Nghệ thuật xây dựng nhân vật của tiểu thuyết

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn (LV00925) (Trang 59 - 67)

Đồng hành trực tiếp cùng nhà văn trong Biển và chim bói cá từ trang đầu cho đến khi kết thúc phần một có hai cái nhìn của người kể chuyện. Cái nhìn của cậu bé và cái nhìn của người kể chuyện ngôi thứ ba. Đây là hai điểm nhìn tự sự chủ yếu trong tác phẩm.

Vấn đề người kể chuyện là một trong những vấn đề trung tâm của thi pháp văn xuôi hiện đại.Một nhà văn Pháp hiện đại thuộc trường phái tiểu

thuyết mới đã có quan niệm về người kể chuyện trong văn xuôi nói chung và tiểu thuyết nói riêng rất đặc sắc: “Tiểu thuyết là một hình thức kể chuyện đặc biệt vượt qua giới hạn văn chương, đó là một trong những phương thức hết sức quan trọng giúp con người nắm bắt thực tại. Vất vả lắm con người chúng ta mới hiểu được lời nói của con người và cho đến lúc trước khi chết, chúng ta vẫn thường xuyên dính líu đến sự kể chuyện. Thoạt đầu ở gia đình, ở nhà trường và về sau thông qua sự trò chuyện với người khác và thông qua việc kể của mình... cái được kể liên quan đến cả những con người, những sự việc, những đồ vật hoặc nơi chốn mà bản thân chúng ta chưa bao giờ biết đến, nhưng có một ai đó đã mô tả cho chúng ta nghe... sự kể chuyện liên tục, chúng ta bị chìm vào không khí của nó. Có những hình thức hết sức nhiều dạng, bắt đầu từ những truyền thống gia đình, từ những cuộc đàm thoại... tiểu thuyết là những phòng thực nghiệm kể chuyện. Các hình thức kể chuyện khác nhau cũng tương ứng với các hình thức khác nhau của thực tại” [36, tr.379].

Tuy nhiên, quan điểm về người kể chuyện đã được các nhà nghiên cứu lí luận như Iu.Lotman, Iz.Todozov... đề cập đến. Todozov tuyên bố “Người kể chuyện là yếu tố tích cực trong việc kiến tạo thế giới tưởng tượng... không thể có trần thuật thiếu người kể chuyện. Người kể chuyện không nói như các nhân vật tham thoại khác mà kể chuyện. Như vậy kết hợp trong mình cả nhân vật và người kể, nhân vật mà nhân danh nó cuốn sách được kể có vị trí hoàn toàn đặc biệt” [36, tr.117].

Trong Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn, nhà văn đã chọn hai điểm nhìn kể chuyện, điều này không có trong Đứng trước biển của Nguyễn Mạnh Tuấn. Phải chăng dụng ý của nhà văn khi chọn hai điểm nhìn như vậy là muốn bộc bạch một quan điểm của ông trong sáng tác và trong cuộc sống.Có lẽ, tác giả muốn khẳng định chúng ta không nên lí tưởng hóa con người. Vì trong thực tế không có ai là hoàn hảo. Nhân vật Ba Đức, Út Cần...

trong Đứng trước biển của Nguyễn Mạnh Tuấn là những nhân vật quá hoàn hảo. Từ đầu cho đến khi kết thúc truyện ngắn này, họ luôn là nhân vật lí tưởng trong mọi lĩnh vực. Họ gần giống với nhân vật trong các tác phẩm tự sự dân gian.

Nhưng đến Bùi Ngọc Tấn, nhà văn đã có sự lựa chọn khác, chọn hai điểm nhìn của người kể chuyện, tác giả muốn khẳng định thái độ khách quan của chính mình. Mặc dù mỗi một tác phẩm văn chương đều là đứa con tinh thần do nhà văn tạo ra và luôn chứa đựng thái độ, quan điểm, lập trường, tư tưởng của chính tác giả trước cuộc sống. Người kể chuyện là người phát ngôn cho ý đồ nghệ thuật của tác giả, là người chứng kiến, cắt nghĩa sự việc xảy ra và nhà văn giống như người chép hộ lời lẽ của người kể chuyện do chính mình tạo ra. Bởi vậy, không nên đồng nhất giữa tác giả và người kể chuyện:

“Khi đó, tác giả đã hoá thân vào hình tượng tác giả trong tác phẩm, xuất hiện như cái tôi thứ hai trung tâm giá trị trong tác phẩm” [36, tr.187].

