CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC TRONG CÁC DOANH NGHIỆP
1.2. NỘI DUNG CỦA ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC
1.2.3. Lựa chọn phương pháp đào tạo
Phương pháp đào tạo là cách thức truyền đạt kiến thức, kỹ năng đến người được đào tạo sao cho đạt đến mục tiêu của doanh nghiệp một cách phù hợp và hiệu quả nhất. [8]
Phải lựa chọn phương pháp đào tạo vì có nhiều phương pháp khác nhau, mỗi phương pháp có cách thực hiện khác nhau, có ưu và nhược điểm riêng.
Đồng thời đối với mỗi đối tượng khác nhau, với mỗi loại kiến thức khác nhau, mỗi vị trí công việc và điều kiện tham gia đào tạo của người học khác nhau đòi hỏi phương pháp đào tạo khác nhau. Vì vậy, để chương trình đào tạo có hiệu quả kinh tế cao thì việc lựa chọn đúng phương pháp đào tạo có vai trò hết sức quan trọng. Phương pháp đào tạo phải phù hợp với mục tiêu và đối tượng được đào tạo. Nếu đúng phương pháp đào tạo sẽ tiết kiệm được nhiều kinh phí đào tạo, thời gian và nâng cao chất lượng đào tạo.
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp đào tạo. Nhìn chung tên gọi mỗi phương pháp có thể khác nhau nhưng cách đào tạo và nội dung đào tạo tương đối giống nhau. Cơ sở của việc lựa chọn phương pháp là dựa vào các chương trình đào tạo. Các phương pháp đào tạo được tiến hành cả bên trong lẫn bên ngoài công việc. Bao gồm 2 phương pháp đào tạo:
- Đào tạo trong công việc: là phương pháp đào tạo giúp học viên thực hiện công việc ngay trong quá trình làm việc hay còn gọi là truyền nghề trực tiếp. Người học sẽ được học những kiến thức kỹ năng cần thiết cho công việc thông qua thực tế thực hiện công việc và thường là dưới sự hướng dẫn của những lao động lành nghề.
Các dạng đào tạo trong công việc:
+ Kèm cặp hướng dẫn tại chỗ: Đây là phương pháp phổ biến dùng để dạy các kỹ năng thực hiện công việc. Thông qua quá trình thực hiện công việc, người học sẽ được quan sát, ghi nhớ, học tập và thực hiện công việc theo sự chỉ bảo của những người quản lý giỏi cụ thể như lãnh đạo trực tiếp, cố vấn, những người quản lý có kinh nghiệm hơn. Phương pháp này được áp dụng cho công nhân, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ và nhà quản trị doanh nghiệp.
+ Luân chuyển công việc: Phương pháp này giúp cho nhân viên được luân chuyển làm những công việc khác nhau nhằm cung cấp cho những kiến thức và kinh nghiệm rộng hơn. Nhân viên sẽ nắm được những kỹ năng thực hiện công việc của các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp. Phương pháp này giúp cho việc phân công công việc trong doanh nghiệp linh hoạt hơn, phối hợp hoạt động giữa các phòng, các đơn vị hiệu quả hơn và nhân viên có cơ hội thăng tiến. Ngoài ra, phương pháp này giúp cho nhân viên phát hiện các điểm mạnh, điểm yếu của mình và có kế hoạch đầu tư, phát triển ngành nghề phù hợp, tạo sự hứng thú giúp họ trở thành người đa năng, đa dụng để đối phó mọi tình huống thay đổi về sau. Phương pháp này áp dụng cho cả nhà quản trị lẫn lao động nghiệp vụ và cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vu.
+ Đào tạo theo kiểu học nghề: Theo phương pháp này, chương trình đào tạo bắt đầu bằng việc học lý thuyết trên lớp, sau đó học viên được đưa trực tiếp tới nơi làm việc và thực hành cho tới khi thành thạo tất cả các kỹ năng
của nghề nghiệp. Phương pháp này áp dụng cho công nhân trực tiếp sản xuất, giúp họ có được một nghề hoàn chỉnh.
- Đào tạo ngoài công việc: Là phương pháp tách khỏi sự thực hiện công việc thực tế để tham gia vào các hoạt động học tập nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng mới cần thiết cho nhân viên.
