CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ ĐÀO TẠO NGHỀ
1.2. NỘI DUNG ĐÀO TẠO NGHỀ
1.2.3. Nội dung và phương pháp đáp tạo nghề
- Nội dung chương trình đào tạo bao gồm hệ thống các môn học, các chuyên đề được giảng dạy nhằm cung cấp các kỹ năng, kiến thức, các ứng xử cần thiết cho lao động nông thôn.
Xây dựng các chương trình đào tạo nghề: Các chương trình đào tạo nghề là cơ sở để các cơ sở đào tạo nghề thực hiện các hoạt động đào tạo nghề. Các chương trình phải rất cụ thể theo từng nghề và nhóm nghề. Các chương trình hướng đến 2 mục tiêu là trang bị cho người học những kiến thức cơ bản và rèn luyện kỹ năng nghề một cách cụ thể. Để xây dựng chương trình đào tạo nghề, các cơ sở đào tạo nghề phải xác định được hệ thống ngành nghề cơ sở sẽ tham gia đào tạo. Cơ sở xác định hệ thống ngành nghề là phạm vi sản phẩm của các cơ sở đào tạo nghề sẽ cung ứng. Vì vậy, căn cứ xác định hệ thống ngành nghề đào tạo là nhu cầu của các địa phương các cơ sở đào tạo cung ứng laođộng đào tạo. Xét trên khía cạnh này, mối quan hệ giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa với hệ thống ngành nghề sẽ phát sinh là cơ sở để xác định nhu cầu đào tạo. Việc xác định nhu cầu ngành nghề đào tạo là sự kết hợp giữa các địa phương với các cơ sở đào tạo trên địa bàn các địa phương theo mức độ ảnh hưởng của các cơ sở đào tạo. Việc tổ chức xây dựng chương trình đào tạo
thuộc về chức năng của các trường dưới sự chỉ đạo, giám sát và phê duyệt của các cơ quan quản lý nhà nước.
Để có chương trình đào tạo có chất lượng, nhà nước có thể tổ chức xây dựng các chương trình chuẩn theo từng cấp đào tạo nghề, có phần để từng cơ sở đào tạo nghề bổ sung, lựa chọn cho phù hợp với điều kiện từng cơ sở và yêu cầu sử dụng lao động của từng vùng, từng địa phương.
Tuy nhiên, chương trình đào tạo nghề cho laođộng nông thôn so với chương trình đào tạo nghề nói chung, cần cụ thể và dễ hiểu hơn. Thậm chí đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng sâu, vùng xa, cho đồng bào dân tộc ít người cần theo phương thức cầm tay, chỉ việc, hết sức cụ thể, không tách rời mà gắn lý thuyết với thực hành theo từng kỹ năng nghề. Thời gian tổ chức các lớp dạy nghề thường ngắn, vào những thời điểm thích hợp, thường là những lúc nông nhàn.
- Phương pháp đào tạo là cách thức để tiến hành đào tạo. Hay nói cách khác, đó là phương thức cụ thể để truyền tải kiến thức cần đào tạo cho người được đào tạo để đạt được mục tiêu đào tạo.
Các hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn :
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn với đối tượng đa dạng, có những đặc điểm đặc thù. Vì vậy, đây là hoạt động rất phong phú và phức tạp, có thể phân thành các loại hoạt động khác nhau, tùy theo các tiêu chí phân loại có thể phân thành các hình thức đào tạo nghề như sau:
- Theo đối tượng, đào tạo nghề có thể phân thành: đào tạo nghề cho lao động quản lý: giám đốc, đốc công, tổ trưởng… và đào tạo nghề cho lao động trực tiếp như: đào tạo nghề cho nông dân, cho thợ thủ công và lao động dịch vụ. Đào tạo nghề cho lao động quản lý thường hiểu theo nghĩa rộng của đào tạo, khi coi quản lý là một nghề của người quản lý; đào tạo nghề thường gắn
trực tiếp với hoạt động đào tạo cho người lao động trực tiếp mang tính kỹ thuật như nghề gò, hàn, nghề mộc,…
- Theo phương thức, đào tạo nghề có thể phân thành: Dạy nghề và truyền nghề. Dạy nghề là truyền bá những kiến thức về lý thuyết và thực hành để những người lao động nông thôn có được một trình độ, kỹ năng, kỹ xảo, sự khéo léo, thành thục nhất định về nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Dạy nghề gắn với các tổ chức chuyên hoạt động dạy nghề. Truyền nghề là truyền bá kỹ năng thực hành để những người lao động nông thôn có được một trình độ, kỹ năng, kỹ xảo, sự khéo léo, thành thục nhất định về nghề nghiệp. Dạy nghề và truyền nghề thường áp dụng trong đào tạo nghề cho các lao động trực tiếp với các kỹ năng nghề nghiệp mang tính kỹ thuật.
