3.1. Mục tiêu thực tiễn
Với giới hạn thời gian là 5 năm, đề án buộc phải tập trung vào một số lĩnh vực, quy hoạch thành những chương trình cùng những nhóm đề tài có ý nghĩa thiết thực nhất, tránh sa vào tình trạng lý thuyết suông, sau khi nghiệm thu bỏ vào ngăn kéo, không ai đọc đến, và không bao giờ áp dụng vào đời sống, không đem lại ích lợi gì cho xã hội.
Giá trị thực tiễn của các đề tài thuộc đề án nghiên cứu các vấn đề khoa học xã hội và nhân văn khu vực Nam Bộ nằm ở khả năng giải quyết ít nhất một vấn đề cụ thể, đáp ứng những nhu cầu mà con người và xã hội Nam Bộ trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá này đã và đang trực tiếp đặt ra.
Giá trị thực tiễn của các đề tài còn nằm ở khả năng cung cấp các thông tin, nhận định mang tính tư vấn, phản biện, cảnh báo đối với việc hoạch định chính sách khoa học - công nghệ và chính sách kinh tế - văn hoá - xã hội ở các cấp từ trung ương đến địa phương.
Đối với khoa học xã hội và nhân văn, do tính phiếm định đã nói ở trên (x. §1.1) mà việc xác định giá trị thực tiễn của một công trình không phải là dễ dàng. Song, điều này vẫn có thể thực hiện được bằng việc yêu cầu các công trình thuộc phạm vi của đề án sau khi nghiệm thu nhất thiết phải có khả năng được công bố thành sách.
Đối với khoa học tự nhiên và công nghệ, việc công bố thành sách có thể gặp khó khăn vì ít người đọc, nhưng đối với khoa học xã hội và nhân văn thì yêu cầu này là hoàn toàn hiện thực, vì tính phổ biến là một trong bốn đặc trưng của nhóm ngành này (§1.1). Yêu cầu công bố thành sách chính là cách xã hộihoá các kết quả nghiên cứu, để cho xã hội sử dụng và cùng đánh giá. Với yêu cầu này, buộc các tác giả phải làm việc nghiêm túc hơn, sau khi nghiệm thu rồi vẫn phải tiếp tục tự giác làm việc, sửa chữa (để đưa in). Không những thế, yêu cầu này cũng buộc các thành viên hội đồng nghiệm thu đánh giá nghiêm túc, khách quan, tránh tình trạng vì nể nang mà đề cao quá đáng hoặc cho qua dễ dàng.
3.2. Mục tiêu khoa học
Mặt khác, phải tránh khuynh hướng sa vào những vấn đề thực tiễn giản đơn, tuy có thể có những ích lợi nhất định nào đó trước mắt, song không có tác dụng đóng góp về mặt khoa học.
Mọi đề tài thuộc phạm vi của đề án phải được thực hiện trên một nền tảng lý luận; sau khi hoàn thành, với những lý luận đã tổng kết hoặc đề xuất và những tư liệu thực tiễn của khu vực Nam Bộ, nó phải góp phần nâng tầm hiểu biết và trình độ lý luận trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đang xét lên một bước mới.
Yêu cầu công bố thành sách đồng thời cũng chính là một tiêu chuẩn đánh giá giá trị khoa học của đề tài. Nếu một công trình nghiên cứu không có giá trị khoa học thì nó sẽ khó có thể công bố thành sách được.
3.3. Mục tiêu giáo dục và đào tạo
Mặt khác, với tư cách là một trong hai trung tâm giáo dục và đào tạo đại học và sau đại học lớn nhất nước, các công trình nghiên cứu trong khuôn khổ đề án nghiên cứu của Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh không thể chỉ bằng lòng với việc có giá trị khoa học và thực tiễn. Chúng phải có tác dụng góp phần trực tiếp vào công việc giáo dục và đào tạo đại học và sau đại học trong nhà trường.
Mục tiêu này sẽđược thực hiện bằng hai cách:
Thứ nhất là những kết quả nghiên cứu phải có khả năng được sử dụng để biên soạn các các giáo trình giảng dạy đại cương và chuyên ngành ởđại học và sau đại học theo hướng hiện đại, phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay và hội nhập với khoa học thế giới.
Thứ hai là trong quá trình thực hiện đề tài phải có sự tham gia phối hợp của nhiều thế hệ: từ các cán bộđầu đàn như giáo sư, phó giáo sư, lực lượng nghiên cứu nòng cốt như tiến sĩ, đến các lực lượng tập sự nghiên cứu như nghiên cứu sinh, thạc sĩ, học viên cao học, và có thể có cả sinh viên. Sự phối hợp này là một cách mở rộng quá trình đào tạo, tạo điều kiện cho lớp trẻ thông qua công việc mà sớm trưởng thành, góp phần gắn liền nhà trường với xã hội nói chung và địa bàn Nam Bộ nói riêng. Về mặt định lượng, có thể dự kiến rằng sau 5 năm, ở mỗi một trong 3 chương trình sẽ có ít nhất 2 luận án tiến sĩ và 5 luận án cao học (tổng cộng là 6 luận án tiến sĩ và 15 luận án cao học) được hoàn thành.