CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA QUẢN LÝ CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
1.2. Một số khái niệm cơ bản của đề tài
1.2.2. Giáo dục đạo đức và đạo đức nghề nghiệp
Về cơ bản, các giáo trình về giáo dục ở nước ta đều trình bày “Giáo dục là xã hội đặc biệt, bản chất của nó là sự truyền đạt và lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử - xã hội của các thế hệ loài người...”
Định nghĩa trên nhấn mạnh đến sự truyền đạt và lĩnh hội giữa các thế hệ, nhấn mạnh đến yếu tố dạy học, Jonh Dewey, triết gia về giáo dục có ảnh hưởng lớn nhất về vấn đề giáo dục Mỹ ở thế kỉ XX, còn cho rằng “xã hội không chỉ tồn tại nhờ truyền dạy, mà còn tồn tại chính trong quá trình truyền dạy ấy”.
Ở Việt Nam, theo từ điển Tiếng Việt thông dụng - Nxb Giáo dục-1998, khái niệm giáo dục được giải nghĩa là “Tác động có hệ thống để con người có thêm năng lực và phẩm chất cần thiết”. Giáo dục hiểu theo nghĩa rộng là hoạt động (hay là quá trình) chuyển giao hệ thống tri thức, kinh nghiệm xã hội của thế hệ này cho các thế hệ tiếp theo nhằm hình thành và phát triển nhân cách, đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của đời sống xã hội trong từng giai đoạn lịch sử. Theo nghĩa hẹp, giáo dục gắn liền với quá trình hình thành và phát triển hệ thống nhà trường (giáo dục nhà trường) là hoạt động giáo dục có mục đích và nội dung xác định cho từng bậc học và loại hình trường, được thực hiện một cách có kế hoạch, có hệ thống trong khuôn khổ tổ chức nhà trường.
Hình thành nhân cách là quá trình phát triển con người về mặt sinh lý, tâm lý và mặt xã hội, mang tính chất tăng trưởng về lượng và biến đổi về chất.
Quá trình này diễn ra do ảnh hưởng của các nhân tố bên trong (bẩm sinh, di truyền, tính tích cực của chủ thể...) và các nhân tố bên trong (ảnh hưởng của hoàn cảnh tự nhiên và hoàn cảnh xã hội, tác động giáo dục), do ảnh hưởng của các tác động tự phát, ngẫu nhiên (tác động bên trong, bên ngoài chưa được kiểm soát, điều khiển được). Quá trình này làm biến đổi đứa trẻ với những tư chất vốn có của con người thành một nhân cách.
Giáo dục là một hiện tượng xã hội, việc dẫn dắt người khác vượt ra khỏi cái hiện tại để vươn tới cái tương lai là việc làm có tính mục đích rõ ràng. Việc này cũng được hoạch định và thực hiện một cách có tổ chức với sự tham gia của cả cộng đồng theo những phân công lao động chặt chẽ (nhiều
khi được chuyên môn hóa). Hơn nữa, trong quá trình thực hiện những hoạt động như hoạt động giáo dục, con người luôn kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh sao cho kế hoạch đặt ra đạt được kết quả tốt nhất. Như thế giáo dục là hiện tượng xã hội, là hiện tượng xảy ra không phải ngẫu nhiên, nó có mục đích, có tổ chức, có kế hoạch, có kiểm tra đánh giá và được sự tham gia của cả cộng đồng [1].
1.2.2.2. Đạo đức
Đạo đức là những tiêu chuẩn nguyên tắc được xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội mà phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng theo những tiêu chuẩn đạo đức mà có.
Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội luôn được mọi giai cấp, trong mọi thời đại quan tâm. Đạo đức là phép ứng xử có nhân phẩm giữa người này với người khác. Đạo đức luôn luôn là mối quan hệ hai chiều, là một thể chế đặc thù của xã hội nhằm điều chỉnh các hành vi của con người trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đạo đức là phương thức xác lập mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, giữa lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân.
