I. Khái niệm chung về các cơ quan sinh dưỡng thực vật
2. Hình thái rễ
Khi hạt nẩy mầm rễ phát triển thành rễ chính mang mô phân sinh sơ cấp ở đầu rễ, có chóp rễ bao bọc thường là hình nón. Chung quanh chóp rễ có các tế bào tiết chất nhờn hoặc màng tế bào hóa nhầy để giảm sức ma sát. Những tế bào sinh chóp làm nhiệm vụ tạo ra những tế bào mới thay cho những tế bào đã già ở bên ngoài chóp rễ. Người ta nhận thấy những tế bào chóp rễ có nhiều hạt tinh bột.
Trên chóp rễ là miền phân sinh, trên nữa là miền kéo dài, cả hai họp lại thành miền sinh trưởng của rễ. Trên miền sinh trưởng là miền phân hóa gồm lông hút do các tế bào biểu bì kéo dài ra, nhân lớn nằm ở đầu lông hút, hoạt động mạnh. Tiếp theo là miền rễ con, rồi đến miền rễ hóa bần, ở đây mô phân sinh thứ cấp bắt đầu hình thành giúp rễ tăng trưởng bề ngang. Có khi, người ta phân rễ thành các phần: Chóp rễ, miền sinh trưởng, miền lông hút và miền trưởng thành.
Các kiểu rễ chủ yếu gồm:
2.1 Hệ rễ trụ
Rễ chính là rễ cấp1, trên nó hình thành các rễ cấp 2... toàn bộ các rễ này gọi là hệ rễ trụ, hệ rễ đặc trưng của cây 2 lá mầm. Rễ trụ phát triển theo 2 hướng :
- Rễ trụ tập trung: Rễ chính phát triển rất mạnh theo hướng tâm quả đất, các rễ cấp hai... cũng phát triển theo hướng này.
- Rễ trụ khuyếch tán: Rễ chính phát triển như rễ trụ tập trung nhưng các rễ cấp 2, 3 phát triển rất mạnh theo hướng xiên góc, gần với bề mặt đất. Vì vậy những cây có hệ rễ trụ khuyếch tán thường dễ bị gãy đổ .
2.2. Hệ rễ chùm
Rễ mầm phát triển một thời gian ngắn rồi ngừng hoặc phát triển chậm lại, các rễ phụ hình thành từ gốc thân song song với rễ mầm. Nếu các rễ này tương đương với nhau về chiều dài và chiều ngang thì gọi là hệ rễ chùm .