Nghiên cứu đầu tiên về tác động của hình thức sở hữu đối với hiệu quả hoạt động của các ngân hàng được thực hiện bởi Vernon (1971). Trong nghiên cứu đó, Vernon đã cho thấy có sự khác biệt giữa hình thức quản lý và hình thức sở hữu của các ngân hàng. Ngoài ra, Short (1979) cho thấy một mối quan hệ ngược chiều giữa lợi nhuận ngân hàng và quyền sở hữu của Nhà nước. Bên cạnh đó, Bourke (1989) đã thử nghiệm tác động của sở hữu Nhà nước trên lợi nhuận của các ngân hàng bằng cách sử dụng một biến nhị phân đại diện cho quyền sở hữu của Nhà nước. Ông chỉ ra được sự tác động ngược chiều của biến giả đại diện cho quyền sở hữu Nhà nước lên biến phụ thuộc được lượng hóa thông qua tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu và tỷ suất sinh lợi trên tài sản. Biến giả đại diện cho sở hữu Nhà nước mang giá trị dương khi biến phụ thuộc dùng để đo lường lợi nhuận tăng thêm một vài đơn vị. Giá trị tăng thêm đó bao gồm chi phí nhân viên và dự phòng rủi ro các khoản cho vay. Cho hai biến phụ thuộc, lợi nhuận trước thuế cộng với chi phí nhân viên theo phần trăm của tổng tài sản, lợi nhuận sau thuế cộng với chi phí nhân viên và dự phòng rủi ro các khoản cho vay theo phần trăm của tổng tài sản, lúc này biến giả sẽ mang giá trị âm. Qua đó, có thể chứng minh rằng việc quản lý chi phí nhân viên trong nhóm ngân hàng quốc doanh là không hiệu quả. Kết quả thực nghiệm này cho thấy năng suất lao động trong các ngân hàng tư nhân cao hơn so với các ngân hàng sở hữu Nhà nước. Molyneux và Thornton (1992) đã tiến hành một số nghiên cứu, trong đó có một mẫu lớn gồm mười tám nước châu Âu từ năm 1986 đến năm 1989, được thực hiện dựa trên các nghiên cứu của Bourke ( 1989). Ngược lại với mối
quan hệ trong các nghiên cứu trước đó, Molynuex và Thornton (1992) , Williams , Molyneux và Thornton (1994) và Molyneux và Forbes (1995) cho thấy rằng quyền sở hữu của Chính phủ các ngân hàng châu Âu có một tác động tích cực lên lợi nhuận trên vốn. Do đó, có thể kết luận rằng các ngân hàng tư nhân tạo ra lợi nhuận trên vốn thấp hơn so với các ngân hàng quốc doanh.