2.1. Giới thiệu chung về địa bàn, phương pháp nghiên cứu
2.1.2. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu đề tài tác giả sử dụng các phương pháp sau:
+ Chọn địa điểm nghiên cứu
Có thể nói Cẩm Phả là nơi hứng chịu nhiều bụi than đối với việc khai thác than trên địa bàn Tỉnh. Từ năm 2000 đến nay sản lượng ngành than đã tăng nhanh không ngừng. Để sản xuất 1 tấn than, cần bóc đi từ 5 đến 7 m3 đất đá và thải ra từ 2 đến 3m3 nước thải mỏ. Hàng năm các mỏ than trên địa bàn thị xã của Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam VINACOMIN đã thải vào môi trường khoảng 168 triệu m3 đất đá và khoảng 65 triệu m3 nước thải từ mỏ gây ONMT nặng trên địa bàn. Việc khai thác than ở Cẩm Phả đã phá huỷ hàng trăm ha rừng, tạo ra xói mòn, bồi lấp ở các sông suối ... Môi trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi những tác động xấu, nước bị ô nhiễm do chất thải rắn và bụi trong không khí v.v... Một vấn đề cần được nhấn mạnh là tính đồng bộ và tính triệt để của các giải pháp bảo vệ môi trường chưa được coi trọng nên một số chỉ tiêu môi trường thu được tại các điểm giám sát ở từng phạm vi nhất định thì có thể nằm trong giới hạn cho phép nhưng ở quy mô tổng thể thì lại vượt quá tiêu chuẩn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân Thị xã nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng.
+ Phương pháp thu thập số liệu nghiên cứu - Thu thập tài liệu thứ cấp
Đây là nguồn số liệu đảm bảo tính hiện thực khách quan cho đề tài nghiên cứu, tác giả thu thập qua: Sách, tạp chí về môi trường, các đề tài nghiên cứu về môi trường, các báo cáo luận văn của các học viên, nghiên cứu sinh, mạng Internet vv...về ONMT. Số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh, Phòng Tài nguyên và Môi trường Thị xã Cẩm Phả, phòng thống kê, phòng kinh tế thị xã, ban thống kê các phường, xã...
- Thu thập số liệu sơ cấp
Do đề tài nghiên cứu tác động của ONMT do việc khai thác than đến sản xuất nông nghiệp nên số liệu thứ cấp chưa đủ đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, vì vậy bước thu thập số liệu sơ cấp đóng vai trò quan trọng, quá trình khai thác than ảnh hưởng tới cả hộ gia đình và cộng đồng nên tác giả tiến hành thu thập số liệu sơ cấp như sau:
Ở cấp gia đình: Tiến hành thu thập số liệu ở cấp hộ chủ yếu bằng những phương pháp:
- Thảo luận nhóm: (phương pháp đánh giá nhanh nông thôn qua sự tham gia của người dân): Tác giả tiến hành thảo luận nhóm theo chủ đề về tình trạng ONMT do khai thác than trên địa bàn, những thay đổi về kinh tế xã hội, các vấn đề có tính thời sự do ONMT trường từ việc khai thác than, những vấn đề được nhiều người quan tâm là gì?, tác động của ONMT do khai thác than đến sản xuất nông nghiệp như thế nào?, những giải pháp mà địa phương đã và đang áp dụng nhằm hạn chế tình trạng ONMT đạt được những gì?, những vấn đề bất cập trong các biện pháp đó?, mong muốn và đề xuất của hộ dân...
Những thông tin này rất quan trọng góp phần làm nổi bật nội dung cần nghiên cứu được tác giả chú trọng, có những thông tin không thể điều tra bằng mẫu câu hỏi được. Ở phương diện cá nhân họ không thể nhớ hết được, cho nên tiến hành thảo luận nhóm là phương pháp hỗ trợ đắc lực và có hiệu quả cho phương pháp phỏng vấn.
- Phỏng vấn theo mẫu câu hỏi: Bảng câu hỏi chứa đựng những nội dung liên quan đến số diện tích đất bị giảm do ONMT; năng suất và giá nông sản trong những năm gần đây tại địa phương; sự thay đổi năng suất một số cây trồng, vật nuôi; các biện pháp hạn chế tác động của ONMT do khai thác than đến sản xuất nông nghiệp còn tồn tại những bất cập gì.
- Thông qua phỏng vấn KIP: Phỏng vấn một số cán bộ chủ chốt của địa phương cũng như một số chuyên gia, chuyên khảo về vấn đề nghiên cứu.
Ở cấp cộng đồng: Đặc trưng của cấp này là các thông tin thu được thường mang tính chất kiểm nghiệm và kiểm chứng: Tức thông tin này nhằm mục đích đối chứng với các thông tin thu được ở cấp hộ có chính xác hay không?. Để thu thập thông tin ở cấp cộng đồng tác giả dùng phương pháp phỏng vấn không chính thức và PRA. Người phỏng vấn có thể là: Cán bộ đương chức hoặc đã nghỉ hưu ở địa phương, phản ánh của khách du lịch, các cụ già, các cô, bác nông dân...tất cả nhằm làm tăng thêm sự phong phú về số liệu cũng như tính hẫp dẫn cho đề tài.
