và rất khó kiểm soát. Vì vậy, để nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp hàng hoá Việt Nam

cạnh tranh tốt ở cả thị trường trong nước và quốc tế, rất cần có sự can thiệp tích cực của Nhà nước.

Hệ thống quản lý chất lượng của Việt Nam những năm gần đây đã được đổi mới, xây dựng ngày càng hoàn thiện theo yêu cầu quản lý nhà nước và phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá được Uỷ ban Thường vụ quốc hội thông qua, Chủ tịch nước công bố ban hành và có hiệu lực từ 01 tháng 7 năm 2000 là văn bản qui phạm pháp luật cao nhất đã quy định những nội dung, cơ chế quản lý chung và là căn cứ để Chính phủ, các Bộ ban hành những văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh vẫn chưa được ban hành, vì vậy, một số văn bản cấp Bộ cũng chưa thể ban hành được. Tình hình này làm cho việc triển khai một số cơ chế quản lý chất lượng được quy định tại Pháp lệnh chậm được thực hiện, như việc công bố danh mục hàng hoá phải kiểm tra nhà nước về chất lượng, danh mục hàng hoá phải áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam, bắt buộc chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn...

Một khía cạnh khác là vấn đề phối hợp quản lý giữa các bộ, ngành, các cơ quan chức năng cũng chưa thật tốt. Việc kiểm tra xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các văn bản qui phạm pháp luật về chất lượng chưa làm được thường xuyên, liên tục, trong một số trường hợp, mức phạt chưa đủ răn đe những người cố tình vi phạm phát luật vì lợi ích bất chính.

Một phần của tài liệu Quản lý chất lượng sản phẩm trong các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh (Trang 36 - 40)