Ngôn ngữ nghệ thuật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn (LV00925) (Trang 86 - 91)

3.3.1. Ngôn ngữ đặc thù của nghề đi biển

Ở mỗi vùng quê trên suốt chiều dài của dải đất Việt Nam với bao nhiêu thành phố, tỉnh, huyện, thị xã... đều mang trong mình một nét gì đó rất riêng mang đặc trưng của miền quê mình. Tương tự như vậy, trong bao nhiêu ngành nghề của quá trình xây dựng, phát triển đất nước trong các lĩnh vực kinh tế thì, mỗi ngành kinh tế lại có những đặc điểm riêng. Trong số những đặc điểm riêng đó chính là ngôn ngữ ngành.

Như lời Bùi Ngọc Tấn trả lời phỏng vấn nhà báo Phong Hằng trong Báo Tuổi trẻ ngày 20-4-2012: “Tôi đã làm nhân viên ở xí nghiệp đánh cá quốc doanh 20 năm...”. Chính khoảng thời gian này đã giúp cho nhà văn có sự gắn bó sâu sắc với những người làm nghề đi biển, nên ông rất hiểu họ, hiểu từ suy nghĩ cho đến những lời ăn, tiếng nói.

Biển và ngôn ngữ, văn hoá của những người đi biển đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền văn hoá, xã hội Việt Nam. Điều này đã được Bùi Ngọc Tấn đưa vào những trang viết của mình bằng một cái nhìn rất thực tế và khách quan.

Ngôn ngữ chủ yếu xuyên suốt trong tiểu thuyết Biển và chim bói cá là ngôn ngữ đặc thù của người đi biển. Đó là loại ngôn ngữ tếu táo, suồng sã, tự nhiên có phần bỗ bã, điều này phản ánh đúng bản chất của người dân biển.

Trong cuộc sống sinh hoạt và lao động hàng ngày, để xua tan đi những mệt nhọc, những người đi biển có những ngôn ngữ được sử dụng theo lối nói ví von. Cách nói này thể hiện trong câu chuyện bố Tích kể cho đồng nghiệp của mình nghe về thời trai trẻ, về những chuyện tình của bố Tích bằng những lời

lẽ thật là tếu, hài và cũng rất thật. Bởi vì, những đề tài tế nhị rất hay được đề cập đều trong khi trò chuyện, trong những cuộc đối thoại của anh em thuyền viên trên tàu: “Này con mực tươi của cô ấy khoảng mấy lạng”; “Cô này bố đã làm ăn gì đâu mà biết mấy” [38, tr.131].

Hoặc, trên tàu, có những thuyền viên bởi với họ chỉ có trên là trời xanh, dưới là sông nước mênh mông nên trong quá trình giao tiếp họ đã có những cách nói rất tục tĩu, rất bậy, thậm chí có cả những câu chửi thề. Thuyền trưởng Bôn sau một tháng lênh đênh trên biển, khát khao ngày về được gặp vợ. Nhưng, vừa vội vàng về đến nhà lại gặp ngay người bạn thân là một nhà thơ, nhà báo, thế là mọi kế hoạch, mọi dự định của anh đều đã sụp đổ. Trong khi người bạn vô ý cứ thao thao bất tuyệt bàn về những vấn đề văn chương thì trong đầu Bôn, sự bực bội, bức xúc đã bật lên thành câu chửi: “... nhưng trong đầu anh đã bật ra một câu chửi, thơ với phú, cút mẹ mày đi ông bạn giời đánh ạ” [38, tr.107]. Những thuỷ thủ, sau nhiều ngày tháng lênh đênh trên biển, có những người đã không giữ được bản năng ham muốn nhục dục, tìm đến với những cô gái làng chơi. Ngôn ngữ của họ vừa tục, vừa bụi, có nét gì đó rất thô thiển, giang hồ: “Con bé của mình trông bình thường nhưng nội thất rất được”

[38, tr.220]; hay để bày tỏ thái độ, quan hệ trong lao động, những thuyền viên thường nói với nhau những từ ngữ rất suồng sã. Trong lời trách yêu bạn, Quân đã mắng Mây bằng một câu nói rất tục nhưng ẩn chứa đằng sau đó lại là tình cảm chân thành anh hiểu và dành cho bạn: “... Lại còn đội nghênh ngang giữa đường nữa chứ. Chỉ có bố là dám chơi cái văn buồi dái ấy thôi. Rồi làm ra bộ nghiêm nghị nói với giọng khiển trách...

- Đồng hương buồi dái quá đấy đồng hương ạ” [38, tr.176-177].

