7. Kết cấu của luận văn
2.2.4. Quyền đƣợc lựa chọn nghề nghiệp, học tập và tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội
Điều 23 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định như sau: "Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội" [34].
Đảm bảo sự bình đẳng của người vợ trong việc lựa chọn nghề nghiệp, học tập và tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội chính là tạo điều kiện để người vợ tham gia vào đời sống xã hội. Điều này, thực sự có ý nghĩa đối với người phụ nữ
* Quyền được lựa chọn nghề nghiệp, học tập
Để tham gia vào đời sống kinh tế, xã hội, đóng góp công sức của mình cho sự phát triển của xã hội thì người phụ nữ cần phải được học tập và nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ. Họ cũng đóng góp công sức của mình cho sự phát triển của xã hội nên đảm bảo cho người phụ nữ được tự do lựa chọn nghề nghiệp, học tập, được hưởng giáo dục là nội dung quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người của người phụ nữ. Bởi vì, bảo đảm quyền bình đẳng của người phụ nữ trong lĩnh vực này so với nam giới không chỉ là sự bình đẳng trong gia đình mà còn bảo đảm sự bình đẳng của người phụ nữ ở ngoài xã hội. Theo đó, sự bình đẳng của người vợ trong việc học tập
và nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn cần đòi hỏi người chồng phải cùng chia sẻ, gánh vác những công việc gia đình với vợ để vợ có điều kiện học tập, phát triển.
Thực tế hiện nay, hoạt động học tập nâng cao trình độ của người vợ còn gặp nhiều khó khăn điều này xuất phát từ những lý do chủ yếu sau đây:
- Sự khác biệt về giới
Những đặc điểm sinh lý tự nhiên làm cho sức khỏe của người vợ kém hơn chồng, hơn nữa áp lực trong công việc và cuộc sống ngày càng đè nặng lên đôi vai của người vợ tạo cho người vợ trong gia đình một tâm lý tự ti, yên phận không phấn đấu hết khả năng và luôn bằng lòng với gì mình đã có. Vì vậy, người vợ bước ra khỏi cánh cửa gia đình để đi học tập nâng cao trình độ thường gặp nhiều khó khăn, thử thách khó vượt qua.
- Phụ nữ thiếu thời gian để đầu tư vào việc học tập và nâng cao trình độ Thực tế cho thấy trong đời sống gia đình thì người vợ mất quá nhiều thời gian cho việc mang thai, sinh đẻ, phải dành nhiều thời giờ cho công việc nội trợ, quán xuyến gia đình, chăm sóc việc con học hành, dạy dỗ con cái, phụng dưỡng cha mẹ già và quan tâm đến sức khỏe của mọi người trong gia đình. Theo số liệu điều tra xã hội học cho thấy, ở nhóm gia đình tri thức, công việc nội trợ do người vợ thực hiện chiếm 42%, người chồng thực hiện là 5%, cả hai cùng thực hiện là 53%; về nuôi dạy con cái, người vợ thực hiện chiếm 40%, cả hai cùng thực hiện là 39%. Qua số liệu trên chúng ta nhận thấy công việc gia đình đã thu hút rất nhiều thời gian, sức lực và trí tuệ của người vợ.
Chính vì vậy, mà nhiều phụ nữ thiếu thời gian nghỉ ngơi, trao dồi kiến thức và cập nhật thông tin khiến cho họ ít nỗ lực phấn đấu và ngại tham gia vào các hoạt động học tập để nâng cao vị thế của người phụ nữ.
Trong cuộc sống gia đình thì người vợ ít được khuyến khích, ủng hộ theo đuổi để thực hiện ước mơ được học tập nâng cao trình độ, nhất là ở trình
độ cao như thạc sĩ, tiến sĩ khoa học bởi lẽ người chồng không muốn người vợ có trình độ cao hơn mình dễ dẫn đến bất hòa trong quan hệ vợ chồng.
