CHƯƠNG 3: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1. Các vấn đề liên quan đến cuộc kiểm toán báo cáo tài chính năm đầu tiên
“Số dư đầu kỳ là số dư của tài khoản tại thời điểm đầu niên độ báo cáo, được kết chuyển dựa vào số dư cuối năm của kỳ báo cáo trước đó, phản ánh ảnh hưởng của các giao dịch, sự kiện phát sinh trong các kỳ trước và các chính sách kế toán được áp dụng tại đơn vị được kiểm toán. Số dư đầu kỳ cũng bao gồm những vấn đề cần phải thuyết minh đã tồn tại vào thời điểm đầu kỳ, như các khoản mục tài sản, nợ tiềm tàng và các cam kết của đơn vị”. Trong một năm tài chính, nếu số dư đầu kỳ có sai sót nó sẽ tác động đến số dư cuối kỳ đồng thời nó cũng sẽ gây ra sai sót đến số liệu kế toán trong tương lai được kiểm toán. (VSA 510 (2012) đoạn 04b)
Kiểm toán năm đầu tiên là “cuộc kiểm toán đối với BCTC mà kỳ trước đó không được kiểm toán hoặc BCTC kỳ trước đó đã được kiểm toán bởi KTV tiền nhiệm” (VSA 510 (2012) đoạn 04a).
“KTV của doanh nghiệp kiểm toán khác đã thực hiện kiểm toán BCTC của đơn vị được kiểm toán trong kỳ trước đó và đã được thay thế bằng KTV hiện tại” được gọi là KTV tiền nhiệm. (VSA 510 (2012) đoạn 04 – c).
Ngoài ra, một số khách hàng đã hoạt động từ trước nhưng mới bắt đầu hợp đồng kiểm toán. Đối với những khách hàng này, việc xác định và đánh giá chính xác các vấn đề tồn tại từ trước là vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi liên quan đến số dư đầu kỳ của báo cáo tài chính.
Việc kiểm toán năm đầu tiên cũng bao gồm việc đánh giá sự phù hợp và nhất quán của các chính sách kế toán được áp dụng cho số dư đầu kỳ, đảm bảo rằng chúng tuân thủ các chuẩn mực kế toán hiện hành. Số dư đầu kỳ không chính xác có thể dẫn đến những sai lệch đáng kể trong báo cáo tài chính của các kỳ tiếp theo, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp.
3.1.1. Ý nghĩa của số dư đầu kỳ trong kiểm toán BCTC năm đầu tiên 3.1.1.1. Tính chất quan trọng của số dư đầu kỳ
Trong bảng cân đối kế toán, số dư đầu kỳ thể hiện giá trị tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu tại thời điểm bắt đầu kỳ. Các báo cáo khác như báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể sử dụng số dư đầu kỳ làm cơ sở để tính toán các chỉ tiêu tài chính, trong khi bảng thuyết minh cung cấp thêm thông tin giải thích về số dư đầu kỳ. Qua đó cho thấy được sự quan trọng của số dư đầu kỳ. Chính vì vậy, khi số dư đầu kỳ tồn tại sai sót trọng yếu sẽ tạo ra sự ảnh hưởng đồng thời tới cả số dư cuối kỳ và kết quả kinh doanh của đơn vị trong kỳ.”
Số dư đầu kỳ đóng vai trò là nền tảng cho việc xây dựng các báo cáo tài chính. Nó phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm bắt đầu kỳ, từ đó làm cơ sở để tính toán các chỉ tiêu tài chính trong các báo cáo khác như báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Từ đó, người đọc có thể tìm hiểu được những nguyên nhân bất thường, đánh giá các tỷ số kinh tế nhằm phục vụ cho mục đích sử dụng của họ.
3.1.1.2. Các sai sót thường gặp khi kiểm toán số dư đầu kỳ
Sai sót trong số dư đầu kỳ thường bắt nguồn từ nhiều yếu tố, bao gồm cả môi trường kinh doanh, yếu tố con người và đặc điểm vốn có của các khoản mục kế toán. Những sai sót này không chỉ ảnh hưởng đến tính chính xác của báo cáo tài chính năm đó mà còn ảnh hưởng sang các kỳ kế toán tiếp theo.
Nếu KTV nhận thấy báo cáo kỳ trước mà đã được kiểm toán bởi KTV tiền nhiệm được trình bày chính xác và hợp lý thì được dùng số dư cuối kỳ trên báo cáo đó để kiểm tra số dư đầu kỳ và chỉ cần làm thủ tục cho số dư cuối kỳ. Tuy nhiên, “việc chấp nhận số dư đầu kỳ đó còn phụ thuộc vào năng lực chuyên môn và tính độc lập KTV tiền nhiệm cũng như tính đầy đủ và thích hợp của bằng chứng kiển toán” (VSA 510 đoạn 6c- A4).
Nếu trong trường hợp KTV không có đủ bằng chứng để xác minh số dư đầu kỳ dựa trên hồ sơ năm trước, họ buộc phải tiến hành đầy đủ các thủ tục kiểm toán đối với từng khoản mục trong số dư đầu kỳ để đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của báo cáo tài chính.
Dựa trên phân tích tài liệu, tác giả nhận thấy một số sai sót thường hay xảy ra trong các khoản mục của báo cáo tài chính.