Nhân vật người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, người kể chuyện lộ diện trong Biển và chim bói cá là Phong. Cậu bé có vai trò dẫn chuyện và mạch chảy của tác phẩm rất liên hoàn vì Phong là người trong cuộc. Tác giả tỏ ra rất công bằng và khách quan khi không trực tiếp lộ diện và bình luận. Tự cậu bé bằng cái nhìn thơ ngây, hồn nhiên, trong sáng, trung thực đã tái hiện lại rất chi tiết, tỉ mỉ hành trình từ lúc chuẩn bị ra khơi cho đến lúc cập cảng của các thuyền viên. Đi theo cái nhìn và lời kể của cậu bé, độc giả đã thấy dược cuộc sống lao động trên sông nước là thế nào: nguy hiểm có, vui có, buồn có, bất ngờ và thất vọng có, đau đớn, hụt hẫng có. Phong từ chỗ tự hào về cha mình, về các bác thuỷ thủ trên tàu đã dẫn đến sự hụt hẫng, thất vọng rất nhiều vì họ không lí tưởng như cậu bé đã nghĩ. Những người mà Phong ngưỡng mộ và thần tượng đã không tránh khỏi những cám dỗ thường nhật trong cuộc sống.

Họ không phải là những người tốt hoàn hảo, mà ở trong họ cũng vẫn ẩn chứa những thói xấu, khiếm khuyết.

Tạo dựng điểm nhìn từ ngôi thứ nhất là nhân vật cậu bé, nhà văn đã tạo cho tiểu thuyết vẻ sinh động và thực tế cuộc sống xã hội đi vào từng trang viết với chi tiết, chính xác và khách quan hơn. Tuy nhiên, điểm nhìn của người kể chuyện ở vị trí này đã dừng lại ở cuối phần thứ nhất của tiểu thuyết.

Xuyên suốt tiểu thuyết Biển và chim bói cá là lời kể của người kể chuyện ở ngôi thứ ba. Có thể xem ở vị trí này, người kể chuyện hàm ẩn, đứng ở bên ngoài quan sát, lùi xa và có khoảng cách với nhân vật để dõi theo toàn bộ mọi diễn biến của tác phẩm. Vì điểm nhìn nghệ thuật của người kể chuyện ở ngôi thứ ba mang tính khách quan, nhìn từ bên ngoài nên có được sự bao quát.

Đọc tiểu thuyết Biển và chim bói cá, người đọc sẽ thấy cả Quốc doanh đánh cá Biển Đông như hiện lên trên từng trang giấy từ tính cách của các thuyền viên đến quá trình đánh bắt, thả lưới,... thậm chí cả những khát vọng và mong muốn thầm kín cũng được kể lại rất chi tiết và hóm hỉnh. Người đọc vừa bước vào tiểu thuyết đã gặp ngay một cách cập cảng đặc biệt của một thuyền trưởng có tên là Chơn. Và cứ thế, những chi tiết hóm hỉnh cứ lần lượt hiện ra và hút người đọc mải miết đi theo tác phẩm cho đến những dòng chữ cuối cùng. Người công nhân trực tiếp sản xuất dù bên cạnh lòng nhiệt huyết, say mê, yêu biển còn có những hạn chế: bán dầu, bán cá, bán đá của nhà nước, còn không chung thuỷ, quan hệ bừa bãi. Nhưng, tất cả đã được miêu tả và kể lại bằng một giọng kể tọc mạch, tỏ tường nhưng khoan dung, qua đó hình ảnh những thủy thủ trở nên lại rất đáng yêu. Cách kể này đã tạo cho không khí trong tác phẩm trở nên nhẹ nhàng, không căng thẳng, nó hoàn toàn đối lập với thực tế nghiệt ngã trong môi trường lao động đầu sóng, ngọn gió của những người bám biển để sản xuất.

2.3.2. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình, nội tâm nhân vật

Bùi Ngọc Tấn vốn là một nhà báo trước khi là một nhà văn, cho nên khi sáng tác văn chương chất của một phóng viên có cái nhìn sắc sảo, chi tiết,

tỉ mỉ đã thấm vào từng trang tiểu thuyết, truyện ngắn của ông.Trước khi Biển và chim bói cá ra đời, nhà văn cũng lại đã từng là một trong những thành viên quan trọng trong Quốc doanh đánh cá Hạ Long hơn 10 năm, vì thế, ông rất gắn bó và hiểu những thuyền viên từ con người đến tính cách của họ.

Trước tiên, họ là những người lao động trên biển, hàng ngày luôn phải đối mặt với những hiểm nguy tiềm ẩn sâu trong lòng đại dương, thậm chí họ có thể mất đi cả tính mạng của mình nếu rủi ro. Trong môi trường lao động như thế, những con chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn đòi hỏi phải có lòng dũng cảm, sự kiên trì và sức khoẻ. Công việc chính của họ là khai thác cá tôm với một trọng lượng lớn mỗi khi thả lưới bắt cá.Đặc thù trong quá trình sản xuất của những thuyền viên chủ yếu là dùng sức lao động cơ bắp. Họ có một sức khoẻ rất dẻo dai, không nề hà thời gian, thời tiết, cứ lúc nào được lưới là họ kéo. Những thuyền viên này là những người lao động rất thông minh, dũng cảm và sáng tạo. Họ lao động trên biển, mỗi giờ, mỗi phút phải đối mặt với khó khăn, nguy hiểm trong khi điều kiện về vật chất để khai thác chưa hiện đại.Công việc đòi hỏi những thuyền trưởng, thuyền viên phải có lòng say nghề, có sức khoẻ, có trách nhiệm để đạt được hiệu quả khai thác cao.

