Chương II: Nghệ thuật tiểu thuyết cách mạng Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975…
2.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Tiểu thuyết cách mạng Việt Nam cũng sử dụng những thủ pháp quen thuộc trong nghệ thuật tiểu thuyết nói chung. Tuy nhiên, nó cũng nhấn mạnh và phổ biến một số thủ pháp đặc trưng. Sau đây là những cách thức xây dựng nhân vật rất phổ biến trong các tiểu thuyết cách mạng Việt Nam thời kỳ 1955 – 1975.
2.1.1. Chú trọng miêu tả hành động hơn nội tâm
Con người cách mạng là con người hành động, góp phần làm thay đổi xã hội.
Nó không phải là con người mơ mộng viển vông như trong tiểu thuyết lãng mạn.
Phan Cự Đệ nhận định: “Con người mới của chúng ta không phải là con người chỉ biết chiêm ngưỡng thế giới, chỉ biết suốt ngày độc thoại nội tâm lặng lẽ một mình mà là con người hành động cách mạng. Chính do đặc điểm này mà tiểu thuyết hiện thực XHCN khôi phục lại bản chất anh hùng ca của nó” [27].
Đối với người chiến sĩ cách mạng, việc nghỉ ngơi dài ngày như là một điều đáng hổ thẹn. Trong Người người lớp lớp, các chiến sĩ Điện Biên cảm thấy bức bối khi không được đánh trận. “Đang tình trạng đó thì Đại đoàn được lệnh xuất phát! Thật như đại hạn gặp mưa rào. Quân ta đùng đùng nổi dậy (…) bước chân rầm rập ra đi”. Niềm vui của họ là được hành động và mọi vui buồn sướng khổ của người lính đều được thể hiện qua hành động. Trong tác phẩm này, ta cũng gặp nhiều đoạn nói về nội tâm nhưng là nội tâm của nhân vật lúc hành quân. Nghĩa là vừa đi vừa suy nghĩ, chính hành động thực tiễn đã khai mở dòng nội tâm nhân vật.
Nhân vật Tiệp trong Bão biển cũng là con người hành động. Suốt ngày, người ta
33
chỉ thấy anh làm việc, hết ở trụ sở ủy ban thì chạy về các đội sản xuất hoặc ra cánh đồng. Ngày cả lúc bị kẻ xấu ném đá phải dưỡng bệnh, anh cũng không có nội tâm suy tư gì, chỉ ước ao hết bệnh để đi làm. Chỉ có một lần duy nhất Tiệp phải suy tư, đó là sau lần bỏ chạy khi nhìn thấy Nhân tắm. Anh muốn xóa bỏ ám ảnh đó bằng cách xin sang địa phương khác, hy vọng rằng công việc tất bật ở hợp tác xã đánh cá sẽ giải quyết những rắc rối nội tâm.
Phải nói rằng, nhân vật trong tiểu thuyết cách mạng thường có nội tâm nghèo nàn. Trong Trước giờ nổ súng, nhân vật Tuyên được xem là “loại người riêng biệt, đúc bằng thép, tim không bao giờ đập nhanh hay chậm khác mức bình thường, miệng chỉ mở ra để nói chuyện chính trị hay hạ mệnh lệnh tác chiến, cả đến nụ cười cũng có chuẩn bị từ trước”. Họ làm việc bằng lý trí nhiều hơn tình cảm, và xem việc buồn bã, mộng mơ như là biểu hiện tiểu tư sản cần xóa bỏ. Chiến sĩ Sử xuất thân từ tầng lớp học sinh, có thói quen viết nhật ký và mộng mơ. Nội tâm của chàng thi sĩ này khá phong phú nhưng lại không thích hợp với cuộc hành quân đầy gian khổ. Nhân vật đã tự sàng lọc mình ra khỏi cuộc chiến bằng cách tự sát.
