Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen

Một phần của tài liệu Khảo sát sự đa dạng về hình thái và cấu tạo giải phẫu của cây tràm (melaleuca cajuputi powell) ở long an (Trang 21 - 24)

CHƯƠNG II. LƯỢC KHẢO TÀI LIỆU

2. Điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của khu vực nghiên cứu

2.3. Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen

Thông qua Chương trình điều tra cơ bản vùng ĐBSCL (CT 60. 02) năm 1984 – 1985, tính phong phú của các loài động thực vật và sự đa dạng sinh học trong vùng Láng Sen đã được ghi nhận. Một số nhà khoa học đã có những gợi ý chọn Láng Sen

để thành lập một khu bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đặc trưng của ĐTM. Nhận thức được vấn đề này, vào năm 1994, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã ra quyết định thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Láng Sen nhưng mang tên Khu bảo tồn di tích lịch sử Láng Sen. Với nhiều ý kiến đề xuất từ các nhà khoa học và cơ quan quản lý, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã quyết định đổi tên là Khu bảo tồn thiên nhiên Rừng Đồng Tháp Mười Láng Sen, nhưng sau đó đổi tên là Khu bảo tồn di tích lịch sử cách mạng Láng Sen và trình Bộ Lâm nghiệp Việt Nam phê chuẩn dự án và được Bộ Lâm Nghiệp đổi tên thành: Rừng phòng hộ biên giới Việt Nam – Campuchia và Bảo tồn di tích lịch sử Láng Sen với diện tích 2.847 ha, lấy điểm trung tâm của vùng lõi tại rạch Cái He. Điểm đáng chú ý là trong khu vực vành đai tự nhiên của Láng Sen có sự hiện diện của Lâm trường Tân Hưng và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An quyết định đổi tên thành Khu sinh thái rừng Tràm Đồng Tháp Mười vào năm 2000, với diện tích 2.245 ha, khu vực này chưa phải là vùng lõi của Láng Sen.

Trong quá trình này, mặc dù khu đất ngập nước Láng Sen vẫn chưa được thành lập như một khu bảo tồn thiên nhiên nhưng nhiều nhà khoa học đã đến nghiên cứu và công bố kết quả sơ bộ về tính đa dạng sinh học đất ngập nước của vùng Láng Sen.

Nhận thấy việc bảo vệ tài nguyên tự nhiên, đa dạng sinh học vùng đất ngập nước khu vực Đồng Tháp Mười là việc cần thiết, vào đầu tháng 1 năm 2004, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã ra quyết định số: 199/QĐ-UB ngày 19/1/2004 thành lập Khu bảo tồn (KBT) Đất ngập nước Láng Sen, với diện tích là 5.030 ha. Trong đó, bao gồm cả diện tích của Khu bảo tồn sinh thái rừng tràm Đồng Tháp Mười, Lâm trường Vĩnh Lợi và một phần diện tích của xã Vĩnh Lợi và Vĩnh Đại của huyện Tân Hưng, lấy địa điểm Cái He làm trung tâm của vùng lõi.

KBT đất ngập nước Láng Sen được xem như một bồn trũng nội địa thuộc vùng trũng rộng lớn ĐTM, tỉnh Long An. Với hình thái địa mạo đa dạng và là vùng sinh thái tiêu biểu cho kiểu đầm lầy ngập nước với nhiều quần thể động thực vật phong phú mang tính đặc trưng. Sự duy trì thảm thực vật ven sông, đồng cỏ tự nhiên ngập nước theo mùa, đầm lầy và gia tăng diện tích tràm trồng đã làm phong phú quần thể động thực vật nơi đây.

2.3.2. Điều kiện tự nhiên + Vị trí địa lí

KBT đất ngập nước Láng Sen nằm trong phạm vi tọa độ địa lý: 10o45’ – 10o49’

vĩ độ Bắc và 105o45’ – 105o49’ kinh độ Đông, cách trung tâm huyện Tân Hưng 8 km theo đường Kinh 79.

+ Địa hình

KBT đất ngập nước Láng Sen được xem như một bồn trũng nội địa có cao độ từ 0,42 – 1,8 m (so với mực nước chuẩn tại mũi Nai – Hà Tiên) thuộc vùng trũng rộng lớn Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An. Với địa hình như thế, khu vực nầy được xem như một vùng đầm lầy ngập nước chịu ảnh hưởng trực tiếp chế độ thủy văn của sông Cửu Long, và chịu ngập lũ hàng năm.