Đối với khoản mục tiền và tương đương tiền
Tiền và tương đương tiền trên bảng báo cáo tình hình tài chính là một khoản mục quan trọng. Đây là một trong những khoản mục dễ bị lợi dụng để gian lận, với các thủ đoạn như trình bày sai lệch số liệu nhằm mục đích cải thiện tình hình tài chính báo cáo hay Ngoài ra, khoản mục này cũng chịu những ảnh hưởng liên quan đến các khoản mục quan trọng khác trên BCTC (như công nợ, doanh thu, chi phí hoạt động, tài sản của doanh nghiệp). Vì thế nên các gian lận hay không đúng của khoản mục khác sẽ ảnh hưởng đến nghiệp vụ phát sinh của khoản mục này.
Các gian lận xảy ra thường mang tính chất tinh vi và rất đa dạng nhằm qua mắt hệ thống kiểm soát nội bộ không thể ngăn chặn và các thủ tục kiểm toán không thể phát hiện. Bên cạnh đó có thể thấy được việc phân loại các khoản trong tương đương tiền có thể bị phân loại sai khi không đáp ứng đủ điều kiện được phân loại vào khoản mục đó.
Có thể nói, với những vấn đề đã được trình bày ở trên thì KTV luôn chú trọng thực hiện việc đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ của KH và đưa ra các thủ tục kiểm toán để chắc chắn rằng số dư đầu kỳ của loại tài sản này không còn rủi ro có sai sót trọng yếu.
Đối với khoản mục phải thu khách hàng
Nợ phải thu KH cũng thường hay xảy ra những sai sót và cố tình gian lận có thể kể đến như việc biển thủ (thu được tiền nhưng không nộp vào sổ quỹ đơn vị) hoặc chiếm dụng.
Ngoài ra, do mối liên hệ chặt chẽ giữa phải thu khách hàng và doanh thu, các doanh nghiệp có thể gian lận bằng cách ghi nhận doanh thu khống để tăng số dư phải thu, hoặc
ngược lại, che giấu doanh thu bằng cách giảm số dư phải thu, nhằm đạt được mục đích thao túng kết quả kinh doanh.
Để tuân thủ chuẩn mực kế toán, các doanh nghiệp phải trích lập dự phòng cho những khoản phải thu khó thu hồi. Tuy nhiên, việc xác định mức độ dự phòng này phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan như đánh giá tình hình khách hàng, khả năng thu hồi nợ, và các yếu tố kinh tế vĩ mô. Do đó, việc ước tính và trích lập dự phòng thường tiềm ẩn nhiều rủi ro sai sót và khó kiểm soát.
Khoản mục hàng tồn kho
Đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và thương mại thì hàng tồn kho luôn chiếm một tỉ trọng khá lớn trong mục tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp. Chính vì vậy mà những sai sót liên quan đến hàng tồn kho sẽ gây ảnh hưởng đồng thời đến báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, một trong những gian lận phổ biến liên quan đến hàng tồn kho là cố tình nâng cao giá trị hàng tồn kho cuối kỳ. Mục đích của hành vi này là giảm giá vốn hàng bán, qua đó làm tăng lợi nhuận báo cáo.
Cũng giống với 2 loại tài sản đã nêu trên thì hàng tồn kho không chỉ là một khoản mục dễ bị gian lận như biển thủ, trộm cắp mà còn đối mặt với nhiều rủi ro khác như giảm giá trị, hư hỏng, hao hụt và lỗi thời.
Tính linh hoạt trong việc lựa chọn phương pháp định giá hàng tồn kho (nhập xuất trước, bình quân gia quyền) và phương thức hạch toán (kê khai thường xuyên, kiểm kê định kỳ) khiến việc đánh giá giá trị hàng tồn kho phụ thuộc nhiều vào quyết định của người quản lý. Điều này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp điều chỉnh giá trị hàng tồn kho để đạt được mục tiêu tài chính nhất định, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ thiếu nhất quán giữa các kỳ kế toán. Quyết định lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cuối kỳ phụ thuộc rất lớn vào yếu tố chủ quan của người quản lý, cụ thể là khả năng đánh giá và ước tính của họ về sự suy giảm giá trị của hàng tồn kho. Sự chính xác của các ước tính này ảnh hưởng trực tiếp đến số liệu dự phòng.
Để thu thập đủ bằng chứng kiểm toán và đảm bảo tính chính xác của số dư đầu kỳ hàng tồn kho, các kiểm toán viên thường thực hiện các thủ tục bổ sung như đánh giá lại số liệu của kỳ trước và kiểm toán tính đúng kỳ của các giao dịch liên quan đến hàng tồn kho.
Khoản mục nợ phải trả và vốn chủ sở hữu
Khoản mục này có tác động lớn đến tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nên các rủi ro thường xảy ra là việc không ghi chép đầy đủ nợ phải trả của đơn vị được kiểm toán. Việc này khiến cho người sử dụng BCTC nghĩ rằng doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh tốt hơn so với thực tế là do việc ghi nhận chi phí không đầy đủ đã làm tăng lợi nhuận lên một cách giả tạo.
Mặc dù số lượng nghiệp vụ phát sinh trong kỳ liên quan đến vốn chủ sở hữu thường không nhiều, nhưng giá trị của mỗi nghiệp vụ lại rất lớn và có thể tác động trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Hơn nữa, các nghiệp vụ này thường có tính chất phức tạp và phải tuân thủ nhiều quy định pháp luật. Do đó, kiểm toán viên cần thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán để xác minh tính chính xác và hợp pháp của các nghiệp vụ này, đảm bảo rằng số liệu vốn chủ sở hữu phản ánh đúng tình hình thực tế của doanh nghiệp.