Bakhtin cho rằng con người sử thi được “ngoại hóa” hoàn toàn, nghĩa là nó nghĩ sao nói vậy, nói sao làm vậy, hành động và nội tâm thống nhất trên một bình diện. Có khi chỉ cần xem hành động là biết nội tâm, vì nội tâm của nhân vật rất đơn giản. Nói như Nam Cao: “Những người viết cũng như nhân vật của họ miêu tả đều là những con người hành động. Họ hy sinh và đoàn kết, chiến đấu và kỷ luật. Tâm lý họ không phiền phức và rắc rối. Họ giản dị”. Chẳng hạn, nghe người dân U-ní Bên dòng Păng pơi bảo từ nay họ theo cách mạng, ủng hộ xây dựng đời sống mới, ta không còn phải nghi ngờ gì nữa. Bởi lẽ khi nhân vật nói điều đó, nghĩa là “cái bụng” của nó đã “ưng”
như vậy rồi.
2.1.2. Tính cách một chiều và bất biến
Nhân vật chính của tiểu thuyết cách mạng Việt Nam là công - nông – binh. Đây là đối tượng có đời sống tâm lý tương đối đơn giản, không phức tạp bằng trí thức tiểu tư sản thành thị. Họ trung thành với cách mạng, khi đã theo cách mạng thì trước sau như một, không thay lòng đổi dạ. Đó là “những con người anh hùng toàn vẹn, trong sáng, chỉ có một hướng đi rõ ràng, dứt khoát, không bị giằng co, chia xẻ, không có cái gì có thể “phân đôi” họ được” (Hoàng Trinh) [173].
Nhân vật Khắc (Vỡ bờ) là một chiến sĩ cộng sản có tính cách kiên định và nhất quán suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Bao khó khăn nguy hiểm không làm anh chùn bước, bị địch bắt nhưng không chịu khai báo. Ra tù, lại tiếp tục dấn
34
thân vào con đường tranh đấu. Anh bỏ qua các cám dỗ đời thường. Lần thứ hai bị địch bắt tra tấn dã man, anh chấp nhận cái chết chứ không chịu từ bỏ lý tưởng đã chọn. Tính cách dũng cảm của nhân vật cách mạng cứ phát triển một chiều thẳng tắp, không có cái gì có thể làm cong nó. Ông già U Minh (Rừng U Minh) vốn từng theo Việt Minh. Nay, chế độ quốc gia mời ông ra làm quan chức với những quyền lợi béo bở nhưng ông không nhận lời. Trước sau như một, ông vẫn trung thành với cộng sản.
Tính cách phe phản diện cũng ít khi thay đổi. Đại úy Long (Mùa gió chướng), trung úy Xăm (Hòn Đất) sinh ra trong một gia đình địa chủ. Với xuất thân như vậy thì “dĩ nhiên” nhân vật sẽ chống cộng suốt đời, dầu cho hai người mẹ có khuyên răn cũng không bẻ cong lý tưởng và tính cách nhân vật đã được “mặc định” từ khi mới sinh. Một số cha đạo như cha Thuyết (Xung đột), cha Quang, cha Hoan (Bão biển), cha Phụng, cha A.T.Lê (Nắng)... cũng có lập trường chống cộng sản rất triệt để. Họ thua keo này, vẫn bày keo khác để phá chính quyền. Đối với những nhân vật này, nhà văn không chọn con đường cải biến mà chỉ vô hiệu hóa nhân vật hoặc để cho nhân vật chết vì bom đạn của phe mình như linh mục Tứ (Đất mặn).
Trong Hai người du kích cũ, có hai nhân vật mang hai tính cách khác nhau:
Mạo dũng cảm, nóng tính nhưng dốt chữ, Thạc giỏi chữ nhưng hơi nhát. Thời chiến tranh, Mạo được trọng dụng, còn thời hòa bình, Thạc được trọng dụng. Mạo bất mãn, thường xuyên nổi nóng nhưng vẫn không chịu thay đổi tính cách của mình cho hợp thời đại. Trong Mùa mưa cũng có hiện tượng như vậy, nhiều chiến sĩ bộ đội tập kết không chịu lao động trong thời bình. Họ cho rằng thiên chức của người lính là cầm súng chứ không phải cầm cuốc. Mâu thuẫn nội bộ gay gắt, Ly và hàng ngàn chiến sĩ khác đã bỏ đơn vị, vượt tuyến vào Nam chiến đấu cho đúng với thiên chức của mình.
