Sự phong phú đa dạng trong hệ thống nhân vật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn (LV00925) (Trang 38 - 59)

2.2.1. Không có nhân vật chính, có các loại nhân vật

Bước vào thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn, người đọc sẽ thấy nhà văn tạo dựng nhân vật của mình như một sợi xích. Các nhân vật cứ lần lượt hiện ra trong tác phẩm tự nhiên, kết nối với nhau rất liên hoàn và cứ từ nhân vật này lại tràn sang nhân vật khác. Có khi, đến một chặng nào đó trong tiểu thuyết, nhân vật này đã xuất hiện ở phía trước thì bỗng nhiên trong chặng này lại trở về. Nhưng, không vì thế mà người đọc thấy lúng túng trong việc lĩnh hội và cảm thụ tác phẩm bởi vì bất kỳ lúc nào, đoạn nào của tác phẩm, nhân vật vẫn lôi cuốn người đọc một cách say mê, không thể cưỡng lại được.

Xuyên suốt tiểu thuyết Biển và chim bói cá, Bùi Ngọc Tấn tạo dựng khoảng mấy chục nhân vật. Tuy nhiên trong ngần ấy nhân vật của nhà văn, không có nhân vật chính, tất cả các nhân vật đều có cùng chung một vị trí trong tiểu thuyết. Mỗi nhân vật đều là một bộ phận quan trọng của câu chuyện, nhân vật nào cũng được nhà văn quan tâm đến như nhau, được chú ý ngang nhau, bình đẳng với nhau.

Tất nhiên, trong cả tiểu thuyết gồm hơn 500 trang viết, mặc dù không có nhân vật chính, nhân vật trung tâm nhưng Bùi Ngọc Tấn lại có sự phân chia thành các loại nhân vật. Cách phân chia này rất tự nhiên, nó xuất phát từ chính thực tế trong xí nghiệp đánh cá, như chính nhà văn bộc bạch: “Là nhân vật làm thi đua trên bờ, tôi vẫn tận dụng mọi cơ hội đi biển và chăm chỉ ghi

chép” (Tuổi trẻ, 20-4-2012). Chính sự chăm chỉ ghi chép và sự trải nghiệm của nhà văn đã tạo nên trong tiểu thuyết một dàn nhân vật sống động và sinh động. Họ không có ai là người đứng đầu nhưng cũng không có ai là người đứng thứ hai. Họ được nhà văn xếp thành từng hàng và rồi tập hợp lại để làm nên diện mạo của xí nghiệp đánh cá trong những năm đầu đổi mới nói riêng và của xã hội Việt Nam đương thời nói chung.

Từ những dòng chữ đầu tiên cho đến dòng chữ cuối cùng trong tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn, người đọc sẽ nhận thấy ngay đây là tiểu thuyết không có cốt truyện, không có nhân vật chính. Cả tác phẩm là sự hội tụ chân dung của người lao động trong xã hội đương thời, họ ở những tầng bậc khác nhau trong đời sống và chia thành hai hàng rõ rệt. Một bên là những nhân vật đại diện cho người lao động trực tiếp, họ là những thuỷ thủ có vóc dáng thô tháp, có phẩm chất sống trung thực, không hoa lá, đưa đẩy, họ thẳng thắn và gần gũi, ăn sóng, nói gió, lam lũ, vất vả, nhọc nhằn, đôi khi thô tục nhưng ở họ luôn hiện hữu sự nhân hậu và tình người. Họ chính là hiện thân của những con chim bói cá trên biển Đông. Họ là những thân phận người có những phút hạnh phúc, có những lúc cay đắng.

Những nhân vật được xếp trong tiểu thuyết Biển và chim bói cá ở phía trực tiếp lao động được nhà văn vẽ lên với rất nhiều những chi tiết, tình tiết rất đời thường. Họ, dù trong guồng quay của lao động sản xuất có những vị trí khác nhau: có người là thuyền trưởng, thuyền phó, có người là thuỷ thủ trưởng, là nhân viên ở tổ bốc, hay ở tổ lưới...nhưng khi vào việc ở họ chỉ có một tinh thần, một nhiệt huyết, một quan tâm trong sản xuất nhằm đạt được thắng lợi lớn. Ở loại nhân vật này chỉ có một mục tiêu, một đích đến là kết quả đi biển trở về, sản lượng cá đánh bắt được mỗi ngày được tăng cao hơn.

