6.1 Đối với ngân hàng:
Tăng hiệu quả vận hành: Việc hợp nhất tạo ra một ngân hàng mới lớn hơn, có thể giảm chi phí cố định bằng cách tinh giảm các phòng ban hay hoạt động trùng lặp giữa các ngân hàng, làm giảm các chi phí của công ty, làm tăng năng suất lao động và gia tăng lợi nhuận biên; Các nguồn lực cũng được phân phối lại một cách hợp lý giữa các ngân hàng sau hợp nhất.
Tận dụng được lợi thế nhờ quy mô: Từ quy mô nhỏ lẻ của 3 ngân hàng, ngân hàng sau sáp nhập có quy mô lớn hơn về vốn, con người, hệ thống phân phối. Vốn điều lệ đạt 10.584 tỷ đồng, Tổng tài sản ngân hàng đã đạt khoảng 154.000 tỷ đồng, Nguồn vốn huy động từ tổ chức tín dụng, kinh tế và dân cư của ngân hàng đạt hơn 110.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt trên 1.300 tỷ đồng. Như vậy, xét về tổng tài sản, ngân hàng TMCP Sài Gòn mới lớn thứ 7 trong hệ thống ngân hàng và đứng thứ 3 về tổng tài sản nếu chỉ xét khối ngân hàng TMCP tư nhân (sau ngân hàng Á Châu và Techcombank).
Đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ: ngân hàng liên kết với các ngân hàng lớn, nhiều kinh nghiệm để phát triển các dịch vụ, tiện ích có chất lượng cao; triển khai hệ thống thẻ Eprotea cũng như triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng cho chủ thẻ, xây dựng hệ thống kênh phân phối điện tử hiện đại với những tính năng và tiện ích tốt; xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ đa dạng nhằm phục vụ hiệu quả cho từng phân nhóm khách hàng …
Tận dụng được hệ thống khách hàng: Sau khi sáp nhập, ngân hàng SCB mới được kế thừa hệ thống khách hàng của cả ba ngân hàng TMCP Sài Gòn, TMCP Tín Nghĩa và TMCP Đệ Nhất.
Thu hút nhân sự giỏi: Theo cam kết của ngân hàng sau khi sáp nhập, toàn bộ nhân sự của SCB, TNB, FCB đều trở thành nhân sự của SCB mới. Tuy nhiên, ngân hàng TMCP Sài Gòn "mới" cũng có những chính sách đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nhân sự để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; đồng thời thu hút và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ lành nghề thông qua tuyển dụng mới và sắp xếp lại.
Trang bị công nghệ mới: Sau sáp nhập, ngân hàng đã đầu tư hệ thống Internet Banking Oracle Flexcube hiện đại được nhiều ngân hàng hàng đầu trên thế giới sử dụng hiện nay.
Thâm nhập thị trường: Sau khi sáp nhập, SCB mới tiếp tục phát triển và nâng cao các sản phẩm, dịch vụ dành cho các đối tượng khách hàng bán lẻ, đa dạng hóa cơ sở khách hàng và phát triển thêm nhiều khách hàng mới theo hướng phát triển cơ sở khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa đa dạng cả về quy mô và ngành nghề.
Mở rộng thị phần và danh tiếng trong ngành: Sau khi sáp nhập thì thị phần của ngân hàng được gia tăng đáng kể trong đó thị phần huy động là 2.86% và thị phần tín dụng chiếm 2.77%, đứng vị trí thứ 9 về thị phần huy động và vị trí thứ 8 về thị phần tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng.
Cải thiện khả năng quản trị, gia tăng hiệu quả quản lý nghiệp vụ ngân hàng: SCB mới đã thực hiện và đưa vào triển khai mô hình tổ chức mới, thực hiện công tác phân công, phân nhiệm vụ một cách rõ ràng nhằm tăng cường sự quản lý, giám sát của Ban Điều hành đối với hoạt động của các Đơn vị trực thuộc. Bên cạnh đó, BIDV sẽ tham gia toàn diện vào ngân hàng mới. Với sự tham gia của BIDV, khả năng quản trị của ngân hàng sau hợp nhất sẽ gia tăng đáng kể.
6.2 Đối với nền kinh tế:
Với động thái hợp nhất này, từ những ngân hàng quy mô nhỏ và hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro, ngân hàng SCB mới sẽ có quy mô vốn và tài sản lớn, sức mạnh tài chính của ngân hàng sẽ được gia cố đáng kể, góp phần làm lành mạnh hóa tính an toàn của hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh những lợi ích cộng hưởng có được thì cũng tồn tại một số tác động tiêu cực như Ngân hàng bị sáp nhập bị mất thương hiệu sau M&A, văn hóa kinh doanh bị pha trộn…. Tuy nhiên để đánh giá chính xác được những tác động đặc biệt là những tác động tiêu cực của thương vụ M&A thì cần phải có một khoảng thời gian dài. Hiện tại, cùng với sự ủng hộ và hỗ trợ từ ngân hàng Nhà nước, thương vụ này đã diễn ra thành công, biến ba ngân hàng yếu kém trong hệ thống ngân hàng thành một ngân hàng quy mô lớn hơn, hệ thống quản trị ngân hàng chặt chẽ và hiệu quả hơn, góp phần làm cho hệ thống này vững mạnh hơn, an toàn hơn.