Các giải pháp bảo tồn đa dạng thực vật ở khu BTTN Pù Hu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đa dạng thực vật tại khu bảo tồn thiên nhiên pù hu, tỉnh thanh hóa (Trang 68 - 73)

CHƯƠNG 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

4.4. Các giải pháp bảo tồn đa dạng thực vật ở khu BTTN Pù Hu

Bảo tồn và phát triển ĐDSH không tách khỏi việc nâng cao nhận thức và đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân trong địa bàn khu Bảo tồn và các vùng lân cận. Công tác định hướng các chiến lược bảo tồn, phát triển bền vững ĐDSH phải quan tâm tới vấn đề đảm bảo phát triển kinh tế cộng đồng dân cư của khu vực.

Hoạt động bảo tồn chỉ có được hiệu quả cao khi lợi ích thu được từ tài nguyên sinh vật và tài nguyên ĐDSH được chia sẻ, cộng đồng tự nguyện tham gia vào các hoạt động đó.

Mâu thuẫn trực tiếp và rõ ràng nảy sinh từ điều kiện quản lý bảo vệ rừng nên việc người dân ra vào nơi đây bị hạn chế. Trước khi thành lập khu Bảo tồn mọi người được phép ra vào tự do và dân địa phương có quyền đưa lâm sản ra khỏi rừng

mà không phải đóng thuế tài nguyên, có thể đem bán hay trao đổi lấy tiền mặt hoặc lương thực.

Khu BTTN Pù Hu được thành lập trong bối cảnh dân số vùng đệm tăng lên, trong khi diện tích đất nông nghiệp vẫn giữ nguyên. Vì vậy họ vẫn trông chờ vào nguồn tài nguyên trong khu Bảo tồn.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, các giải pháp đề xuất phải đồng bộ, hệ thống, phù hợp với điều kiện của địa phương. Sau khi phân tích các khó khăn, tập hợp các giải pháp do người dân đề xuất và tham khảo ý kiến các chuyên gia cùng chính quyền các cấp, chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau:

4.4.1. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư hiện đang sinh sống xung quanh khu BTTN Pù Hu về bảo vệ sự Đa dạng sinh học

Như đã biết, cộng đồng dân cư hiện đang sinh sống xung quanh Khu BTTN Pù Hu chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số như: Thái, Dao, Mông,...trình độ dân trí của họ rất thấp, phong tục tập quán lạc hậu, cuộc sống của họ chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có trong rừng. Nhận thức của họ về bảo vệ Đa dạng sinh học còn rất hạn chế. Do vậy, để quản lý bảo vệ rừng một cách tốt nhất nhằm nâng cao được tính đa dạng thực vật ở đây thì sự tham gia của cộng đồng dân cư là hết sức quan trọng. Để làm được điều đó, trước hết cần đảm bảo công tác tuyên truyền giáo dục đến từng người dân nhằm nâng cao sự hiểu biết về giá trị các nguồn tài nguyên, giá trị về môi trường sinh thái đối với con người và xã hội. Đây là việc làm quan trọng và cần có sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành. Nội dung tuyên truyền phải phong phú, da dạng, phù hợp và dễ hiểu, đồng thời phải tuyên truyền phải có tính sâu rộng và có ý nghĩa sát thực đối với người dân, có như vậy công tác tuyên truyền mới đạt hiệu quả, mục tiêu cuối cùng là họ cùng tự nguyện tham gia.

- Các nội dung cần tuyên truyền, giáo dục:

+ Vai trò, tác dụng của rừng đối với đời sống con người

+ Tầm quan trọng của công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH.

+ Luật bảo vệ và phát triển rừng, các chính sách có liên quan quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng (đặc biệt là chính sách hưởng lợi đối với người dân).

+ Tác động sâu sắc tới các đoàn thể, các hội Cựu chiến binh, hội Nông dân, hội Phụ nữ,..làm tiền đề cho công tác quản lý bảo vệ rừng ở địa phương.

+ Tổ chức thăm quan các mô hình điển hình về Lâm nghiệp cộng đồng.

+ Giám sát các hoạt động đốt phá rừng làm nương rẫy. Có chính sách khen thưởng hay sử phạt hợp lý....

4.4.2. Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng

Tìm giải pháp để hỗ trợ, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế cho cộng đồng dân cư trên địa bàn khu Bảo tồn nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của người dân vào rừng là việc làm trước tiên. Việc xác định các giải pháp phát triển kinh tế cần phù hợp với mục tiêu bảo tồn, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của cả cộng đồng cũng như yêu cầu chung của xã hội đối với khu Bảo tồn. Trong điều kiện hoàn cảnh của khu BTTN Pù Hu chúng ta có thể áp dụng một số giải pháp sau:

- Hoàn thành việc giao đất lâm nghiệp và khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, tăng cường đầu tư khuyến khích nhân dân trồng cây gây rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng.

- Cần bảo tồn tại chỗ một số loài cây làm thuốc, cây ăn quả và cây rau ăn để phục vụ trực tiếp cho đời sống gia đình và nâng cao thu nhập cho các hộ. Đồng thời xây dựng một số vườn ươm nhỏ tại ban quản lý khu Bảo tồn và tại các trung tâm xã để ươm trồng một số các loài cây thuốc quí có tiềm năng như Nhân trần, Ba kích,...

hay cây rau ăn như: Rau Sắng, Tầm bóp, Bò khai...