Từ thuyền trưởng Lê Mây, Chơn, Bôn, Đáng... đến các thuyền viên như: Cương, Hồng, Quân, Đay, Sĩ... cho dù trong hành trình ra khơi, ở họ có

những lúc chưa vừa lòng nhau, nhưng rồi cuối cùng, phẩm chất vốn có ở người lao động đã khiến họ xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn.

Bên cạnh loại nhân vật trực tiếp đánh bắt cá, trực tiếp ra khơi, trong tiểu thuyết Biển và chim bói cá, Bùi Ngọc Tấn còn phác hoạ một loại nhân vật

“đám đông”. Tại sao lại phác hoạ? Bởi vì đám đông nhân vật này chỉ được nhà văn nhắc đến lướt qua thông qua những hành động của họ; những hành động phần nào đã tạo dựng được một góc bộ mặt đời sống xã hội Việt Nam những năm bao cấp. Khi tàu đánh cá từ biển khơi trở về, những con chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn dù là trên bờ hay ra khơi họ đều ùa ra cầu cảng như ở đó có một ma lực vô hình hút họ. Ở đây, họ được nhìn thấy những con cá, con tôm, con cua, con ghẹ mà trong thực tế mỗi bữa ăn của gia đình họ không bao giờ có. Họ ra để nhìn cho no mắt, để rồi sau đó lại trở về với những bữa cơm đạm bạc. Cuộc sống quá thiếu thốn, khó khăn, thậm chí có những lúc họ tạm quên đi nhân cách, lòng tự trọng của bản thân mình để bằng mọi giá có được con cá mang về nhà để cải thiện trong sinh hoạt.

Loại nhân vật được tác giả nhắc đến song hành với những nhân vật trực tiếp ra khơi chính là những người phụ nữ. Họ là mục đích, là nguyên nhân, hướng tới của tất cả những thuyền viên. Sau mỗi mẻ lưới, mỗi tấn cá, mỗi chuyến biển thì những người phụ nữ này như một nguồn nước mát lạnh xoa dịu đi những nhọc nhằn, nóng bức, cực nhọc trong những ngày tháng lênh đênh trên đại dương bao la chỉ có nắng cháy, gió và sóng nước, trong tâm hồn của những thuyền viên.

Trong sự phong phú, đa dạng của hệ thống nhân vật ở tiểu thuyết Biển và chim bói cá, ngòi bút của nhà văn tỏ ra rất khách quan khi đánh giá từng khía cạnh của đời sống xã hội. Tác giả muốn thu nhỏ vào trong trang viết của mình tất cả những gì cảm nhận được để người đọc hậu thế vẫn nhìn thấy được một giai đoạn lịch sử xã hội đã tồn tại một loại “ung nhọt” như thế.

Cho nên, bên cạnh loại nhân vật hướng thiện, trực tiếp lao động là sự xuất hiện của lớp nhân vật được xem là phản diện, là trái chiều với tất cả những gì tốt đẹp nhất vốn thiên định trong lương tri của mỗi con người. Họ là những kẻ cơ hội, chụp giật, bắt đầu hình thành khi vòng quay của cải cách xã hội bắt đầu những bước đi thứ nhất.

Độc giả sẽ bắt gặp hình ảnh của những kẻ bất tài, cơ hội, tham lam, xu nịnh, bất chấp cả luân thường, đạo lí thông qua những nhân vật như: Đại ca, Giám đốc Hoàng Quốc Thắng, Huy, Quán Mèo, Tín giò... Những nhân vật này sẽ góp phần làm cho hệ thống nhân vật trong Biển và chim bói cá thêm sinh động và từ đó độc giả sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về một giai đoạn xã hội Việt Nam là như vậy.

