Chương 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.5. Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình phát triển NTTS nước
3.5.1. Thuận lợi
- Về điều kiện tự nhiên: Khu vực nuôi có khí hậu đặc trưng của nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, và chịu ảnh hưởng của nước triều; địa hình trũng, có nhiều kênh mương, với 2 con sông lớn chảy qua: Sông Lý, sông Hoàng; có 2 cửa lạch là Lạch Hới, Lạch Ghép tạo lợi thế về nguồn nước, phù sa và sinh vật cho các xã thuộc vùng NTTS nước lợ của huyện phát triển.
Trung tâm huyện chỉ cách Thành phố Thanh Hoá 10 km, cách Khu du lịch Sầm Sơn 20 km, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hoá.
- Về điều kiện kinh tế - xã hội: Xác định NTTS nước lợ là một ngành kinh tế mũi nhọn, Chính quyền luôn cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản nước lợ như: tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng, hàng năm tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho người nuôi, thường xuyên tu bổ, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đầu tư xây dựng kiên cố hoá hệ thống kênh mương nước ngọt và lợ.
- Kinh nghiệm NTTS nước lợ của các hộ: NTTS nước lợ ở địa phương xuất hiện từ rất lâu, do lợi thế về địa lý là 1 trong 6 huyện ven biển của tỉnh Thanh Hoá. Các hộ nuôi ở địa phương đã trải qua các giai đoạn từ nhỏ lẻ đến phát triển mạnh, đạt hiệu quả cao vào những năm 1998-2000 và giai đoạn có thể gọi là “thoái trào” của NTTS nước lợ từ 2002-2005. Do đó, từ người nuôi đến cán bộ thuỷ sản đã nhận thức được hình thức và đối tượng nuôi phù hợp cho vùng nuôi của huyện.
- Thị trường tiêu thụ: 100% số hộ điều tra khi được hỏi trả lời hiện nay cung không đủ cầu. Do đời sống của người dân ngày càng tốt hơn, nhu cầu tiêu dùng cũng ngày càng cao hơn cả về chất lượng, mẫu mã và độ an toàn;
đặc biệt nhu cầu tiêu thụ hải sản như tôm sú, cua biển ở địa phương và các vùng lân cận.
- Tiếp cận được với nguồn vốn vay theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Số tiền vay tối đa đối với chủ trang trại là 500 triệu đồng (theo Thông tư liên tịch của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổng cục thống kế số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK ngày 23/6/2000 hướng dẫn tiêu chí xác định kinh tế trang trại; trong đó quy định quy mô đối với trang trại nuôi trồng thuỷ sản có từ 2 ha trở lên. Căn cứ kết quả điều tra thì hộ có diện tích nuôi thấp nhất là 2 ha.
- Tiếp cận với thông tin thị trường, khoa học kỹ thuật tiên tiến … thông qua Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 21/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
3.5.2. Khó khăn
- Quy hoạch vùng nuôi: Mặc dù hiện nay đã được quy hoạch lại song thực tiễn vùng nuôi nước lợ của huyện là tự phát. Từ vùng lúa năng suất, chất lượng thấp, xã thuê lại, sau đó cho các hộ có nhu cầu thuê lại để NTTS nước lợ. Do đó, diện tích nuôi nước lợ của các hộ về mặt pháp lý chỉ có thời hạn 3- 5 năm, dù được thuê lại nếu có nhu cầu, song điều này thực sự khiến người nuôi chưa yên tâm đầu tư nhiều cho sản xuất (từ hình thức QCCT lên bán thâm canh). Do quy hoạch vùng nuôi chưa hoàn thiện vấn đề ô nhiễm nguồn nước được 73% ý kiến hộ điều tra nhận định “nguồn nước ô nhiễm khiến cho lượng cá tạp tự nhiên giảm đi rõ nét”.
- Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường nước: 100% số hộ điều tra nhận định đây là 2 yếu tố đã và sẽ gây ảnh hưởng nhất tới sự phát triển NTTS nước lợ của hộ và địa phương. Nhìn chung, với diễn biến phức tạp của thời tiết: nắng nóng kéo dài gây hạn hán, thiếu nước; bão cường độ ngày càng mạnh, mưa nhiều gây lũ lụt, đã làm thất thoát, thậm chí mất trắng đầm nuôi nếu không thu hoạch kịp thời.
- Thiếu vốn: Theo kết quả điều tra có tới 73% số hộ có nhu cầu vay vốn, trong đó có 33% số hộ có nhu cầu vay vốn lớn để đầu tư sản xuất lên hình thức bán thâm canh: đầu tư cơ sở hạ tầng (làm đường bao đầm nuôi, kè lại bờ, làm cống .v.v..), đầu tư hệ thống máy bơm sục khí (nhằm chủ động môi trường nuôi). Thực tế cho thấy rằng chỉ có 24% số hộ được vay, song bị giới hạn về lượng vay và thời gian vay ngắn, nhiều thủ tục phức tạp.
- Con giống: Hiện nay giống được sản xuất đại trà, làm cho giá thành sản phẩm hạ. Tuy nhiên, chất lượng giống chưa đảm bảo, do chưa có sự hợp tác giữa các hộ về vấn đề con giống, 100% hộ điều tra tự liên hệ mua giống, không có sự đảm bảo về chất lượng con giống giữa nhà cung cấp và người nuôi. Vì vậy, có tới 82% ý kiến của chủ hộ nuôi hải sản nước lợ cho rằng con giống là yếu tố khó khăn trong đầu vào của quá trình sản xuất.
- Vấn đề tiêu thụ sản phẩm: Mặc dù cung không đủ cầu, song người nuôi vẫn bị tư thương ép giá, cụ thể giá bán bình quân của hộ đối với tôm sú là 0,11 trđ/kg, cua biển là 0,15 trđ/kg; trong khi giá bán bình quân tại các đại lý và chợ tương ứng là 0,18 trđ/kg và 0,23 trđ/kg dù khoảng cách bán kính chỉ 10-20 km (đến thành phố Thanh Hoá và khu du lịch Sầm Sơn).
- Các tổ chức giúp người nuôi trồng về kỹ thuật, con giống và chữa bệnh là chưa nhiều. Hiện nay, người nuôi hải sản nước lợ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nuôi để lựa chọn con giống, nuôi và phòng trừ dịch bệnh. Vì
vậy, nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất lớn trước vấn đề ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng.
- Trình độ chuyên môn còn hạn chế: Có tới 54% chủ hộ chưa được tập huấn về kỹ thuật NTTS, không có chủ hộ nào được đào tạo chuyên về nuôi hải sản nước lợ. Trình độ nhận thức của người nuôi hải sản nước lợ còn, hạn chế vì vậy việc ứng dụng những tiến bộ mới trong sản xuất và cả sự mạnh dạn trong quá trình đầu tư, hình thức bán thâm canh vẫn ở mức độ khiêm tốn.