CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU GỐM SỨ MỸ NGHỆ VIỆT NAM
2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển thương hiệu gốm sứ mỹ nghệ Việt Nam
2.2.1. Môi trường vĩ mô
2.2.1.1. Môi trường chính trị - luật pháp
Sự quan tâm, ủng hộ của Nhà nước về xây dựng và phát triển thị trường hàng thủ công mỹ nghệ. Vấn đề xây dựng, vận hành thị trường phát triển an toàn lành mạnh luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm nhằm tạo lập cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp gốm sứ mỹ nghệ hoạt động kinh doanh để tạo lập vị thế của mình trên thị trường.
Hiện nay các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu cho sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ Việt Nam đang được tiếp cận theo ba hướng: Một là tiếp cận theo hướng phát triển các thương hiệu làng nghề thủ công mỹ nghệ; Hai là tiếp cận theo hướng phát triển thương hiệu riêng cho từng cơ sở sản xuất gốm sứ, có kết hợp khai thác yếu tố địa danh, nguồn gốc xuất xứ, gắn với chỉ dẫn địa lý; Ba là tiếp cận theo hướng phát triển thương hiệu tập thể gắn với các làng nghề, hiệp hội.
Ngành SXKD gốm sứ là một trong những ngành nghề truyền thống của dân tộc ta. Nó cung cấp những mặt hàng có giá trị kinh tế cao, giá trị xuất khẩu lớn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, khôi phục nét truyền thống của dân tộc ta. Vì thế các cơ sở SXKD gốm sứ đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, tạo nhiều điều kiện cho sản xuất phát triển. Điều đó được thể hiện ở các chính sách ưu đãi các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách phát triển làng nghề:
- Quyết định 132/2000/ QĐ- CP của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, ban hành ngày 24/11/2000.
- Nghị định 66/2006/ NĐ- CP của Thủ tướng Chính phủ Về phát triển ngành nghề nông thôn, ban hành ngày 7/7/2006.
- Thông tư của bộ Tài chính số 113/2006/ TT BTC ngày 28/12/2006 hướng dẫn một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo nghị định 66/2006/ NĐ - CP ban hành ngày 7/7/2006.
- Nghị định 56/2009/ NĐ- CP ngày 30/6/2009 Về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Quyết định 12/2010/ QĐ- TTg về việc gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2010.
- Nghị định 53/2011/ NĐ – CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
- Nghị định 75/2011/ NĐ – CP Về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước.
Ngoài ra nhà nước còn mở các trường đào tạo nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo bồi dưỡng một đội ngũ thợ có trình độ tay nghề đảm bảo cho việc sản xuất các mặt hàng nghành nghề trong đó có mặt hàng thủ công mỹ nghệ gốm sứ.
Vai trò liên kết ngành của các tổ chức hiệp hội nghề còn yếu, thiếu sự gắn kết giữa Hiệp hội với các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Hiện
nay vấn đề nguồn nguyên liệu cho ngành thủ công mỹ nghệ cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Điển hình như giá lục bình khô hiện đã lên mức 27.000 đồng/kg, nhưng cũng rất khan hiếm; nguồn đất để làm các sản phẩm đồ gốm cũng ngày càng cạn kiệt do tác động của đô thị hóa…
Do đó, thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phát triển các vùng nguyên liệu tập trung để đảm bảo nguồn nguyên liệu tại nơi sản xuất ngành nghề, làng nghề. Trong đó tập trung lớn cho sản xuất các sản phẩm chủ lực như mây tre đan lá, thêu dệt, gốm sứ... tại các địa phương đã có điều kiện.
Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng ngành nghề nông thôn, làng nghề hiện nay để xây dựng tiêu chí, đánh giá phân loại làng nghề; hoàn thiện xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm theo phương châm kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với công nghệ cổ truyền. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, đẩy mạnh việc thiết kế và phát triển các sản phẩm mới để tạo giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu; thúc đẩy có hiệu quả xúc tiến thương mại và hợp chuẩn quốc tế; đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề.
Bộ Thương mại chủ trì cùng các Bộ, ngành sản xuất phân tích kỹ tình hình và quan hệ buôn bán với từng thị trường, trên cơ sở đó xây dựng đối sách đối với từng thị trường; tổ chức các đoàn liên ngành cùng các doanh nghiệp khảo sát, tìm cơ hội thâm nhập, mở rộng thị trường đối với từng mặt hàng. Văn phòng Chính phủ, Phân ban hợp tác liên Chính phủ đôn đốc các Bộ, ngành hữu quan triển khai, thúc đẩy thực hiện các thoả thuận đã đạt được trong các chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu một cách ổn định, với số lượng ngày càng tăng.
Tiếp tục thực hiện và mở rộng chế độ thưởng theo kim ngạch xuất khẩu vào tất cả các thị trường và cho tất cả thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đối với các mặt hàng sau: gạo, cà phê, chè, lạc nhân, thịt gia súc, gia cầm các loại, rau quả hộp, rau quả tươi, rau quả khô và sơ chế, hạt tiêu, hạt điều, gốm, sứ, đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre lá (không kể số hàng hoá được xuất khẩu theo Hiệp định Chính phủ và xuất khẩu trả nợ).
Các sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các quốc gia sẽ phải chịu sự tác động của nhiều luật khác nhau: quy định về thủ tục xuất nhập khẩu, về nguồn gốc xuất xứ, ….Do đó, chủ trương và hệ thống luật pháp quốc gia nhập khẩu sản phẩm mà khuyến khích, tạo điều kiện, cũng như luật pháp quy định rõ ràng, đơn giản thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu sản phẩm vào thị trường quốc gia đó và ngược lại. Đồng thời, việc tham gia các hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia sẽ góp phần mở rộng cơ hội đưa sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam thâm nhập vào thị trường các nước thuận lợi hơn.
2.2.1.2. Môi trường tự nhiên
Điều kiện tự nhiên (Khí hậu, đất đai, địa hình), môi trường là một nhân tố chính quyết định chủ yếu đến chất lượng, đặc tính, đặc thù của sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam. Các điều kiện tự nhiên, môi trường, khí hậu biến đổi sẽ tác động trực tiếp tới năng suất, chất lượng và đặc tính của sản phẩm. Do đó, các điều kiện tự nhiên cũng như môi trường và khí hậu là những yếu tố khách quan tác động lớn đến hoạt động phát triển thương hiệu gốm sứ mỹ nghệ. Hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu đang làm thay đổi nhiều vùng khí hậu ở Việt Nam, thời tiết và khí khậu thất thường chắc chắc sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất, chất lượng đất cho sản xuất gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam.
Nguyên liệu để sản xuất gốm sứ chủ yếu là cao lanh, đất sét và một số phụ gia khác như thạch anh, tràng thạch...Cao lanh đang được khai thác chủ yếu tại Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Đồng Nai... trong khi đất sét phần lớn được khai thác ở Hải Dương (mỏ Trúc Thôn), Đông Triều (mỏ Giếng Đáy), và tại trực tiếp các vùng làng nghề sản xuất gốm ở Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Long …
Có 2 vấn đề chính liên quan đến nguyên liệu làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các làng nghề gốm sứ:
- Vấn đề thứ nhất là Việt Nam thiếu các nguồn sản xuất nguyên liệu đồng bộ, thiếu kỹ thuật chế biến nên không/khó sản xuất được gốm sứ chất lượng cao, mặc dù có nhà máy sản xuất đất sét tốt nhưng không có nhà máy sản xuất cao lanh tốt thì cũng không thể làm gốm sứ tốt được vì 2 vật liệu này luôn phải phối trộn cùng nhau. Ở làng nghề gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng, quá trình chế biến nguyên liệu thô thành nguyên liệu để sản xuất gốm sứ hầu hết bằng phương pháp thủ công, quá trình chế nguyên liệu không qua công đoạn khử từ, các bình nghiền nguyên liệu được chế tạo thô sơ vì vậy
không thể nghiền nguyên liệu đủ mịn để chế tạo các sản phẩm sứ chất lượng cao với 3 tiêu chí chính “Trong như ngọc, trắng như ngà, mỏng như vỏ trứng gà” nên không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc về chất lượng, giá thành…Quặng kao lanh đang được khai thác, ngoài việc sử dụng cho nhu cầu sản xuất trong nước kao lanh Việt Nam còn được xuất thô sang Trung Quốc, Đài Loan, Hàn quốc với giá rẻ …trong khi đó để có được nguyên liệu sản xuất tốt các nhà sản xuất tại Việt Nam nói chung và Bát Tràng nói riêng phải nhập lại từ Trung Quốc, Đài Loan thậm chí có những sản phẩm còn phải nhập nguyên liệu từ Anh với giá rất cao.
- Vấn đề thứ 2 là nguồn nguyên liệu ngày càng trở nên khan hiếm do việc quy hoạch xây dựng nhà ở/ công trình ngay tại các khu có vùng nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu cho sản xuất gốm ở Bình Dương là một ví dụ, các mỏ cung cấp nguyên liệu hiện tại cho gốm sứ Bình Dương ở Chơn Thành, Đất Cuốc, Cổng Xanh ... cũng đang giảm nhanh.
2.2.1.3. Môi trường khoa học- công nghệ