C.Mác cho rằng:
“ Đạo đức chính là lực lượng bản chất của con người trong sự phát triển của nó theo hướng ngày càng đạt tới giá trị đích thực của cái thiện”.
Theo ông, bất luận trong mối quan hệ xã hội nào thì đạo đức cũng là quan hệ thực sự người, là sự phản ánh tồn tại xã hội cho nên mỗi hình thái kinh tế - xã hội hay mỗi giai đoạn lịch sử đều định hình những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức tương ứng. Trong đó, ngoài những giá trị chung, nó còn hàm chứa các nét đặc thù. Đó là cơ sở hình thành các thang bậc đạo đức của mỗi giai đoạn lịch sử hoặc mỗi hình thái kinh tế - xã hội nhất định. Đạo đức theo nghĩa hẹp là luân lý, là những chuẩn mực ứng xử trong quan hệ của con người. Theo nghĩa rộng, khái niệm đạo đức liên quan chặt chẽ với phạm trù
chính trị , pháp luật, lối sống. Có rất nhiều khái niệm về đạo đức, có thể kể đến các khái niệm sau:
Từ điển xã hội học Nxb thế giới Hà Nội 1993-Nguyễn Khắc Viện (Chủ biên):
“Đạo đức bao gồm những chuẩn mực hành vi đạo đức của con người theo hướng thiện, tránh hướng ác. Mỗi một xã hội, mỗi một nhóm xã hội và mỗi cá nhân có thể lý giải cái thiện (đạo đức) và cái ác (vô đạo đức) theo những cách khác nhau, tùy thuộc vào quan niệm sống và lợi ích của mình”.
Theo Trần Hậu Kiểm:
“Đạo đức là tổng hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình vì lợi ích xã hội, hạnh phúc của con người trong mối quan hệ giữa con người và con người, giữa cá nhân và tập thể hay toàn xã hội”.
Gần đây trong cuốn: “Về phát triển toàn diện con người thời kỳ CNH- HĐH” các tác giả đưa ra khái niệm đạo đức theo nghĩa rộng:
“Đạo đức là thành phần cơ bản của nhân cách, phản ánh bộ mặt nhân cách của một cá nhân đã được xã hội hóa” [18, tr.153].
Như vậy trong các định nghĩa về đạo đức nêu trên đều đề cập đến các khía cạnh sau:
- Đạo đức là hình thái ý thức xã hội phản ánh quan hệ giữa cá nhân với xã hội, với người khác và chính mình.
- Đạo đức bao gồm hệ thống các giá trị, quy tắc, chuẩn mực xã hội.
- Đạo đức là phương thức điều chỉnh hành vi của con người.
Tóm lại, đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, bao gồm hệ thống các nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực. Căn cứ vào hệ thống các nguyên tắc chuẩn mực đó để đánh giá hành vi của cá nhân là hành vi đạo đức hay phy đạo đức.
Hoặc cá nhân lựa chọn và điều chỉnh cách ứng xử của mình cho phù hợp với yêu cầu của xã hội và cộng đồng.
1.2.2.3. Giáo dục đạo đức
Theo tác giả Hà Thế Ngữ - Đặng Vũ Hoạt:
“Giáo dục đạo đức là quá trình biến đổi hệ thống các chuẩn mực đạo đức từ những đòi hỏi bên ngoài, bên trong của cá nhân thành niềm tin, nhu cầu, thói quen của người được giáo dục”.
Đạo đức bao giờ cũng gồm ý thức đạo đức, tình cảm và niềm tin đạo đức, hành vi đạo đức. Do đó việc giáo dục đạo đức đều phải bao gồm cả ba mặt nhằm hình thành những con người có bộ mặt đạo đức phù hợp với yêu cầu của xã hội.