Đã từng có nhận xét cho rằng Bùi Ngọc Tấn là người rất khiêm nhường, kiệm lời nhưng đôi lúc ông hay vui tếu. Ông vốn là người giản dị, cởi mở nhưng cũng rất hay đùa. Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, đằng sau nụ cười của

Bùi Ngọc Tấn luôn ẩn chứa nỗi niềm tâm sự về thời cuộc. Hiện thực xã hội đương thời với sự tồn tại của thói quan liêu, tham ô, xu nịnh... như những ung nhọt âm ỉ sống trong lòng xã hội. Để bày tỏ thái độ phản kháng, nhà văn đã để cho nhân vật mình tự do phát ngôn, cho dù đó là thứ ngôn ngữ thô tục, thứ ngôn ngữ lẽ ra không được phát ra từ miệng của một người có học vấn, có trình độ và ít nhiều vị trí xã hội. Nhân vật Điều - Chánh văn phòng của Quốc doanh đánh cá Biển Đông đã tỏ ra bức xúc trước thói hách dịch, cửa quyền đạo đức giả của Giám đốc Hoàng Quốc Thắng: “Chờ Tổng Giám đốc đi ra, Điều bảo Toán:

- ... Nhà khách có phải của liên hiệp đếch đâu. Của xí nghiệp thành viên.

Đ.mẹ chúng nó nuôi nhà khách tốt thế thì làm sao đuổi được chúng nó đi.

Rồi làu bàu:

- Nói như ho vào L... ấy mà cũng nói. Làm lãnh đạo, không có đặc quyền đặc lợi làm làm cái đếch gì...” [38, tr.355].

Bên cạnh sự hiểu thấu lời ăn, tiếng nói của những thuyền viên, bên cạnh cách nói tục tĩu của họ, vì tác giả hiểu rõ rằng những người đi biển họ không có chỗ bấu víu nên ngôn ngữ của họ tự nhiên, có phần hơi quá cũng là để xoa dịu đi những mệt mỏi, bức xúc trong cuộc sống lao động hàng ngày.

Thì, Bùi Ngọc Tấn còn rất am hiểu những ngôn ngữ mang tính chuyên môn trong ngành nghề của họ, đó là những từ ngữ chuyên ngành. Khoảng thời gian công tác tại Quốc doanh đánh cá Hạ Long, Bùi Ngọc Tấn cũng không khác gì một thuyền viên. Ông hiểu họ rất chi tiết, tỉ mỉ. Qua những trang viết của tiểu thuyết Biển và chim bói cá, người đọc sẽ thấy hiện ra hàng loạt những thuật ngữ riêng của người đi biển về những kỹ thuật và đánh bắt thuỷ hải sản: đánh giậm, đánh thuê, đánh mẻ lưới hừng đông... Rồi đến những hình ảnh được sử dụng có liên quan đến phương tiện nghề nghiệp: con tàu đánh cá đông lạnh, tiếng máy tàu nổ, đêm nằm mơ lưới chài, thuyền đánh tôm, con tàu rẽ sóng,

sóng đập vào mạn tàu dào dạt, triều lên, mẻ lưới, cá di chuyển theo đàn, cái đụt cá, dây móc cẩu, biển tròn mờ nhạt, một vệt sóng vàng; hoặc ngôn ngữ mang đậm sắc màu nghề nghiệp: xác định vị trí tàu, mục tiêu nằm ngoài hải đồ, phương vị vô tuyến, độ chênh lệch giữa đường cong tà hành, đường cong vòng lớn, phán đoán luồng cá, cách tính độ dạt...

Có thể nói, tiểu thuyết Biển và chim bói cá đã mang đến cho người đọc thấy được một thế giới ngôn ngữ rất phong phú trong cuộc sống và lao động của những người làm nghề đi biển. Để có được một hệ thống ngôn ngữ sống động và mang đặc thù riêng của ngành nghề như vậy, chứng tỏ tác giả phải là người không những có sự gắn bó mà còn rất yêu biển, yêu những người ngày đêm phải đối mặt với thuỷ thần để có những trang văn thành công đến vậy.

3.3.2. Ngôn ngữ ký ức

Bên cạnh loại ngôn ngữ thô tục, ví von và chuyên ngành của nghề đi biển thì trong tiểu thuyết Biển và chim bói cá còn xuất hiện một dạng ngôn ngữ nữa, đó là ngôn ngữ ký ức.

Biển và chim bói cá là cuốn tiểu thuyết, được viết dưới dạng hồi ức.

Khi viết tác phẩm này, nhà văn đã có một độ lùi cần thiết để nhìn về quá khứ, không đứt quãng như giấc mơ chập chờn, không bị cuốn theo những hồi tưởng gấp khúc. Tác phẩm được chi phối bởi dòng ý thức của nhân vật.

