Các nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động bảo lãnh ngân hàng

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Ngân hàng: Nâng cao hiệu quả hoạt động bảo lãnh tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (Trang 25 - 30)

CHƯƠNG I. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ BẢO LÃNH NGÂN HÀNG

1.2. Hiệu quả hoạt động bảo lãnh tại Ngân hàng Thương mại

1.2.3. Các nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động bảo lãnh ngân hàng

a. Nhân tố môi trường

- Môi trường kinh tế: Bảo lãnh được ra đời xuất phát từ nhu cầu của nền kinh tế, tồn tại và hoạt động dưới sự tác động của nền kinh tế. Chính vì vậy, kinh tế là nhân tố có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động bảo lãng ngân hàng. Một nền kinh tế phát triển, các chủ thể kinh tế hoạt động tốt sẽ thúc đẩy mọi hoạt động kinh doanh của ngân hàng, trong đó có bảo lãnh. Ngược lại, nếu kinh tế trì trệ, suy thoái, các doanh nghiệp thua lỗ sẽ gây bất lợi đối với hoạt động bảo lãnh ngân hàng.

- Môi trường chính trị xã hội: Các sự kiện như chiến tranh, bạo động, biểu tình hay thiên tai, dịch bệnh,…làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tác động xấu đến hiệu quả hoạt động bảo lãnh. Một quốc gia có chính trị ổn định, xã hội văn minh là tiền đề để hội nhập quốc tế và tạo động lực cho các chủ thể trong nền kinh tế phát triển, giúp cho hoạt động bảo lãnh ngân hàng được mở rộng và có hiệu quả hơn.

- Môi trường pháp lý: Các chủ thể trong nền kinh tế muốn hoạt động tốt đều phải chịu sự điều tiết của cơ quan Nhà nước, thông qua các văn bản phát luật. Pháp luật tạo nền tảng

19

giúp các ngân hàng định hướng, giám sát, quản lý hoạt động bảo lãnh để tránh được các rủi ro không đáng có. Hệ thống pháp luật chặt chẽ, đồng bộ là cơ sở giúp các ngân hàng đưa ra chiến lược phát triển đúng đắn, hiệu quả. Ngược lại, nếu pháp luật còn nhiều thiết sót, không rõ ràng, đầy đủ sẽ khiến hoạt động bảo lãnh gặp khó khăn, dễ xảy ra tranh chấp, khiếu nại.

b. Nhân tố thuộc về khách hàng – bên được bảo lãnh

- Lĩnh vực kinh doanh: Các lĩnh vực kinh doanh khác nhau có mức độ rủi ro khác nhau, rủi ro trong kinh doanh sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của khách hàng, ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng kinh tế khách hàng ký kết với bên nhận bảo lãnh.

Doanh nghiệp có rủi ro kinh doanh cao thì rủi ro của khoản bảo lãnh cũng sẽ cao, hiệu quả bảo lãnh bị ảnh hưởng.

- Năng lực tài chính: thể hiện ở khối lượng vốn tự có, khả năng tự tài trợ, khả năng thanh toán,…cho thấy khách hàng có thể thực hiện được nghĩa vụ của hợp đồng hay không.

Một khách hàng có năng lực tài chính tốt và tài sản bảo đảm thì chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả trong hoạt động bảo lãnh của ngân hàng.

- Đạo đức của khách hàng: Khách hàng có uy tín, trách nhiệm cao trong việc thực hiện hợp đồng sẽ tác động tốt tới hiệu quả bảo lãnh ngân hàng. Ngược lại, khách hàng không trung thực, không nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ với đối tác, gây khó khăn cho ngân hàng và tác động xấu đến chất lượng hoạt động bảo lãnh.

c. Nhân tố thuộc về bên nhận bảo lãnh

Đôi tác của khách hàng cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động bảo lãnh của ngân hàng. Các điều kiện trong hợp đồng kinh tế giữa hai bên hài hòa, hợp lý sẽ tác động tốt đến khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên được bảo lãnh, ngoài ra tinh thần hợp tác của bên nhận bảo lãnh với ngân hàng cũng rất quan trọng, họ thường xuyên theo dõi, thông báo tiến độ thực hiện hợp đồng với ngân hàng, sẽ giúp ngân hàng dễ dàng giám sát và quản lý đối với khoản bảo lãnh.