Hơn năm trăm trang viết trong cuốn tiểu thuyết, khoảng hơn hai mươi nhân vật, nhưng từ những dòng đầu tiên đến những dòng cuối cùng của Biển và chim bói cá nhân vật xuất hiện rất phong phú, đa dạng nhưng không ai được nhà văn tô đậm hơn. Mỗi nhân vật có mặt trong tiểu thuyết mang một nét tính cách điển hình cho số phận những người dân lao động trong xã hội đương thời. Họ là tấm gương phản chiếu cuộc đời, đặc diểm, bản chất, tính cách của người lao động, đặc biệt là những người lao động trên biển.

2.2.2. Hình tượng người lao động, người quản lí sản xuất 2.2.2.1. Loại nhân vật trực tiếp đánh bắt cá

Mặc dù trong tiểu thuyết Biển và chim bói cá không có nhân vật chính, chỉ có loại nhân vật trực tiếp lao động hoặc gián tiếp lao động trên các phòng ban của xí nghiệp; chỉ có những nhân vật quản lí những con chim bói cá khi họ ra khơi và điều hành trực tiếp khi họ về bờ. Không có nhân vật trung tâm.

Nhưng, có thể thấy, Bùi Ngọc Tấn đã rất ưu ái, sự ưu ái kín đáo trong mỗi trang văn của mình khi để các thuyền trưởng, thuyền viên xuất hiện. Nhà văn nói nhiều về họ. Có vẻ như tác giả đã quá hiểu họ, cho nên sự hiện diện của

họ trong tiểu thuyết là từ đầu cho đến hết tác phẩm, họ luôn có mặt để gián tiếp nói hộ cảm xúc, suy nghĩ về thời cuộc của nhà văn.

Thứ nhất, là hình ảnh của những thuyền trưởng, thuyền viên, họ đi vào trang viết của Bùi Ngọc Tấn rất tự nhiên, từ tính cách đến tác phong trong công việc khoẻ khoắn, ồn ào, thẳng thắn. Tính cách của những người lao động trên biển cả. Cách cập cầu của thuyền trưởng Chơn được khắc hoạ, miêu tả khá chi tiết, nhà văn như đứng bên ngoài để quan sát, ngắm và thuật lại một cách hóm hỉnh cho độc giả thấy được một trong những việc không thể thiếu của mỗi chuyến biển là cách cập bến. Cách đưa tàu trở về của Chơn rất ồn ào, náo nhiệt, nó như một cơn gió lớn thổi vào bờ, xua đi sự lặng lẽ, u tịch của khối cơ quan trong xí nghiệp:“... Bao giờ Chơn cũng vang những mệnh lệnh cập cầu qua micơrô, náo động cầu cảng, náo động cả một khúc sông và những xí nghiệp bạn liền bên:

- Lên nữa! Lên nữa!

- Quay lái ra để tàu lai kèm đổi mạn!

- Quăng dây! Quăng dây!

- Tàu lai! Tàu lai! Đề nghị tàu lai áp mạn! Đề nghị tàu lai áp mạn!

... Những mệnh lệnh mỗi lúc một gắt gỏng, cau có:

- Vứt dây!

- Buộc lên bích trên! Buộc lên bích trên!

- Đứng ra! Gãy chân bây giờ!...” [38, tr.7].

Người đọc không thấy sự mệt mỏi của cả con tàu sau một thời gian dài lênh đênh trên biển lớn bởi cách cập cầu của Chơn đã xoá đi tất cả. Sự ồn ào đó phần nào đã chứng minh rằng những thuyền viên khi đối mặt với công việc, cho dù có khó khăn, thiếu thốn mọi bề, thậm chí là cả hiểm nguy nhưng họ vẫn luôn lạc quan. Đằng sau những mệnh lệnh, những gắt gỏng càu nhàu khi cặp bến của thuyền trưởng Chơn sẽ là “một giọng đơn ca nữ trong trẻo vút

cao trên nền đệm của dàn nhạc dây: Đi mô cũng nhớ về Hà Tịnh. Nhớ núi Hồng Lịnh, nhớ dòng sông La nhớ biển rộng quê ta ớ ơ...” [38, tr.7]. Giọng hát trong trẻo đó đã làm biến mất mọi nhọc nhằn.