Trong tiểu thuyết cách mạng Việt Nam thời chiến tranh, ta cũng gặp nhiều trường hợp tính cách nhân vật có sự thay đổi với điều kiện, sự thay đổi ấy có lợi cho cách mạng. Trường hợp này thường rơi vào các nhân vật trung gian – một đối tượng có lập trường không dứt khoát. Lão Am trong Cái sân gạch và Vụ lúa chim có đầu óc tư hữu rất vững vàng nhưng càng chống phong trào hợp tác hóa, lão càng yếu dần và bị bao vây tứ phía. Cùng đường, lão mới chịu vào hợp tác xã nhưng đầu óc tư hữu và mê tín vẫn còn. Hình như con người này vẫn chưa khuất phục hẳn mà vẫn giữ được những quan điểm riêng của mình, dù không có điều kiện thực hiện.
2.1.3. Nhân vật đƣợc đặt vào các thử thách cao độ
Thời đại cách mạng đầy những cuộc đấu tranh thử thách, sàng lọc con người.
Những cuộc thử lửa này không chỉ có tác dụng tạo kịch tính cho cốt truyện mà còn
35
khắc họa rõ nét lòng dũng cảm và trung thành của nhân vật. Chị Tư Dương (Hoa hướng dương) tưởng sẽ từ giã con đường cách mạng sau khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị địch dìm trong biển máu. Chị mang thai chạy trốn khắp nơi, thoát được vô số cạm bẫy của địch. Nhiều biến cố liên tiếp xảy ra, chồng bị địch giết, nhiều đồng chí thân cận cũng bị bắt, rồi đến lượt chị cũng bị địch bắt đem đi chặt đầu nhưng may mắn rơi xuống sông thoát chết. Nhưng sau đó, chị vẫn không chịu từ bỏ con đường đã chọn mà tiếp tục dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai phía trước.
Nếu như chị Tư Dương trải qua những cuộc thử thách mang tính xã hội thì chị Tư Hậu (Một chuyện chép ở bệnh viện) trải qua hàng loạt biến cố gia đình. Mẹ chết, cha chết, bà ngoại chết, cha chồng chết rồi chồng cũng chết, phương tiện làm ăn bị địch đốt sạch. Nhân vật dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai thử thách.
Bi kịch nội tâm của chị lên đến đỉnh điểm khi địch bắt hai con chị để yêu cầu chị ra hàng. Chị đứng trước sự lựa chọn: đầu hàng thì con sống, không đầu hàng thì con chết. Đây là một thử thách vừa mang tính đời tư vừa mang tính xã hội, và nhân vật đã chọn con đường chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân. Nhưng tác phẩm đã kết thúc có hậu: hai con chị đã được giải thoát. Qua các thử thách này, ta thấy được nhân vật chị Tư Hậu có lòng dũng cảm và trung thành với lý tưởng cách mạng.
Trước giờ nổ súng có loại thử thách khác: mượn thiên nhiên khắc nghiệt để sàng lọc phẩm chất của người lính. Đội trinh sát phải trải qua vô vàn gian nan trên đường rút về Bộ chỉ huy: núi cao, rừng rậm, vực thẳm, thời tiết khắc nghiệt, nhiều thú dữ và thường xuyên bị địch phục kích. Họ bị bệnh tật hành hạ, đói khát lại lo bảo mật tài liệu, phải đi gấp rút, không được nghỉ ngơi. Từ đó, nảy sinh nhiều quan điểm phức tạp. Nhiều chiến sĩ bị địch bắt và giết, đào ngũ, tự sát hoặc chết vì bệnh tật.
Cuối cùng, chỉ có Lương và Văn Thon về đến nơi trong tình trạng sống dở chết dở.