Trong nhà trường XHCN, giáo dục đạo đức cho học sinh là phát triển mặt đạo đức của nhân cách, là xây dựng các sản phẩm đạo đức XHCN trong mỗi cá nhân, là hoàn thành ý thức đạo đức, tình cảm đạo đức, hành vi và thói quen đạo đức của học sinh theo những nguyên tắc đạo đức cách mạng mà tấm gương sáng ngời là đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giáo dục đạo đức là bộ phận của nội dung giáo dục toàn diện con người, là quá trình kết hợp nâng cao nhận thức với hình thành thái độ, xúc cảm, tình cảm, niềm tin và hành vi thói quen đạo đức. Giáo dục đạo đức phải gắn chặt với giáo dục tư tưởng chính trị. Giáo dục tư tưởng chính trị có tác dụng xây dựng cơ sở thế giới quan Mác - Lê Nin và định hướng chính trị xã hội theo quan điểm và đường lối của Đảng cộng sản, cho ý thức và hành động đạo đức.
Ngoài ra giáo dục đạo đức còn phải kết hợp với giáo dục pháp luật. Giáo dục pháp luật có tác dụng củng cố và thúc đẩy việc thực hiện các yêu cầu đạo đức.
Giáo dục đạo đức cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay là một đòi hỏi thiết thực và khách quan, bởi hơn lúc nào hết, giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập đang diễn ra trong những điều kiện rất phức tạp. Giáo dục đạo đức sẽ giúp cho sinh viên có nhận thức và hành động đúng hơn, hiệu quả hơn trên con đường phát triển bản thân và trách nhiệm với đất nước và con người Việt Nam.
1.2.2.4. Đạo đức nghề nghiệp
Nói tới khái niệm đạo đức nghề nghiệp là người ta muốn thu hẹp phạm vi của khái niệm đạo đức nói chung, nhưng nó được cụ thể hóa và đặc trưng hóa cho từng nghề nghiệp nhất định.
Đạo đức nghề nghiệp là một hình thái ý thức xã hội, ra đời cùng với sự phát triển của một nghề nhất định của xã hội. Đạo đức nghề nghiệp là một hệ thống những chuẩn mực giá trị đạo đức xã hội nhưng phù hợp với đặc điểm của mỗi loại nghề, phản ánh bộ mặt nhân cách của người lao động và đạo đức nghề nghiệp trở thành động lực phát triển nhân cách, phát triển các năng lực chung và năng lực nghề nghiệp, làm tăng năng suất và hiệu quả hoạt động nghề nghiệp.
Đạo đức nghề nghiệp cũng có những nguyên tắc, chuẩn mực được dư luận xã hội thừa nhận và quy định những hành vi ứng xử trong mối quan hệ xã hội. Bản thân nó lại có những nét đặc thù riêng, phản ánh đầy đủ phẩm chất cần có của một ngành, một nghề cụ thể. Đó là những quy tắc, chuẩn mực của một nghề nghiệp hoặc một nhóm nghề nghiệp nào đó, nó quy định những hành vi ứng xử của những cá nhân khi hoạt động trong lĩnh vực nghề nghiệp đó. Khi những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức đó không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của chính hoạt động đó. Mỗi một lĩnh vực nghề nghiệp đều có chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp chung: Ví dụ khi nói đến đạo đức của ngành y thì vấn đề “lương y như từ mẫu” được coi là một chuẩn mực đạo đức của ngành này. Trong thời kỳ chiến tranh, phẩm chất đạo đức “yêu xe như con, quý xăng như máu” là phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người bộ đội lái xe thời kỳ đó. Với những người làm công tác dịch vụ xã hội thì:
“vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” là biểu hiện đạo đức nghề nghiệp của họ. Với lực lượng công an nhân dân thì phẩm chất đạo đức của họ phải đạt chuẩn theo 6 điều Bác Hồ dạy:
Với mình phải cần, kiệm, liêm, chính.
Với đồng sự phải thân ái giúp đỡ.
Với chính phủ phải tuyệt đối trung thành..
Với nhân dân phải kính trọng lễ phép.
Với công việc phải tận tuỵ.
Đối với địch phải cương quyết khôn khéo.