1.2.3.2. Nhân tố chủ quan

20

a. Uy tín của ngân hàng

Uy tín là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động bảo lãnh ngân hàng nói riêng. Một ngân hàng có uy tín trong ngành sẽ thu hút được nhiều khách hàng, đặc biệt là những khách hàng có tiềm lực tài chính, tạo điều kiện để ngân hàng phát hành các cam kết bảo lãnh có giá trị cao, đó chính là dấu hiệu cho thấy hiệu quả hoạt động bảo lãnh của ngân hàng. Ngược lại, nếu ngân hàng ít tên tuổi và có xếp loại thấp thì sẽ không nhận được sự tin cậy của khách hàng, không mang lại cho khách hàng sức mạnh đàm phán với bên thụ hưởng. Ngoài ra, ngân hàng phải thực sự trở thành một người bạn, một đối tác sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ khách hàng vượt qua các khó khăn, cung cấp các thông tin bổ ích về thị trường cho khách hàng.

b. Mô hình hoạt động:

Mỗi ngân hàng áp dụng một mô hình hoạt động riêng, thể hiện sự phân công và trách nhiệm của mỗi nhân sự trong công việc của mình, phản ánh cách thức quản lý rủi ro của ban lãnh đạo. Mô hình hoạt động ảnh hưởng đến tất cả các quy trình hoạt động trong ngân hàng. Một mô hình hoạt động hiệu quả, phù hợp sẽ thúc đẩy hoạt động bảo lãnh phát triển và đem lại nhiều lợi nhuận cho ngân hàng.

c. Cán bộ nhân viên ngân hàng:

Mỗi nhân viên là những mắt xích kết nối các khâu trong hoạt động bảo lãnh, vì vậy đòi hỏi họ phải có trình độ hiểu biết về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và chú trọng chăm sóc khách hàng để giữ chân họ trở thành khách hàng truyền thống của ngân hàng.

Ngoài ra, kiến thức về pháp luật cũng rất quan trọng giúp ngân hàng hạn chế được những rủi ro trong kinh doanh cũng như nắm bắt cơ hội để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động bảo lãnh.

d. Công nghệ ngân hàng:

Công nghệ là yếu tố không thể thiếu trong thời đại 4.0 hiện nay, đặc biệt là trong các quy trình hoạt động của ngân hàng, công nghệ trở thành công cụ đắc lực giúp tiết kiệm

21

thời gian, giải quyết nhanh chóng và chính xác hơn, tạo cho khách hàng sự hài lòng và góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của ngân hàng.

e. Những nhân tố chủ quan khác:

Ngoài những nhân tố trên, hiệu quả hoạt động bảo lãnh ngân hàng còn chịu sự tác động của các nhân tố như: Quy mô vốn, mạng lưới ngân hàng, chiến lược kinh doanh, quy trình thực hiện bảo lãnh,…Trong đó, quy mô vốn ảnh hưởng đến hoạt động bảo lãnh bởi Nhà nước thường quy định tỉ lệ nhất định giữa giá trị bảo lãnh cho một khách hàng với quy mô vốn của ngân hàng để đảm bảo sự an toàn cho ngân hàng. Mạng lưới ngân hàng cũng tác động đến bảo lãnh qua việc tổ chức, phối hợp kiểm soát rủi ro, hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, chiến lược kinh doanh thông qua việc quảng bá, các chính sách chăm sóc khách hàng và định hướng phát triển sản phẩm cũng làm thay đổi hiệu quả hoạt động bảo lãnh ngân hàng. Ngoài ra, quy trình bảo lãnh liên quan đến việc thẩm định khách hàng, các thủ tục và yêu cầu bắt buộc nên cần đầy đủ, chặt chẽ để đảm bảo tính an toàn cho hoạt động bảo lãnh, đem lại tiện ích cho khách hàng, đó chính là điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng hoạt động bảo lãnh.

22

KẾT LUẬN CHƯƠNG I

Trong chương I, khóa luận đã tập trung nghiên cứu tổng quan về hoạt động bảo lãnh ngân hàng. Bên cạnh các lý luận cơ bản, chương đầu tiên cũng đề cập đến những rủi ro trong hoạt động bảo lãnh tại các NHTM, trình bày các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động bảo lãnh ngân hàng, các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động này và kết quả các công trình nghiên cứu trước đây về đề tài.

Bên cạnh rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, hoạt động bảo lãnh ngân hàng còn gặp phải các rủi ro rất khó kiểm soát như gian lận, lừa đảo, giả mạo. Việc nhận biết và phòng ngừa sớm những rủi ro là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả hoạt động bảo lãnh ngân hàng bao gồm chỉ tiêu định tính như: sự đa dạng sản phẩm bảo lãnh, mạng lưới ngân hàng đại lý, cán bộ ngân hàng và các chỉ tiêu định lượng gồm: số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ, doanh số bảo lãnh, số dư bảo lãnh, doanh thu bảo lãnh, dư nợ bảo lãnh quá hạn.

Các nhân tố ảnh hưởng lớn đến bảo lãnh ngân hàng gồm nhân tố khách quan và nhân tố chủ quan. Cụ thể, nhân tố khách quan gồm có các nhân tố về môi trường (kinh tế, pháp luật, chính trị - xã hội), nhân tố thuộc về khách hàng và nhân tố thuộc về đối tác của khách hàng là bên nhận bảo lãnh.

Những nội dung được trình bày ở chương 1 chính là nền tảng để từ đó đi sâu vào phân tích thực trạng hoạt động bảo lãnh tại ngân hàng TMCP Á Châu ở chương tiếp theo và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Ngân hàng: Nâng cao hiệu quả hoạt động bảo lãnh tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(61 trang)