Trong trường hợp này, tác giả đặt nhân vật vào những tình huống thử thách để từ đó đúc kết nên mẫu người lý tưởng của quân đội cách mạng.
Trong các tác phẩm về đề tài xây dựng CNXH, xung đột ít hơn và nhân vật được thử thách trong môi trường lao động. Nhân vật Môn (Xung đột) phải lo đối phó với rất nhiều khó khăn phức tạp trong buổi đầu hợp tác hóa nông nghiệp ở một vùng nông thôn công giáo toàn tòng. Đối thủ của Môn là các giáo dân chống chính quyền, những người dân không chịu vào hợp tác xã và duy trì các tập quán sinh hoạt cũ.
Ngoài ra, Môn cũng gặp cuộc đấu tranh trong nội bộ chính quyền và chính bản thân mình. Mặc dù có lúc tưởng đã ngã gục giữa rừng “xung đột” nhưng Môn vẫn gượng dậy, cùng các đồng chí trung kiên đưa phong trào hợp tác tiến lên.
36
Cũng cùng một hoàn cảnh tranh đấu như Môn nhưng Thất (Bão biển) lâm vào thế yếu hơn. Anh không chỉ đối phó với các xung đột xã hội mà còn đối phó với cả xung đột gia đình, đó là sự bất đồng quan điểm sống giữa anh với vợ và con. Thất đã ngã gục trên con đường tranh đấu. Còn Tiệp may mắn hơn, anh đã né tránh các quan hệ riêng tư có khả năng làm ảnh hưởng tới công tác. Bởi vậy, Tiệp vẫn đủ phong độ để đương đầu với những cơn “bão biển”. Qua hai nhân vật Tiệp và Thất, tác giả đưa ra hai khả năng mà con người ta có thể gặp trên con đường tranh đấu: thành công hoặc thất bại. Muốn thành công, phải gạt những lợi ích riêng tư để đầu tư cho lợi ích tập thể. Triết lý ấy được thể hiện sinh động qua biện pháp đối sánh và xây dựng tình huống kịch căng thẳng.
2.1.4. Nhân vật đƣợc xây dựng bằng bút pháp lãng mạn
M. Gorki cho rằng: “Chủ nghĩa lãng mạn cách mạng, về thực chất là biểu hiện của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Văn học cách mạng Việt Nam thường có xu hướng tô hồng cuộc sống. Con người không chỉ có vẻ đẹp tính cách mà còn có vẻ đẹp ngoại hình. Nhiều khi, các nhà văn còn phóng đại sự phi thường của nhân vật để ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Không gian sinh hoạt vui tươi đẹp đẽ cũng góp phần khắc họa vẻ đẹp con người.
Nhân vật xứng đáng được gọi là hoa hậu trong tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1955 – 1975 là Pả Sua trong tiểu thuyết cùng tên của Văn Linh. Cô du kích người Mèo này được miêu tả như mẫu người lý tưởng của thời đại cách mạng. Vẻ đẹp của cô được thể hiện trên nhiều phương diện: lý tưởng, tính cách, nội tâm, hành động, tài năng, ngôn ngữ, các mối quan hệ, đặc biệt là nhan sắc. Tất cả các nhân vật thuộc hai phe đều ngưỡng mộ cô: “sắc đẹp của cô tưởng như đất nước này chỉ có một, như thần trăng, thần sao xuống trần”. Còn dưới mắt cô, anh bộ đội Vi Lay là
“đấng anh hùng đang trò chuyện với trời đất (…) ngắm nghía anh như chiêm ngưỡng một pho tượng cao quý”. Người ta gọi đây là bút pháp tượng đài hóa nhân vật.