Do vậy mà vấn đề giải quyết hài hòa giữa sự nghiệp và gia đình luôn là một vấn đề nan giải đối với người phụ nữ. Để đảm bảo quyền được lựa chọn nghề nghiệp, học tập thì việc thực hiện tốt biện pháp xử lý là điều rất cần thiết. Theo đó, điểm c, khoản 1 Điều 13 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 06 năm 2009 quy định xử phạt hành chính về bình đẳng giới quy định: "Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: c) Không chăm sóc, giáo dục, tạo điều kiện như nhau giữa nam và nữ trong gia đình về học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển" [11].
Quy định tạo cho người vợ được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình đối với người chồng trong quan hệ nhân thân.
* Quyền tham gia vào các hoạt động chính trị
Phụ nữ với tư cách là công dân cũng có đầy đủ những quyền như một người công dân, trong đó cũng có quyền chính trị. Tuy nhiên, do những định kiến về phụ nữ nên người phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại khi tham gia vào đời sống chính trị, tham gia quản lý nhà nước và hoạt động xã hội.
Chính vì vậy, ngoài những quy định chung về quyền con người, quyền công dân, pháp luật còn có những quy định riêng dành cho người phụ nữ, bảo đảm quyền chính trị của người phụ nữ. Theo đó, quyền của người phụ nữ trong lĩnh vực chính trị được quy định tại khoản 1 Điều 28 Hiến pháp năm 2013
"Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở,địa phương và cả nước" [33] và Điều 11 Luật bình đẳng giới năm 2006 quy định:
1. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội.
2. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.
3. Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
4. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức... [30].
Bên cạnh đó, quyền chính trị của người phụ nữ còn được quy định tại Điều 7 Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (viết tắt là CEDAW) như sau: "Các nước tham gia Công ước phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ trong đời sống chính trị và cộng đồng của đất nước và đặc biệt là phải đảm bảo cho phụ nữ, trên cơ sở bình đẳng với nam giới..." [22].
Quyền chính trị của người phụ nữ là một trong những quyền con người quan trọng nhất của phụ nữ được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ, nó xác lập năng lực pháp lý bình đẳng của phụ nữ với nam giới trong việc tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Từ khái niệm trên chúng ta thấy phụ nữ hoàn toàn có quyền tự do thực hiện quyền chính trị của mình như bản chất của các quyền con người nhưng việc thực hiện quyền đó chỉ có hiệu lực và hiệu quả khi nó được đặt dưới sự bảo vệ của pháp luật và phù hợp với pháp luật.
Theo đó, nội dung về quyền chính trị của người phụ nữ được thể hiện như sau:
- Quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ
Điều 16 Hiến pháp năm 2013 quy định như sau:
1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội [33].
Quy định trên là cơ sở cho phụ nữ có quyền tham gia mọi mặt hoạt động của đất nước một cách bình đẳng mà trước hết là quyền bình đẳng với chồng trong đời sống chính trị và cộng đồng.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ, tạo mọi điều kiện nhằm thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010 trong Quyết định số 19/2002/QĐ-TTg ngày 21 tháng 01 năm 2002. Chiến lược này đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong đó có nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để tăng số phụ nữ được giới thiệu và bầu tham gia lãnh đạo các cấp, các ngành.
Như vậy, chiến lược đã cụ thể hóa rõ hơn các quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước về vai trò, vị trí của người phụ nữ trong xã hội nói chung và trong đời sống chính trị nói riêng. Địa vị của người phụ nữ, đặc biệt là địa vị chính trị trong xã hội có ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai của các thế hệ con người Việt Nam. Do đó, việc phê duyệt chiến lược của Chính phủ một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta để từng bước thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
- Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của phụ nữ Điều 28 Hiến pháp năm 2013 quy định như sau:
1. Công dân có tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.
2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nướ và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân [33].
Với quy định trên người phụ nữ được phép tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Quy định góp phần đảm bảo quyền của người phụ nữ dưới góc độ bình đẳng giới.