- Lựa chọn và phổ biến các mô hình canh tác mới, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm đến người dân. Hướng dẫn người dân các phương pháp sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên quý hiếm.

- Cần xác định lại ranh giới vùng đệm. Việc xác định rõ ranh giới vùng đệm sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc đầu tư và quản lý các chương trình vùng đệm.

- Thành lập và phát triển các quỹ tín dụng, các tổ chức cho vay vốn để người dân được vay nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

4.4.3. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng

Hiện nay, ban quản lý Khu BTTN Pù Hu còn thiếu thốn về nhân lực, vật tư và trang thiết bị phục vụ công tác quản lý bảo vệ. Vì vậy, cần:

- Tăng cường thêm nhân lực cho lực lượng kiểm lâm, đặc biệt là kiểm lâm địa bàn. Mở thêm một số trạm tại các cửa rừng nhằm ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm đến rừng.

- Xây dựng quy ước quản lý bảo vệ rừng, lập thêm các biển báo tại những nơi có nhiều người dân sinh sống và đi qua.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm về công tác quản lý bảo vệ rừng đối với các cấp thôn bản cho đến xã, tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn ĐDSH ngay tại địa phương.

- Các khu vực cần có ranh giới rõ ràng để thuận tiện cho công tác quản lý, đặc biệt là khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt.

4.4.4. Tăng cường chương trình nghiên cứu khoa học phục vụ bảo tồn

Một trong những chức năng quan trọng của khu Bảo tồn là nghiên cứu khoa học đa lĩnh vực, bao gồm nhiều đối tượng nghiên cứu, vì vậy đòi hỏi chất lượng đội ngũ cán bộ về trình độ ngày càng được nâng cao. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác lưu trữ mẫu vật phải được hoàn thiện. Do vậy cần phải được đáp ứng ngay các nhu cầu cần thiết:

- Tăng cường lực lượng cán bộ nghiên cứu, không ngừng nâng cao trình độ chuyên nghiệp phục vụ cho đội ngũ cán bộ thông qua các chương trình đào tạo chuyên ngành, tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ ở trong nước và nước ngoài.

- Xây dựng một bảo tàng mẫu vật để phục vụ cho việc lưu trữ mẫu vật, phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, đào tạo và giáo dục cộng đồng.

- Hoàn thành việc điều tra khảo sát, lập hồ sơ cơ bản tài nguyên sinh vật trong khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, nghiên cứu các thành phần khác về lịch sử tự nhiên và văn hóa làm cơ sở cho việc nghiên cứu ứng dụng về khu hệ động thực vật của khu Bảo tồn.

- Tiến hành nghiên cứu về hệ sinh thái của các loài động thực vật của Pù Hu nhằm nâng cao kiến thức khoa học về các loài này. Cần tập trung vào các loài trước đay chưa được nghiên cứu hoặc mới bước đầu nghiên cứu.

- Tiến hành nghiên cứu về quần thể các loài cây có nguy cơ bị tuyệt chủng, phạm vi phân bố, những thay đổi về quần thể làm cơ sở để đề xuất các biện pháp bảo vệ.

- Hoàn thiện việc điều tra, phát hiện, khoanh nuôi các loài quý hiếm có nguy cơ đe dọa cao đối với khu vực (có thể không nằm trong Sách Đỏ) nhằm tăng cường biện pháp bảo vệ.

- Tiến hành nghiên cứu mối quan hệ giữa các cộng đồng địa phương và nguồn tài nguyên rừng, đặc biệt tập trung nghiên cứu khả năng sử dụng một cách bền vững các sản phẩm phi gỗ như cây thuốc, song mây, măng tre…

- Xây dựng cơ sở quản lý dữ liệu ĐDSH ở Pù Hu, bản đồ phân bố của các loài động thực vật quý hiếm, nguy cấp, đặc hữu…

- Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học giữa khu Bảo tồn với các tổ chức, trường Đại học, Viện nghiên cứu trong nước và ngoài nước.

- Tiến hành nghiên cứu về mối quan hệ giữa các cộng đồng địa phương và nguồn tài nguyên rừng, đặc biệt tập trung nghiên cứu khả năng sử dụng một cách bền vững các sản phẩm phi gỗ như cây thuốc, măng tre, song mây…

4.4.5. Giải pháp về ổn định dân số

Giữa dân số với diện tích đất ở, canh tác và các nhu cầu sử dụng lâm sản của rừng có mối quan hệ khăng khít với nhau. Dân số càng tăng thì nhu cầu sử dụng lâm sản và diện tích đất bình quân cho đầu người càng giảm, từ đó gây thách thức lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội tạo ra vòng luẩn quẩn. Nhìn chung tỷ lệ tăng dân số trong vùng còn tương đối cao 1,6%. Tỷ lệ tăng dân số cao sẽ gây áp lực cho công tác bảo vệ tài nguyên rừng. Do vậy nhiệm vụ đặt ra hàng đầu là vận động bà con thực hiện kế hoạch hóa gia đình nhằm giảm tỷ lệ tăng dân số xuống còn 1,0%.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đa dạng thực vật tại khu bảo tồn thiên nhiên pù hu, tỉnh thanh hóa (Trang 68 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(75 trang)