Theo Sở Tài Nguyên Môi Trường tỉnh Long An (2004) thì diện tích tự nhiên của KBT đất ngập nước Láng Sen là 5.030 ha phần lớn nằm trên địa bàn xã Vĩnh Lợi và một phần thuộc xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng tỉnh Long An. Trong đó có một giới hạn tự nhiên khá đặc biệt là "cù lao" với diện tích khoảng 1.500 ha là vùng đầm lầy có nhiều sinh cảnh thích hợp cho động thực vật ưa nước và nơi dễ khôi phục các hệ sinh thái đồng cỏ, bãi ăn của nhiều loài chim nước, được bao bọc bởi sông Vàm Cỏ Tây.

+ Khí hậu

KBT đất ngập nước Láng Sen chịu ảnh hưởng của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia làm 2 mùa mưa nắng rõ rệt.

+ Thủy văn

Chế độ thủy văn khu vực này chịu ảnh hưởng trực tiếp của sông Cửu Long và thay đổi do ảnh hưởng biến đổi về chế độ dòng chảy trong toàn vùng Tân Hưng – Vĩnh Hưng.

Mạng lưới sông rạch tự nhiên trong khu vực Láng Sen và vùng lân cận khá dày đặc, tuy nhiên lưu lượng lưu thông không lớn do lưu vực nhỏ. Láng Sen được tiếp nước chủ yếu do các kinh tạo nguồn lớn từ sông Cửu Long, như: kinh Hồng Ngự – Long An, kinh 79, kinh 28 và sông Lò Gạch. Nguồn nước trực tiếp tới khu vực Láng Sen đi qua 2 tuyến dẫn nước chính là kinh 79 và rạch Bông Súng. Mặc dù nằm trong

nội địa, nhưng ảnh hưởng của thuỷ triều biển Đông theo chế độ bán nhật triều, và lớn nhất vào mùa khô. Tuy nhiên biên độ dao động mực nước lớn nhất cũng trong khoảng dưới 0,5 m. Biên độ này giảm dần tới khi đỉnh lũ xuất hiện.

Ngập lũ: vùng ngập sâu trung bình ở vùng từ 2,5 đến 3,5 m trong các năm lũ lớn (tương đương lũ 1996, 2000). Thời gian ngập từ 3 đến 4 tháng. Do mạng lưới kinh mương được phát triển và mở rộng nên thời gian ngập hiện nay là ngắn hơn khoảng 1 tháng so với trước đây.

+ Đất đai và thổ nhưỡng

Địa chất khu vực phần lớn thuộc trầm tích Holocen và những gò Pleistocen (hoặc Pleistocen muộn) nổi lên ở một số nơi trong vùng. Ngoài ra, vài vạt trũng thấp là lòng sông cổ với lớp đất mặt tích tụ nhiều chất hữu cơ.

Các nhóm đất hiện diện trong vùng là kết quả từ những tiến trình và yếu tố hình thành đất, trong đó tính đa dạng của vật liệu trầm tích đóng vai trò quan trọng. Các nhóm đất chính: Đất xám (Aeric Paleaquults, Aquic Arenic Paleustults, Typic Plinthaquults), đất phèn hoạt động (Typic Sulfaquepts, Umbric Sulfaquepts, Hydraquentic Sulfaquepts), đất phù sa có tầng sinh phèn trung bình (Aquic sulfic Tropaquepts), đất phù sa có tầng phèn trung bình (Sulfic Tropaquepts), đất phù sa phát triển (Typic Tropaquepts).

Bồi lắng phù sa trong nội đồng chỉ xảy ra khi lượng phù sa theo dòng nước lũ đưa về. Một lượng lớn phù sa phủ trên đồng ruộng đã được ghi nhận vào cuối trận lũ năm 2000. Với lớp trầm tích phù sa khá dày đã gây ra hiện tượng những cánh đồng năng bị chết hàng loạt.

Một phần của tài liệu Khảo sát sự đa dạng về hình thái và cấu tạo giải phẫu của cây tràm (melaleuca cajuputi powell) ở long an (Trang 21 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(69 trang)