Đối với người Đảng viên, cán bộ, Bác dạy phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư”. Đối với ngành giáo dục, một khẩu hiệu chung cho các cấp học là: “tất cả vì học sinh thân yêu” đó chính là đạo đức nghề nghiệp của người thầy giáo, cô giáo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Người còn là nhà giáo dục tiêu biểu, đặc biệt quan tâm đến giáo dục đạo đức, Người đã dày công xây dựng nên những giá trị, chuẩn mực đạo đức mới một cách toàn diện và sâu sắc trên mọi lĩnh vực hoạt động, cho mọi đối tượng; nghề nghiệp, cương vị công tác; đồng thời Người là tấm gương sáng về rèn luyện phẩm chất đạo đức của người cách mạng. Người khái quát các giá trị, chuẩn mực đạo đức trong các mối quan hệ cơ bản: với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, với tự mình, với việc, với người khác…Trong các mối quan hệ phong phú đó, Người luôn đặt mối quan hệ với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân lên trước và lên trên hết.
Đạo đức nghề nghiệp là thuật ngữ người ta gắn với những tiêu chuẩn hành xử nhất định trong nghề dạy học. Để cho bất cứ nghề nào được tôn trọng và tự tôn, những người làm nghề đó phải có và phải sống theo những chuẩn này. Có người cho rằng một nghề chỉ có thể phát triển về tầm cỡ khi những người làm trong nghề đó tôn trọng chính mình và có những đóng góp tích cực với tư cách là một nghề vào sự phát triển của xã hội. Những chuẩn đạo đức nghề nghiệp đó có thể được dùng làm kim chỉ nam cho những người bước
vào nghề dạy học. Theo Claire Andre and Manuel Valasquez, ít năm trước đây, một nhà xã hội đã hỏi các doanh nhân câu hỏi: Đạo đức là gì?
- Đạo đức có liên quan tới cái mà linh cảm.
- Đạo đức có liên quan tới tín ngưỡng tôn giáo.
- Đạo đức là biết làm theo pháp luật.
- Đạo đức là chuẩn hành vi mà xã hội ta chấp nhận.
Vì vậy, đạo đức nghề nghiệp được xem như là một nội dung quan trọng của công tác giáo dục đạo đức nói riêng và công tác giáo dục đào tạo nói chung.
Tóm lại, từ nội hàm của khái niệm đạo đức nói chung và qua phân tích một số đặc trưng về đạo đức của một vài nghề nghiệp, ta có thể hiểu về đạo đức nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo như sau:
- Đạo đức nghề nghiệp là tổng hợp những nguyên tắc, quy tắc, những chuẩn mực đạo đức xã hội mang tính đặc thù của một bộ phận xã hội nhất định nhằm định hướng và điều chỉnh hành vi ứng xử và giải quyết những mối quan hệ giữa các thành viên và xã hội, nó còn chịu sự chế ước của pháp luật.
Đạo đức nghề nghiệp là hệ thống các chuẩn mực đạo đức phản ánh những yêu cầu, đòi hỏi của xã hội, của bản thân nghề nghiệp đối với người làm việc trong lĩnh vực nghề nghiệp đó, giúp họ hoàn thành nhiệm vụ của mình với kết quả cao nhất.
- Đạo đức nghề nghiệp nhà giáo là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của nhà giáo đối với những yêu cầu, nhiệm vụ của nghề nghiệp trong khi hành nghề, cũng như những phẩm chất đạo đức của người giáo viên cần phải có, với tư cách một nhà giáo.
Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Điều 4 quy định về ĐĐNN như sau:
- Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống
và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng.
- Tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành.
- Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí.
- Thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên, nghiêm túc; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
Từ những quy định trên, có thể thấy ĐĐNN của nhà giáo phải được tu dưỡng trong quá trình hành nghề, nhưng trước hết cần được hình thành những cơ sở căn bản ngay trong quá trình là sinh viên được học tập, rèn luyện ở môi trường sư phạm.