6. Cấu trúc của khóa luận
3.2.1.2. Không gian hoang đảo
Khi Robinson bị bão biển hất lên một hoang đảo xa cách loài người thì không gian đã có sự thay đổi. Dưới cái nhìn của nhân vật Robinson thì đây là một không gian hoang vu, hẻo lánh một hoang đảo nằm giữa biển, không một bóng người, không gian mang tính chất hữu hạn.
Tiêu điểm của không gian là hòn đảo hoang bao bọc bởi biển cả bao la rộng lớn “tôi thấy rõ ràng hiện nay mình đang bơ vơ trên một hòn đảo trơ trọi giữa biển cả mênh mông” [17, 54]. Khi Robinson sống mười ba ngày trên đảo và đi mười một chuyến ra chiếc tàu bị đắm thì không gian có sự mở rộng, anh đã vượt ra khỏi hòn đảo. Nhưng khi bị sốt rét phải nằm yên trong nhà thì không gian có sự thu hẹp hơn so với hòn đảo hoang mà anh đang sống: “Tôi phải nằm bẹp trên giường suốt cả ngày không ăn uống gì cả” [17, 90]. Nhưng sau khi khỏi ốm anh lại tiến hành khám phá thêm nhiều vùng đất mới thì lúc này không gian có sự mở rộng, và không gian trong tác phẩm là không gian hành trình. Nghĩa là mỗi lúc nhân vật sẽ dẫn dắt người đọc khám phá một vùng đất mới. Đó là, Robinson tìm ra được chỗ để làm nhà, làm khu nghỉ mát, mà anh gọi đó là ngôi “biệt thự” hay tìm nơi ẩn nấp nếu như có kẻ lạ đến. Và anh cũng đi thăm thú trên đảo tìm được nhiều thứ quả như nho, chanh… nhiều sự kiện mới trong chặng đường phiêu lưu của nhân vật. Đến đây ta lại càng hiểu rõ hơn tính cách của một người không chịu ở yên một chỗ mà hễ có cơ hội anh lại đi khám phá, tìm hiểu.
Nhà văn dùng phép thay đổi không gian: từ bao la rộng lớn của biển cả, sau đó thu hẹp lại trên hòn đảo, rồi lại được mở rộng ra các hòn đảo khác “nhìn bao quát thì hòn đảo không rộng lắm, nhưng ở về phía đông có một doi núi đá chạy nhô ra biển dài đến hai dặm đường, lủng củng những đá nhô lên trên mặt nước hoặc mọc ngầm dưới nước. Một dải cát khô tiếp theo doi đá chạy dài thêm ra ngoài biển chừng nửa dặm, thành ra muốn vòng qua mỏm đất đó, tôi phải đi khá xa ra ngoài khơi” [17, 119]. Không gian lúc này có sự mở rộng khá xa. Điều
này, thể hiện một cuộc sống không ngừng phát triển, vận động, thể hiện ước mơ bay nhảy thích phiêu lưu của nhân vật. Ở trong tác phẩm này trước khi sống trên đảo hoang, chúng ta đã theo bước chân của Robinson đến một số nơi ở Châu Mĩ như Brazil chẳng hạn, nhưng không gian đó được tác giả miêu tả một cách mờ nhạt. Sau một thời gian gắn bó với đảo hoang hình ảnh Robinson được tác giả miêu tả thông qua từng khám phá của anh đối với hòn đảo mà mình đang sống thì không gian được nội tâm hóa. Cuộc phiêu lưu của Robinson ít nhiều đã mang tính chất nội tâm, cuộc phiêu lưu về mặt tâm hồn.
Không gian thiên nhiên trong tác phẩm này được tác giả thể hiện là một không gian hoang sơ không có bóng dáng con người, đồng thời cũng là không gian thiên nhiên tươi đẹp và thơ mộng “tôi tới một khoảng đất trống trải, có một dòng suối nhỏ chạy qua, nước mát rượi và trong suốt. Hai bên bờ suối cây cỏ tốt tươi, trăm hoa đua nở, khác nào một vườn cây được chăm sóc chu đáo đương khoe sắc tươi tắn dưới một bầu trời xuân vĩnh viễn” [17, 97]. Đây cũng chính là yếu tố trung tâm trong tác phẩm này và chính là môi trường để thử thách Robinson, và cũng là nơi thể hiện khả năng cũng như sức mạnh của anh.
Dù chỉ là một hòn đảo hoang vu nhưng chính không gian này đã bộc lộ nhiều phẩm chất, tính cách của Robinson. Bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi Robinson đã tạo cho không gian này một thế giới riêng, dù không được mĩ mãn như thế giới văn minh loài người thì ít ra nó cũng đem đến cho anh một cuộc sống đầy đủ nhất.