Để nắm rõ hơn tác động của ONMT đến đời sống của người dân và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Tác giả tiến hành thu thập số liệu sơ cấp qua phóng vấn đại diện một số chính quyền địa phương, đại diện hộ gia đình, đại diện công nhân trong các Công ty than trên địa bàn có hoạt động khai thác than. Nội dung phỏng vấn tập trung vào các ý như: ONMT ảnh hưởng đến hộ, đến đời sống dân sinh như thế nào?, các giải pháp làm giảm thiểu ONMT.
Số mẫu cụ thể được phân cho mỗi đối tượng như sau:
Bảng 2.1: Số lượng mẫu tiến hành điều tra
Đối tượng phỏng vấn Số lượng
- Đại diện chính quyền địa phương (phường, xã): 5
- Công nhân: 100
- Hộ gia đình: 100
Tổng: 205
+ Phương pháp phân tích, xử lý số liệu - Phương pháp thống kê mô tả
Là phương pháp dùng các chỉ tiêu tổng hợp phản ánh những đặc trưng về mức độ của môi trường và sự ô nhiễm.
- Phương pháp phân tổ thống kê
Xác định mối quan hệ của các yếu tố tác động đến môi trường.
- Phương pháp so sánh: Được sử dụng để so sánh nhằm xác định sự thay đổi về:
▪ Năng suất ngành nông nghiệp qua các năm, ở các khu vực không có khai thác than trên địa bàn thị xã.
▪ Môi trường không khí, nước và đất tại các khu vực khai thác than với các khu vực không khai thác.
+ Phương pháp thống kê môi trường
Phương pháp này dùng cách điều tra, tổng hợp thống kê môi trường gồm: môi trường thiên nhiên, môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường xã hội v v.... Ngoài ra, trong nghiên cứu môi trường phương pháp này cũng được áp dụng bằng hình thức thống kê, lấy mẫu và dùng các phương pháp đo đạc để đo mức độ ONMT thông qua thông số, tiêu chuẩn môi trường (trong đề tài tác giả sử dụng tài liệu thứ cấp đo đạc đầy đủ do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Trường đại học Khoa học xã hội và tự
nhiên Đại học Quốc Gia Hà Nội thực hiện).
Môi trường thiên nhiên có thể được phân thành nhiều loại khác nhau theo các tiêu thức khác nhau như:
- Theo nguồn gốc, có thể phân thành 2 loại: Môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo.
- Theo lãnh thổ, có thể phân thành 2 loại: Môi trường thành thị và môi trường nông thôn .
- Theo yếu tố thành phần, có thể phân biệt: môi trường nước; môi trường rừng; môi trường biển; môi trường không khí; môi trường ánh sáng;
môi trường âm thanh.
+ Hệ thống chỉ tiêu nghiên cứu
Trên nội dung nghiên cứu đề tài, thông qua tài liệu thứ cấp về các chất trong môi trường không khí, nước, đất: Tác giả đề tài sử dụng các chỉ tiêu nghiên cứu và hệ thống chỉ tiêu nghiên cứu sau:
- Môi trường không khí
Bằng các thiết bị chuyên dụng đo đạc tại các khu vực khai thác than thì môi trường không khí bị ô nhiễm được xác định rõ rệt nhất, nó chứa đựng các khí thải chủ yếu sau:
▪ Hàm lượng bụi trong không khí, Axeton, Buty, axetat.
▪ Hàm lượng các khí như SO2, CO, CO2 và NO2.
- Môi trường nước: Qua đo đạc có rất nhiều các chỉ tiêu được phát hiện bao gồm các chỉ tiêu sau:
▪ Nước thải có các thông số: độ màu, độ cứng, tính axit và giá trị độ pH trong nước.
▪ Hàm lượng các chất hữu cơ, các chất COD, BOD, DO, Coliforrm (đơn vị tính là MNP/100ml).
▪ Các kim loại trong nước như: Fe, Cr6+ , Zn, NI, dầu mỡ Phenol và
khoáng chất.
- Môi trường đất
▪ Chất khoáng, dầu mỡ, chất mang tính kiềm trong đất.
▪ Chất thải rắn của quá trình khai thác than (chủ yếu là xỉ than) như hàm lượng Zn, Pb, Cu trong đất.
Ngoài ra, môi trường đất còn bị ô nhiễm chất thải rắn như: xỉ than và than sít.
- Chỉ tiêu đánh giá tác động của ONMT đến nông nghiệp
▪ Diện tích đất nông nghiệp bị giảm do ONMT.
▪ Chi phí bệnh tật của lao động nông nghiệp.
▪ Thiệt hại do ONMT gây ra cho sản xuất nông nghiệp:
= Diện tích đất nông nghiệp bị giảm x Năng suất x Giá
▪ Năng suất các loại cây trồng chính.
▪ Giá trị sản xuất thủy hải sản.