Đi dọc theo tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn là sự tái hiện ký ức đan xen hiện tại của nhân vật. Vì thế, “nó trung thực đến tận đáy”.

Và cũng vì thế mà tiểu thuyết đã làm nổi bật lên thủ pháp nghệt thuật đặc trưng của thể loại theo góc nhìn tự sự học. Đó là dòng ý thức, dòng tâm trạng đi suốt chiều dài tác phẩm. Có thể nói, Bùi Ngọc Tấn là một nhà văn chuyên nghiệp, cái duyên với văn chương đã nặng nợ với ông ngay từ thuở ấu thơ, để rồi hôm nay, những tâm huyết ấy kết tụ trong Biển và chim bói cá với một tâm trạng đầy thổn thức của một “hành trình tâm hồn”.

Qua dòng tâm sự của nhân vật Tôi, cũng là người kể chuyện, trang sách được mở ra, dẫn dắt bạn đọc vào một thế giới tâm hồn chân thật: “Bố là người thuyền trưởng, là người lãnh đạo, là người chịu trách nhiệm về toàn bộ con tàu, là người cuối cùng rời tàu khi tàu lâm nạn” [38, tr.237]. Từ một niềm tin, niềm tự hào về bố rất hồn nhiên như vậy, khi phát hiện ra bố hoàn toàn không như trong niềm tự hào của mình, nhân vật Tôi đã có quan điểm và cái nhìn lại về cha mình. Dù cha mình có là một ông thánh hoặc một vị anh hùng đi chăng nữa, thì bản chất, ông vẫn là một con người với những yếu đuối và bị bản năng lôi cuốn khó cưỡng.

Với thể loại tự truyện, nghệ thuật hư cấu được phép có mặt, tuy nhiên, với sự đồng hiện của dòng tâm tưởng, dòng ý thức, vấn đề sẽ được tường minh hơn. Bởi vì, khi tác giả đã trở thành hình tượng nhân vật, chính là lúc câu chuyện đã đi vào những khoảng rất sâu của một cá nhân. Trong Biển và chim bói cá, độc giả sẽ lại có thêm một cái nhìn về cuộc sống, về những ánh sáng và những góc khuất sâu nhất trong tâm hồn con người đã được nhà văn tinh tế vươn tới.

Khi Phong phát hiện ra người đàn bà lạ nằm trên giường của bố mình, cậu bé đã có những dòng suy nghĩ nội tâm: “Thế rồi mọi chuyện sụp đổ. Bố không còn là thần tượng của tôi nữa. Bố cũng giống hệt mọi người. Thế mà trước kia chúng tôi đã tự hào về bố biết bao! Vậy là từ lâu chúng tôi vẫn sống với những điều dối trá mà không biết” [38, tr.237]. Đó là tất cả những gì cậu bé đã chứng kiến, đã chiêm nghiệm khi nhìn ra sự gồ ghề, phức tạp của cuộc sống, khi sự màu mè của nhung lụa được vén lên.

Theo dòng hồi ức của Phong, bạn đọc như được cùng cậu bé trở về với những kỷ niệm rất hồn nhiên của một tâm hồn ngây thơ, trong trẻo: “Tôi thấy nhớ nhà quá rồi. Tôi nhớ cây me ở góc vườn. Tôi nhớ cái giếng sâu thăm thẳm cạnh sân. Nhớ con đường đất núi... Nhớ mẹ. Nhớ cái Ngàn” [38, tr.291].

Hoặc là nỗi nhớ về chính quê hương, bởi đây là lần đầu tiên Phong xa ngôi nhà, xa làng quê của mình lâu nhất: “Quê tôi cũng có nhiều chim bói cá.

Không to như con chim này và cũng không bay như con chim ở đây. Chim bói cá quê tôi cứ đỗ im lìm như ngủ lịm trên một cành vối chìa ra ao” [38 , tr.121].

Có thể nói, dòng ký ức đã khiến cho tiểu thuyết Biển và chim bói cá trở nên có hồn hơn chứ không đơn thuần chỉ là những lời kể lể theo kiểu mẫu chuyện đời tư được lắp ghép lại. Nhà văn đã ngầm chia sẻ với bạn đọc một cách chân thành về cuộc đời mình, về những nếm trải mà tác giả đã từng trải qua. Phải chăng chính vì thế mà những trang viết của Bùi Ngọc Tấn rất có chiều sâu đã đi vào lòng người bởi đan xen trong những dòng tự sự ấy là những suy nghĩ của chính tác giả được bộc bạch rất dung dị.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn (LV00925) (Trang 86 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)