Bùi Ngọc Tấn, sau một thời gian dài ông tạm thời dừng bút viết bởi những lí do không may mắn đã từng là nhân viên của một Quốc doanh đánh cá Hạ Long. Cho nên, thực tế những năm tháng làm việc ở nơi đây đã cho ông thấy rất rõ quá trình lao động sản xuất của một bộ phận công nhân thuộc lĩnh vực khai thác, đánh bắt thuỷ sản. Nhìn chung phương tiện, công cụ sản xuất của họ còn thô sơ, mới bắt đầu có dấu hiệu của quy trình đánh bắt mang tính hiện đại.

Những người lao động trên biển có mặt trong tiểu thuyết khá dày và được nhà văn miêu tả rất chi tiết, từ tính tình đến nếp sinh hoạt và quá trình lao động của họ khi ra khơi. Thời gian của mỗi chuyến biển là rất dài, họ phải khai thác cá tôm xa bờ, ra đến tận Vịnh Bắc Bộ, thậm chí những lúc thời tiết không thuận, họ phải tránh bão sang tận vùng biển của nước bạn như:

Sinhgapo, Thái Lan... Mỗi chuyến biển, những thuyền viên phải xa gia đình, người thân, xa âm thanh của cuộc sống ồn ào, náo nhiệt trên đất liền từ hai mươi ngày đến một tháng, có những lúc phải lâu hơn. Họ phải chuẩn bị cho mình tâm lí, chuẩn bị cho những ham muốn rất đời thường tạm thời dằn lòng mình lại, tất cả dành cho sản xuất.

Thuyền trưởng Đáng, quê ở Bắc Giang, mỗi lần ra khơi, từ biệt gia đình, Đáng phải đi bộ ra ga, rồi lên tàu, rồi đi xích lô mới đến được xí nghiệp để rồi xuống con tàu thân quen để ra khơi. Hành trình đi biển của những thuỷ thủ đã vất vả ngay khi họ còn đang ở trên bờ.

Vì đánh bắt xa bờ, nên họ phải chuẩn bị rất cẩn thận, chu đáo, chi tiết cho mỗi chuyến biển. Bùi Ngọc Tấn đã có lúc cũng đi biển, nên nhà văn đã miêu tả sinh động như trình chiếu một bộ phim ngắn ngồn ngộn chi tiết về nghề đi biển và công việc của những người đi biển là như thế nào.

Nếp sinh hoạt hàng ngày của họ khi ra đại dương bao la cũng là một sự thiệt thòi lớn rồi “phòng ăn cũng là bếp. Chật chội, trần thấp” [38, tr.21].

“phòng thuyền trưởng rộng nhất, tuy vậy cũng vẫn là rất hẹp. Một chiếc giường ghép vào vách ca bin, cao lưng lửng, thành giường nhô cao để khi ngủ, khi nằm, sóng xô có bị lăn cũng không rơi xuống sàn” [38, tr.21]. Để lo cho bữa ăn của mỗi thuyền viên trong những chuyến đi biển dài ngày, người cấp dưỡng trên tàu phải là chỗ dựa vững chãi, đảm bảo sức khoẻ tốt cho cả tàu.

“Xe xích lô chở rau tới. Rau được đưa xuống hầm đá. Thịt cũng được đưa xuống đó... Hầm sâu và rộng... Bác Nhớn cấp dưỡng khệ nệ xách xuống tàu một can chíu tương, một bọc chanh ớt, tỏi to đùng...” [38, tr.37].