- Quyền tham gia các tổ chức chính trị - xã hội của phụ nữ
Ở Việt Nam, nguyên tắc bình đẳng nam nữ và không phân biệt đối xử trong việc tham gia các tổ chức chính trị - xã hội đã được quy định chi tiết và nhất quán trong Điều lệ của các tổ chức chính trị như Đoàn thanh niên, Hội Luật gia, Hội Phụ nữ... Tuy nhiên, đối với một số tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đặc thù, ngoài các quy định thông thường có thể có thêm một số điều kiện để trở thành hội viên của hội. Ví dụ, muốn trở thành hội viên Hội Luật gia Việt Nam, ngoài yếu tố là công dân Việt Nam, tự nguyện tham gia hoạt động cho Hội, còn cần có các điều kiện khác như có bằng cấp về pháp luật, đã hoặc đang làm công tác pháp luật trong các cơ quan nhà nước, đoàn thể nhân dân, tổ chức kinh tế... (Điều 3 Điều lệ Hội Luật gia).
Điều lệ của các Hội này cũng không hề chứa đựng bất cứ sự phân biệt đối xử nào giữa nam và nữ cho dù là nam hay nữ nếu đã đáp ứng các điều kiện đề ra đều được chấp nhận là thành viên của Hội. Quy định trên tạo cho người vợ được tham gia, xây dựng, đóng góp ý kiến cho hội cũng như khẳng định vị trí và vai trò của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Để đảm bảo quyền của người phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, việc quy định các biện pháp xử lý có ý nghĩa thiết thực. Theo đó, khoản 1 Điều 6
Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 06 năm 2009 quy định xử phạt hành chính về bình đẳng giới quy định:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nam hoặc nữ tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp vì định kiến giới;
b) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nam hoặc nữ nhằm cản trở việc bổ nhiệm vào cương vị quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới [11].
Đối với những hành vi đặc nghiêm trọng, Điều 130 Bộ luật hình sự quy định: "Người nào dùng vũ lực hoặc có hành vi nghiêm trọng khác cản trở phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm" [27].
* Quyền của người phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế
Bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng trong lĩnh vực kinh tế là một vấn đề cần có sự quan tâm lớn bởi các lợi ích về kinh tế cũng phần nào ảnh hưởng đến quyền và lợi ích về nhân thân của người vợ. Theo đó, Điều 12 Luật bình đẳng giới năm 2006 quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế như sau:
1. Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động.
2. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế bao gồm:
a) Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật;
b) Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật [30].
Theo quy định trên người vợ được bình đẳng, được tự quyết trong việc tham gia hoạt động về kinh tế, các giao dịch dân sự cũng như đảm bảo cho người vợ dưới góc độ quan hệ nhân thân được tiếp cận, và kiểm soát nguồn lực của mình trong gia đình, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Theo đó, biện pháp xử lý được đưa ra dưới đây góp phần đảm bảo cho quyền lợi của người phụ nữ. Điều 7 nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 06 năm 2009 quy định xử phạt hành chính về bình đẳng giới quy định:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm nam hoặc nữ thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động kinh doanh vì định kiến giới.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở nam hoặc nữ thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động kinh doanh vì định kiến giới;
b) Xúi giục người khác trì hoãn cung cấp hoặc không cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu, mẫu hồ sơ theo quy định đối với nam hoặc nữ trong việc làm thủ tục thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động kinh doanh vì định kiến giới.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Dùng vũ lực cản trở nam hoặc nữ thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động kinh doanh vì định kiến giới;
b) Sửa chữa, làm sai lệch hồ sơ nhằm cản trở nam hoặc nữ thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động kinh doanh vì định kiến giới;
c) Ép buộc người khác sửa chữa, làm sai lệch hồ sơ nhằm cản trở nam hoặc nữ thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động kinh doanh vì định kiến giới [11].
Tóm lại, các quy định về quyền được lựa chọn nghề nghiệp, học tập và tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội của người phụ nữ tạo cho người vợ vị thế bình đẳng, ngang quyền với người chồng trong đời sống gia đình và xã hội cũng như là căn cứ để đảm bảo quyền lợi của người vợ, góp phần vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ.