7. Kết cấu của luận văn
2.2.1. Quyền bình đẳng của vợ đối với chồng trong mối quan hệ với con
Theo quy định của pháp luật, sự kiện "sinh con" của người mẹ, "sự kiện nhận nuôi con nuôi" của vợ, chồng đều là những căn cứ làm phát sinh quan hệ pháp luật của cha mẹ và con. Xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của bà mẹ và trẻ em nên trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con thì quyền lợi của người phụ nữ cần thiết được pháp luật bảo vệ. Con sinh ra chịu sự ảnh
hưởng đương nhiên của cha mẹ về vấn đề họ, tên, quốc tịch, tôn giáo… cũng như vấn đề về chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục nên việc đảm bảo bình đẳng về giới và bảo vệ quyền của người vợ là thật sự cần thiết cho con. Do vậy, vấn đề bảo vệ quyền của người vợ trong mối quan hệ đối với con được thể hiện trong những nội dung sau:
* Quyền lựa chọn họ, tên cho con
Quyền của người vợ trong việc lựa chọn họ, tên cho con thực hiện thông qua thỏa thuận với chồng, theo đó, họ, tên của con có thể theo họ mẹ.
Về vấn đề này, điểm e khoản 1 mục II Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02 tháng 06 năm 2008 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định: "Khi đăng ký khai sinh, họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người cha hoặc họ và quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ". Đây là quy định mở tạo điều kiện cho người vợ có vị trí ngang bằng với người chồng, hạn chế ảnh hưởng của phong tục, chẳng hạn: tại xã Cộng Hòa và Tân Hòa (Quốc Oai, Hà Nội) con trai sinh ra mang họ bố nhưng con gái sinh ra mang họ từ tên đệm của bố.
* Quyền đối với việc lựa chọn quốc tịch cho con
Theo nguyên tắc "quyền huyết thống", quốc tịch của người con sinh ra chịu sự chi phối của cha mẹ. Vì vậy, việc lựa chọn quốc tịch cho con cũng chỉ đặt ra trong trường hợp hai bố mẹ mang hai quốc tịch khác nhau. Về vấn đề này, để đảm bảo quyền của người vợ thì vợ và chồng có thể thỏa thuận việc lựa chọn quốc tịch cho con cho phù hợp. Theo đó, quyền của người mẹ trong việc lựa chọn quốc tịch cho con được thể hiện tại khoản 2 Điều 16 Luật quốc tịch năm 2008 quy định:
Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam,
nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam [32].
Quy định trên tạo sự bình đẳng của người vợ đối với người chồng trong việc quyết định những vấn đề về nhân thân đối với con cái.
* Quyền lựa chọn tôn giáo, nơi cư trú cho con
Trường hợp không cùng tôn giáo, nơi cư trú, vợ và chồng cũng có thể thỏa thuận để lựa chọn cho con theo tôn giáo của cha hoặc mẹ, cư trú cùng cha hoặc mẹ để tạo điều kiện tốt nhất cho con. Người phụ nữ không còn bị ảnh hưởng của phong tục "lấy chồng phải theo chồng" mà được quyền tham gia quyết định những vấn đề liên quan đến việc lựa chọn tôn giáo, nơi cư trú cho con. Sự phân biệt đối xử với phụ nữ trong mối quan hệ với các con là vi phạm đến quyền của người phụ nữ với tư cách là một người mẹ dưới góc độ bình đẳng giới.
* Quyền bình đẳng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con Quyền của người mẹ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con được thể hiện trong các quy định của Luật HN&GĐ năm 2014. Theo đó, khoản 1, khoản 2 Điều 69 về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ quy định:
1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình [34].
Khoản 1 Điều 71 quy định: "Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành
niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình" [34].
Theo những quy định này, sự bình đẳng của người vợ đối với người chồng thể hiện ở quyền được yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con, quan tâm và chăm sóc tới sự phát triển của con cái về thể chất, trí tuệ và đạo đức để con trở thành công dân có ích cho xã hội, đảm bảo cho con không phải sống trong sự ngược đãi, hành hạ hoặc bị xúc phạm
Theo đó, các biện pháp xử lý đưa ra có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền của người phụ nữ. Điều 13 Nghị định số 110/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2009 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình về hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa cha, mẹ và con như sau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của Tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau [12].
* Quyền bình đẳng trong việc đại diện cho con
Quyền của người phụ nữ trong việc đại diện cho con được thể hiện trong các quy định Luật HN&GĐ năm 2014. Theo đó, khoản 3 Điều 69 quy định: "Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự" [34] và khoản 1, khoản 2 Điều 73 quy định:
1. Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.
2. Cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình [34].
Quy định trên đảm bảo quyền bình đẳng của người vợ với người chồng trong việc thực hiện việc đại diện cho con cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho con. Theo đó, vợ cùng chồng là người đại diện của con, vợ và chồng có thể thỏa thuận một trong hai người là người đại diện cho con trong các giao dịch dân sự.
Các quy định trên tạo cho người phụ nữ được đảm bảo quyền bình đẳng đối với người chồng trong mối quan hệ với các con, thúc đẩy sự nghiệp bình đẳng giới.
2.2.2. Quyền bình đẳng trong việc thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình
Chính sách dân số là biện pháp của Đảng và Nhà nước đưa ra nhằm giảm bớt tốc độ gia tăng dân số theo những mục tiêu nhất định. "Kế hoạch hóa gia đình" được xem như là một mục tiêu quan trọng trong chính sách dân số của Nhà nước ta. Để thực hiện kế hoạch hóa gia đình mỗi cặp gia đình cần thực hiện việc sinh con có kế hoạch, đảm bảo sức khỏe của mình, nuôi dạy con có trách nhiệm, phù hợp với điều kiện, yêu cầu chung của xã hội.
Luật HN&GĐ năm 2014 ghi nhận và bảo vệ sự bình đẳng của người vợ trong việc thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình tại những quy định mang tính nguyên tắc của Luật. Theo đó, khoản 4 Điều 2 quy định:
"Giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình" [34].
Thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, gia đình ít con, khỏe mạnh, tạo điều kiện để có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc là mục tiêu mà mọi gia đình Việt Nam cần hướng đến. Người vợ sẽ không còn là chiếc "máy đẻ" với
những đe dọa về sức khỏe và tính mạng. Người chồng không thể buộc vợ phải sinh nhiều con mà "số con" là do hai vợ chồng quyết định sao cho đảm bảo việc nuôi dạy các con nên người. Pháp lệnh dân số năm 2003 sửa đổi, bổ sung năm 2008 ngày 27 tháng 12 năm 2008 quy định: "Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định". Quyền bình đẳng của người vợ đối với người chồng trong việc thực hiện chính sách dân số thể hiện ở việc:
Người vợ có thể cùng người chồng quyết định việc sinh con hay không, số lần sinh con, thời gian sinh con, có quyền được lựa chọn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, không chỉ áp dụng biện pháp tránh thai đối với người vợ mà còn cả đối với người chồng, để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người vợ. Chính vì vậy, kế hoạch hóa gia đình không chỉ là việc của người vợ mà có sự hợp tác và trách nhiệm của cả vợ và chồng.
Tuy nhiên, trong một bộ phận không nhỏ các gia đình hiện nay vẫn còn tồn tại tư tưởng trọng nam, khinh nữ, đòi hỏi người vợ phải sinh con trai.
Chẳng hạn, trường hợp của chị Nguyễn Thị Bé, 32 tuổi, quê ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai.
Chị có tất cả 3 em trai. Ngay từ nhỏ, chị luôn đóng vai ô-sin trong nhà. Tuổi thơ của chị là những tháng ngày thèm thuồng nhìn bố mẹ cưng các em trai như trứng mỏng. Những gì đẹp đẽ nhất, họ đều dành hết cho con trai. Thậm chí, chỉ cần chị làm cậu út giận dỗi là lập tức bị bố la mắng như tát nước hoặc phạt nhịn đói nửa ngày. Lớn lên, chị mong sau này lấy chồng sẽ sinh toàn con trai cho... hả giận!
Sau khi tốt nghiệp đại học, chị kết hôn. Bất hạnh thay, chị lại chọn phải người chồng cũng có tư tưởng trọng nam khinh nữ dù anh ta cũng đã tốt nghiệp đại học, chuẩn bị lấy bằng thạc sĩ.
Lúc chị sinh đứa con gái đầu tiên, anh chỉ vào bệnh viện hỏi mấy câu rồi quày quả bỏ về. Một mình chị loay hoay với đứa con nhỏ trên tay cả năm trời.
Lần mang thai thứ hai, sau khi đã áp dụng đủ phương pháp, đích thân anh chở chị đi siêu âm. Khi biết bào thai là gái, anh cứ hỏi đi hỏi lại bác sĩ rằng có khi nào kết quả bị nhầm.
Dù bác sĩ đã khẳng định là đúng nhưng chồng chị vẫn không tin. Anh cấp tốc đưa vợ lên Thành phố Hồ Chí Minh đi siêu âm ở ba nơi khác nhau cho "chắc ăn". Khi biết kết quả không thay đổi, anh tỏ ra chán nản đến độ không thèm quan tâm, chăm sóc vợ con khi thai nghén.
Anh giải thích việc này: "Các em của anh, ai cũng sinh được con trai. Làm anh mà chẳng có mụn nào nối dõi thì nhục không chịu nổi!".
Lần thứ ba chị mang thai lại vẫn là gái. Anh bắt vợ hủy thai, chị không đồng ý. "Chính vì vậy mà tôi sinh đã 3 ngày rồi nhưng mặt con bé thế nào ổng cũng không thèm quan tâm", chị vừa nói vừa đưa tay quệt nước mắt [20].
Về vấn đề này, khoản 7 Điều 40 Luật bình đẳng giới năm 2006 quy định về các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế bao gồm:
a) Cản trở, xúi giục hoặc ép buộc người khác không tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe vì định kiến giới;
b) Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi [30].
Từ những hành vi trên việc đưa ra các biện pháp xử lý có ý nghĩa hạn chế các hành vi xâm phạm. Điểm d, khoản 2, Điều 13 nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 06 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới quy định:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
d) Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên trong gia đình thuộc một giới nhất định [11].
Và khoản 1, khoản 2 Điều 8 Nghị định số 114/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2006 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với người sử dụng biện pháp tránh thai, người sinh toàn con trai hoặc toàn con gái;
b) Không cung cấp phương tiện tránh thai cho người có nhu cầu sử dụng, mặc dù người đó có đủ điều kiện được sử dụng;
c) Ép buộc người khác phải sử dụng biện pháp tránh thai.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người sử dụng biện pháp tránh thai phải thôi sử dụng biện pháp tránh thai;
b) Ép buộc mang thai, sinh sớm, sinh dày, sinh nhiều con, sinh con trai, sinh con gái [9].