Vì Bùi Ngọc Tấn cũng đã từng xuống tàu theo các thuyền viên đi khai thác cho nên nhà văn rất hiểu họ. Ngoài việc lao động cơ bắp, cần sức khoẻ dẻo dai, ngoài những nét rất đáng yêu ở những thuyền viên này, thì họ cũng còn có những nhược điểm trong cuộc sống sinh hoạt và lao động hàng ngày.

Nhà văn đã hiểu họ - những người lao động trên biển thường có những thói tật trong đời sống sinh lí. Vì phải mất một thời gian dài lênh đênh trên biển cả bao la, xa gia đình, người thân, nhiều thuyền viên đã không giữ được mình, coi những cô gái điếm ở các quán ba như một phương tiện để giải khuây:

“Cho nên chỉ có những lúc đến với các em là quên hết tất cả. Mọi sự. Quên chuyện yêu đương - Quên chuyện làm nhà. Quên cả chuyện làm việc dưới tàu vất vả như một con chó.

Mình vẫn không quên được cô nàng. Trong khi ôm các ả cave mình cứ phải tưởng tượng đấy là Liên” [38, tr.223].

Tất nhiên, Bùi Ngọc Tấn không chì chiết họ, những trang viết của ông chứa chan sự thấu hiểu, bởi nhà văn biết cuộc sống lênh đênh trên biển, luôn phải đối mặt với đầu sóng ngọn gió, xa những người thân nên những thèm khát, mong ước thầm kín đầy bản năng, dục vọng của họ là điều khó tránh.

Trong đời sống tình cảm của họ, Bùi Ngọc Tấn tỏ ra rất tinh tế khi quan sát, miêu tả. Nếu phải đối mặt với sóng to, gió lớn, họ là những con người mạnh mẽ, ăn sóng nói gió, ăn to, nói lớn. Nhưng trong đời sống tình cảm, họ lại rất rụt rè, có phần như nhút nhát. Đời sống tình dục được Bùi Ngọc Tấn miêu tả trong tiểu thuyết rất tinh tế, thoáng nhẹ, chỉ nhằm mục đích gợi tả những nét ngoại hình hay thể hiện ước muốn thầm kín của nhân vật.

Nhân vật Hoà trong Biển và chim bói cá được miêu tả là một cô gái mới lớn, nhưng vẻ đẹp của cô đã được tả lại qua cái liếc nhìn của Chơn: “Dù chỉ là một cái liếc rất nhanh thôi, anh cũng thấy một thân thể trắng ngần thon nhỏ nõn nà và hẳn là rất thơm tho vừa là đứa trẻ, vừa là người lớn đang khom người lấy tay che chỗ kín, hai bên ngực phồng lên như hai bánh dày nằng nặng hơi trĩu xuống. Chỉ thoáng nhìn thôi cũng biết rằng mỗi tế bào trong người cô đang bừng nở để trở thành thiếu nữ” [38, tr.17].

Hoặc là nhân vật Huyền, người con gái Chơn đã yêu, đã xác định nghiêm túc mối quan hệ này và mong muốn thực lòng sẽ dẫn đến hôn nhân nhưng rồi duyên không thành, họ xa nhau. Tình cờ Chơn gặp lại Huyền khi cô đã có chồng con. Trong con mắt của Chơn lần gặp này, Huyền đã khác xưa rất nhiều, anh chỉ nhìn thấy bây giờ là vẻ đẹp của một người phụ nữ với sự căng tròn, viên mãn, trưởng thành: “... mịn màng căng mọng, cũng lớp lông đen dày căng mịn sóng nhau như ép vào da thịt phân thành ba nhánh, một nhánh thẳng lên bụng và hai nhánh xoè ra hai bên làm thành một hình chữ thập” [38, tr.19].

Có thể nói, việc miêu tả vẻ đẹp ngoại hình con người và khát vọng thầm kín của những thuyền viên đã được tác giả đặc tả khá tinh tế. Độc giả sẽ thấy rõ ràng nhà văn thấu đáo, am tường về họ. Những ham muốn sinh lý tình dục thầm kín của những thuyền viên được Bùi Ngọc Tấn đưa vào trang viết với một thái độ đầy sự cảm thông và sẻ chia.