Đấy, lương thực, thực phẩm của những “con chim bói cá” khi ra ngư trường là vậy, tất cả sẽ không còn tươi, còn nguyên chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, có những chuyến biển, cả tàu phải lâm vào tình cảnh dở khóc, dở cười vì thực phẩm mang theo, bác cấp dưỡng đã tính toán chi li, chính xác ngày giờ tàu ra khơi và ngày giờ tàu cập cảng để chuẩn bị chu đáo, đầy đủ lượng lương thực mang theo. Nhưng vì rất nhiều lí do: “Kế hoạch chỉ chuyển tải một chuyến, nghĩa là hai tháng, mà ba tháng cũng chưa được về. Còn phải ở lại ngư trường, còn phải bám biển để góp phần hoàn thành kế hoạch năm. Về là mất hơn trăm tấn cá ngay. Dù máy có chạy quá thời hạn cả trăm giờ. Dù rau tươi hết từ đời nảo đời nào. Dù có người lở loét hết cả hàm ếch...” [38, tr.85].

Những người trực tiếp ra khơi, trực tiếp sản xuất trên biển đã được Bùi Ngọc Tấn vẽ lại cho độc giả rất chi tiết cận cảnh như những trang tiểu thuyết đậm chất phóng sự. Tất cả rất thật, vì chính nhà văn cũng có lúc được cùng các anh em thuyền viên ra khơi, cho nên ông rất hiểu họ. Ngoài sinh hoạt thiếu thốn, vất vả, chật hẹp vì nắng, gió, bão, nhà văn còn cho ta thấy được ngày ấy - những năm đầu của đổi mới - những người lao động trên biển đã làm việc với những phương tiện sản xuất như thế nào.

Một trong những ngành kinh tế trọng điểm để vực kinh tế của nước nhà đi lên đã được Đảng và Nhà nước xác định: đó là kinh tế biển. Cho dù đất nước vừa trải qua chiến tranh khốc liệt chưa được bao lâu, còn nhiều những bộn bề khó khăn trên nhiều lĩnh vực chính trị - văn hoá - xã hội - giáo dục...

Nhưng phát triển kinh tế biển vẫn được ưu ái hơn cả, cho dù so với bạn bè quốc tế, chúng ta còn thua kém rất nhiều.

Để có mỗi chuyến biển ra ngư trường đạt được kết quả cao trong sản lượng đánh bắt, tất cả các tàu cá phải có thời gian nhất định để bảo dưỡng, để chuẩn bị. Thậm chí trước giờ khởi hành, tất cả máy móc trên tàu đều được để ý, quan tâm, sửa chữa, mặc dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu. Họ vẫn lạc quan làm việc trong hóm hỉnh, trong bông đùa: “Chú Hồng, chú Sơn, cả hai chú đều còn rất trẻ và đều là thuỷ thủ đang vục những bàn tay đã bọc trong túi ni lông, vào trong thùng mỡ vuốt vào những sợi cáp ở boong lái. Trông thấy tôi, các chú bảo:

- Nghịch đây. Hết việc rồi nghịch đây. Có nghịch với chúng tao không thằng cu?” [38, tr.37]. Và “suốt cả ngày hôm ấy mấy chú thợ trên bờ vẫn còn sửa tời. Vặn ra. Lắp vào. Thử. Cái tời chuyển động như sấm ầm” [38, tr.36].

Công việc đánh bắt cá xa bờ, không gian rộng, thời gian dài, những người công nhân trên tàu phải đối mặt với vô vàn nguy hiểm từ phía thiên nhiên, lại phải hoàn thành định mức sản phẩm do xí nghiệp giao. Cho nên, những con tàu khi chính thức ra khơi phải đảm bảo được tất cả: từ độ an toàn đến kỹ thuật chuẩn xác để công việc khai thác biển được thành công. Từ những trục cáp, trục tời phải đủ số dầu mỡ theo quy định đến số lượng dầu tích trữ trên tàu cũng phải đủ với hành trình dài chạy trên biển, số lượng đá mang theo cũng phải tương ứng với số tấn cá đánh bắt được để đảm bảo chất lượng. Tất cả đều nằm trong một quy trình hiện đại: “Những thoi nước đá nặng trôi trên băng chuyền cao chạy từ nhà máy lạnh, trồi sụt nghiêng bên này, lắc bên kia, lao vào mô tơ...” [38, tr.36].

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn (LV00925) (Trang 38 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)