- Thành phần thể trong suốt:
2.2.3.2.2. Bộ máy Golgi (Golgi apparatus hay Golgi complex)
Bộ máy Golgi được phát hiện từ năm 1898 bởi Golgi. Nó thường nằm gần nhân tế bào hay ở cạnh trung thể. Bộ máy Golgi bao gồm các dictyosom mà mỗi dicyosom gồm nhiều túi nhỏ dẹp, được giới hạn bởi một màng, xếp chồng lên nhau không có riboxôm (hình 17). Mỗi dictyosom thường gồm 4-6 túi nhỏ có đường kính gần 1µm là đơn vị hoạt động của bộ máy Golgi. Trong một tế bào các dictyosom nối với nhau bởi các ống để cấu tạo nên bộ máy Golgi. Ở tế bào thực vật, bộ máy Golgi chỉ có một dictyosom, nên bộ máy Golgi ở tế bào thực vật còn gọi là dictyosom. Các bọng tròn nhỏ, đường kính 50nm, có màng bao bọc, nằm rải rác xung quanh các chồng túi của bộ máy Golgi. Mỗi dictyosom có hai mặt: mặt cis và mặt trans giữa các mặt đó có các bể chứa chồng lên nhau: (xem hình 18).
- Mặt cis (mặt lồi) quay về phía mạng lưới nội chất và các bọng chuyển từ mạng lưới nội chất sang. Màng mạng lưới nội chất có hạt có quan hệ với mặt cis và thường không có riboxom.
- Mặt trans (mặt lõm) có quan hệ với các bọng có vỏ bọc, với bọng trơn và với các không bào tiết.
Các túi dẹp các bộ máy Golgi làm nhiệm vụ biến đổi, chọn lọc và đóng gói các đại phân tử sinh học mà sau đó được tiết ra ngoài hay được vận chuyển đến các bào quan khác.
Nhiệm vụ của bộ máy Golgi là hoàn tất một số công việc của mạng lưới nội chất. Các protein từ mạng lưới nội chất chuyển sang có thể được biến đổi tiếp tục (glucô hoá, sulfát hoá, photphorin hoá ...) Bộ máy Golgi cũng biến đổi glycan và cho chúng thoát ra qua các túi nhờn. Các bọng nhỏ làm nhiệm vụ vận chuyển vật liệu giữa bộ máy Golgi và các thành phần khác của tế bào