Nhiều nhà văn cũng dùng bút pháp kỳ ảo để tôn vinh vẻ đẹp nhân vật. Mái tóc của chị Sứ được thần thánh hóa, có sức sống mạnh mẽ và bền chặt đến mức, địch phải chém nhiều nhát mới đụng vào gáy. Trong Thung lũng Cô Tan, “vẻ đẹp của Phương Thảo có thể coi như một cái máy nghiền nghị lực”, là “một vì sao nhỏ lung lay” giữa bầu trời Trường Sơn thăm thẳm và kỳ vĩ. Người ta còn xinh đẹp cả sau khi chết. Một cô thanh niên xung phong chết do sụp hầm nhưng khi moi lên vẫn thấy cô ngồi với tư thế soi gương (Chiến sĩ). Chất lãng mạn cách mạng còn thể hiện trong phong trào tiếng hát át tiếng bom. Có thể nói, Dấu chân người lính là một “rừng
37
cười”. Khắp nơi vang dội tiếng cười lạc quan yêu đời của các chàng lính trẻ. Khung cảnh đẹp đẽ vui tươi của núi rừng Trường Sơn cũng góp phần tô điểm vẻ đẹp của con người. Ở đó có cảnh đẹp, con người đẹp, tình yêu đẹp, tình đồng đội đẹp... Nguyễn Minh Châu đã xây dựng một không gian lãng mạn và một môi trường sống lý tưởng có tác dụng cổ vũ thanh niên từ Bắc vào Nam chiến đấu.
Khi nói đến tính chất lãng mạn cách mạng, người ta cũng thường nói đến vẻ đẹp tình yêu. Nhiều tác phẩm miêu tả khá sinh động các mối tình lãng mạn như: Tiến – Na Bua, Sâm – Bê, Mẫn – Thiêm, Quỳnh – Hảo, Tý – Tuấn... Trong Nhật ký người ở lại, Nguyễn Quang Sáng đã miêu tả những phút giây say đắm của Quang và Vân:
“Hai chúng tôi đã hôn nhau, chiếc hôn đầu tiên, vụng về mà ngây ngất (...) Một xúc cảm mãnh liệt chạy ran và làm mềm cả người tôi (...) Tôi như nghẹt thở trong cánh tay xiết chặt của Vân. Vân áp mặt, cắn riết vào bắp tay của tôi. Bắp tay tôi đau điếng và muốn bật thành máu. Tôi có cảm giác như Vân muốn xâu xé tôi rời ra từng mảnh. Và tôi thì bằng lòng sự “xâu xé” đó”.
Chi tiết lãng mạn, đầy chất thơ đó được trình bày dưới dạng nhật ký nên vừa chân thực vừa thể hiện được dòng chảy nội tâm mãnh liệt của nhân vật Quang.
Không phải nhà văn cách mạng nào cũng miêu tả thành công những giây phút đắm say, cuồng nhiệt của nhân vật chiến sĩ như vậy.
2.1.5. Nhân vật đƣợc đặt vào trong nhiều mối quan hệ
Chủ nghĩa cộng sản coi trọng đời sống cộng đồng và người ta thường đánh giá con người qua mức độ thâm nhập vào quần chúng. Các nhà văn cũng xây dựng nhân vật trong nhiều mối quan hệ khác nhau nhằm vào các mục đích sau: cho thấy tinh thần làm chủ tập thể của nhân vật, cho thấy khả năng ứng xử của các nhân vật. Ngoài ra, những mối quan hệ phức tạp còn góp phần làm tăng kịch tính tác phẩm.
Để khẳng định nhân vật chị Sứ là mẫu người lý tưởng, Anh Đức đã đặt nhân vật vào trong nhiều mối quan hệ khác nhau. Trước hết là quan hệ đồng đội, chị tuyệt đối trung thành với cách mạng, thà chết chứ không khai báo những điều bất lợi cho du kích. Đối với con nhỏ, chị rất yêu thương và muốn lúc nào cũng gần gũi chăm sóc con. Đối với người chồng tập kết, chị luôn chung thủy đợi chờ, mặc dù chị rất xinh đẹp và có nhiều cơ hội để lập gia đình mới. Đối với mẹ và em, chị cũng rất yêu thương nhưng cũng không vì tình cảm cá nhân mà làm hại cách mạng. Đối với xóm làng, chị cũng giàu ân nghĩa nên được bà con yêu mến. Đối với địch, chị dứt khoát