Thuyền trưởng Bôn chỉ khao khát, mau chóng sớm nhanh kết thúc chuyến biển để trở về bên người vợ của mình. Chỉ nghĩ đến vợ là anh đã nghe thấy tiếng chị thở hổn hển, dồn dập bên tai. Nhưng ý định của Bôn đã không thành, khi vừa cập bến, tuy anh bỏ lại tất cả, mau mải về bên chị nhưng niềm khao khát gần vợ của anh đã bị Thông - một cây bút, một người bạn của Bôn phá hỏng. Mong muốn được gần vợ của anh đã không thành: “Buồn nản cùng cực, nguyền rủa cuộc gặp mặt, nguyền rủa Thông, Bôn nhìn vợ với hai con mắt chứa chan tình yêu ham muốn lẫn tràn đầy thất vọng” [38, tr.99].

Để có những trang văn viết rất thực về đời sống tâm lí của những anh em thuyền viên, Bùi Ngọc Tấn đã phải trải qua một thời gian khá dài nhập cuộc quan sát, chiêm nghiệm, cảm nhận. Mười năm trời gắn bó với những người trực tiếp lao động trên biển, nhà văn chân tình chia sẻ và cảm thông với những thiệt thòi trong cuộc sống mà họ phải gánh chịu. Nên trong Biển và chim bói cá, khi viết về những ham muốn sinh lí của các thuyền viên, nhà văn không đặt nặng vấn đề nhục cảm, mà cái nhìn của ông còn có cả chiều sâu nhân văn. Bùi Ngọc Tấn rất hiểu nỗi khát khao chung của anh em thuyền viên.

Nhớ vợ. Thèm vợ. Mỗi người tìm một cách quên: “Người xoay ra ghi nhật ký, người vùi đầu vào bài bạc cho quên đi, người công khai nói ra điều thầm kín ấy. Có anh còn diễn đạt điều ấy rất tục tĩu: lấy một con cá mối màu đất bãi cắm vào bụng con cá ó mịn màng, trắng nõn treo trên nắp hầm bảo quản... Để chị em bốc cá xuống hầm biết chúng ta nhịn thèm nhịn nhạt khổ sở thế nào”

[38, tr.85].

Bùi Ngọc Tấn đã khéo léo tinh lọc những biểu hiện của yếu tố tình dục để đi vào tâm hồn con người. Tính dục và tình dục trong đời sống nội tâm nhân vật là khía cạnh thầm kín của con người, nơi đó thể hiện cả những khát khao bản năng, những tội lỗi và cả cô đơn, đau khổ, niềm vui sướng tràn trề

Một khía cạnh nữa rất đặc trưng trong đời sống tâm hồn của những người đi biển mà Bùi Ngọc Tấn phát hiện được là đời sống tâm linh trong nhận thức của họ. Vì công việc của những người trực tiếp lao động trên biển luôn phải đối mặt với những hiểm nguy, những rủi ro có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nên những thuỷ thủ tỏ ra rất thận trọng trước khi vươn khơi, họ đã có sự lựa chọn rất kỹ ngày, giờ tàu rời bến. Cho nên khi Hoà bạn gái của thuyền trưởng Chơn muốn xuống tàu trước giờ rời bến, đồng nghiệp của Chơn đã không đồng ý: “Để khi khác thuyền trưởng ạ, tàu sắp tách bến không cho phụ nữ xuống tàu đâu. Tôi là cứ nói thật” [38, tr.284].

Những thuỷ thủ quan niệm rằng sự xuất hiện của phụ nữ trên tàu trước khi tàu tách bến thường không đem lại sự may mắn. Cho nên, họ đã kiên quyết bằng mọi giá phải tránh được điều đó: “Từ nay trước khi tách bến không ai được đưa phụ nữ xuống tàu. Nếu người ta xuống phải tìm mọi cách cản lại. Người quen của ai người ấy chịu trách nhiệm. Tôi biết các bố duy vật, không tin nhưng rồi các bố phải tin. Đấy rồi xem” [38, tr.285].

Bùi Ngọc Tấn đã phát hiện ra sự phong phú trong tâm hồn của những người đi biển là như thế đấy. Họ có những vất vả, nhọc nhằn, có nhưng tật xấu như: uống rượu, lấy trộm cá, dầu, đá của Nhà nước, rồi có khi còn lén lút phản bội lại vợ. Nhưng nhà văn vẫn dành cho họ nhiều thể tất ưu ái hơn vì suy cho cùng nghề của họ là nghề nguy hiểm vất vả, chỉ một cơn thịnh nộ của tự nhiên là có thể mất một đời người. Họ, trong con mắt của Bùi Ngọc Tấn đáng yêu, xót thương hơn đáng trách.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn (LV00925) (Trang 59 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)