Có những phương pháp sau:
+ Phương pháp tình huống: Phương pháp này dựa trên việc sử dụng bản mô tả các tình huống về vấn đề tổ chức, quản lý. Mỗi học viên sẽ tự nghiên cứu tình huống để nhận diện, phân tích vấn đề, đề xuất các giải pháp và lựa chọn giải pháp tốt nhất. Phương pháp này thu hút mọi người tham gia, phát biểu quan điểm của mình và đề ra quyết định, giúp học viên làm quen với các phân tích, giải quyết các vấn đề thực tiễn. Phương pháp này thường được áp dụng để đào tạo nâng cao năng lực quản trị.
+ Phương pháp nhập vai: Phương pháp này nhà quản trị sử dụng các tình huống hoặc các vấn đề nan giải có thực đã xảy ra trong doanh nghiệp hoặc các doanh nghiệp khác tương tự hay có thể hư cấu, sau đó phân vai một cách tự nhiên cho các học viên nhập vai để giải quyết vấn đề.
+ Tổ chức ra các lớp cạnh tranh doanh nghiệp: doanh nghiệp có thể tổ chức các lớp đào tạo với các phương tiện và trang thiết bị dành riêng cho học tập. Phương pháp này chương trình đào tạo bao gồm cả lý thuyết và thực hành. Phần lý thuyết được giảng dạy tập trung do các quản lý phụ trách. Phần thực hành được tiến hành ngay ở các xưởng do các quản lý hoặc nhân viên lành nghề hướng dẫn ở các điểm thực tập.
+ Phương pháp đào tạo thông qua bài giảng, hội nghị, hội thảo: Doanh nghiệp có thể tổ chức tại doanh nghiệp hoặc cơ sở bên ngoài nhằm cập nhật những thông tin thảo luận đi sâu vào vấn đề để trao đổi kiến thức kinh nghiệm
cho nhau. Phương pháp này được áp dụng cho cả lao động nghiệp vụ và lao động quản lý.
+ Phương pháp cử đi học ở những trường chính quy: Phương pháp này học viên tập trung theo lớp với một chương trình đào tạo được xây dựng công phu, học viên phải theo sự giảng dạy của giảng viên chuyên trách và chịu sự giám sát chặt chẽ của nhà trường.
+ Sử dụng các chương trình hóa với sự giúp đỡ của máy tính: Là cách thức người học sử dụng các chương trình đào tạo được ghi sẵn trên đĩa mềm của máy tính người học và chỉ cần học theo hướng dẫn của máy tính. Đây là phương pháp hiện đại được được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
+ Phương pháp huấn luyện theo mô hình mẫu: Phương pháp này thường được huấn luyện cho những người quản lý cấp dưới cách thức điều khiển, quản lý nhân viên. Huấn luyện cho người quản lý cấp trung về cách thức thực hiện giao tiếp, sửa đổi các thói quen xấu trong công việc. Huấn luyện cho nhân viên và những người quản lý trực tiếp của họ cách thức trình bày các khó khăn, thiết lập các mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau. Với phương pháp này người học được xem phim, trong đó có trình bày mẫu cách thực hiện một vấn đề nhất định cần nghiên cứu, sau đó họ làm theo cách chỉ dẫn. Người hướng dẫn cung cấp các thông tin phản hồi về cách thức thực hiện của học viên, kích thích và động viên để học viên áp dụng bài học vào thực tiễn giải quyết các công việc hàng ngày.
Mỗi phương pháp đều có ưu điểm và nhược điểm riêng, để đào tạo đạt hiệu quả kinh tế cao thì việc lựa chọn phương pháp đào tạo thích hợp đóng vai trò hết sức quan trọng. Nếu chọn đúng phương pháp đào tạo sẽ tiết kiệm được nhiều kinh phí, thời gian và chất lượng đào tạo cũng được nâng cao. Để đạt hiệu quả cao trong đào tạo doanh nghiệp phải sử dụng hợp lý một hoặc kết hợp nhiều phương pháp đào tạo.
So sánh giữa hình thức đào tạo trong công việc và ngoài công việc nhằm giúp ta có thể lựa chọn phương pháp đào tạo tối ưu.