Dạy nghề là phương thức đào tạo nghề của các tổ chức chuyên nên có hệ thống cơ sở vật chất, chương trình, đội ngũ giáo viên đào tạo có chất lượng cao so với các phương thức khác. Kết quả của đào tạo nghề theo phương thức này thường lớn về số lượng, có hiệu quả cao về hoạt động đào tạo, đặc biệt người học có thời gian tập trung cho việc học, nên chất lượng học tập cao.
Tuy nhiên, cùng một nghề nhưng thực tế áp dụng ở mỗi lĩnh vực có khác nhau nên đào tạo nghề qua các cơ sở đào tạo không thể đi vào các hoạt động đặc thù của các cơ sở sử dụng lao động cụ thể. Vì vậy người được đào tạo nghề sau khi được tuyển dụng thường sau thời gian tập sự mới có thể thích ứng với công việc ở chính nghề được đào tạo.
Truyền nghề là phương thức đào tạo nghề của từng cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong các gia đình làm nghề thủ công truyền thống. Truyền nghề có ưu điểm là nội dung đào tạo nghề rất sát với môi trường và tính chất nghề mà người đó hoạt động, vì người được đào tạo được đào tạo các nghề chuyên sâu mà người đó sẽ làm ở ngay chính cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, truyền
nghề diễn ra với quy mô nhỏ, tính chất nghề đa dạng theo từng người hoặc nhóm người theo yêu cầu đào tạo của từng cơ sở. Vì vậy, xét trên phương diện của đào tạo nghề hiệu quả của truyền nghề không cao.
- Theo mức độ của truyền bá kiến thức nghề có đào tạo nghề mới, đào tạo lại nghề và bồi dưỡng nâng cao tay nghề.
Đào tạo nghề mới: là đào tạo những người chưa có nghề, gồm những người đến tuổi lao động chưa được học nghề, hoặc những người trong độ tuổi lao động nhưng trước đó chưa được học nghề. đào tạo mới nhằm đáp ứng tăng thêm lao động có trình độ tay nghề cao cho xã hội. Vì vậy đào tạo mới có thể thực hiện ở các cơ sở đào tạo nghề chuyên hoặc truyền nghề trong từng cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Đào tạo lại nghề: là đào tạo đối với những người đã có nghề, có chuyên môn nhưng do yêu cầu mới của sản xuất và tiến bộ kỹ thuật dẫn đến việc thay đổi cơ cấu ngành nghề, trình độ chuyên môn, một số công nhân được đào tạo lại cho phù hợp với cơ cấu ngành nghề và trình độ kỹ thuật mới. đào tạo lại nhằm tạo cho người lao động có cơ hội để học tập một lĩnh vực chuyên môn mới để thay đổi nghề. Vì vậy, đào tạo lại nghề thường được thực hiện ở các cơ sở đào tạo chuyên, những nơi có đầy đủ phương tiện đào tạo cập nhật các kiến thức nghề mới.
Bồi dưỡng nâng cao tay nghề: Bồi dưỡng có thể coi là quá trình cập nhật hóa kiến thức còn thiếu, đã lạc hậu, bổ túc nghề, đào tạo thêm hoặc củng cố các kỹ năng nghề nghiệp theo từng chuyên môn và thường được xác nhận bằng một chứng chỉ hay nâng lên bậc cao hơn. Bồi dưỡng nâng cao tay nghề cũng thường được thực hiện ở những cơ sở đào tạo chuyên.
Các thuật ngữ đào tạo nghề mới, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao tay nghề được sử dụng cho cả trường hợp đào tạo nghề cho lao động quản lý và
đào tạo nghề cho người lao động trực tiếp.
- Xét theo thời gian của đào tạo nghề và các kết quả người học đạt được có cao đẳng nghề, trung cấp nghề và bồi dưỡng nghề. Tương ứng với các cấp độ của dạy nghề đó có bằng cao đẳng, trung cấp và chứng chỉ nghề. Ở các nước, trong đó có Việt Nam hệ thống đào tạo chuyên nghiệp và nghề lập thành một hệ thống từ trên đại học, đại học… đến bồi dưỡng nghề, tổ chức và phân bố từ thành phố cho đến nông thôn, trong đó đào tạo nghề được xác lập từ cao đẳng nghề đến bối dưỡng nghề. Vì vậy, người lao động có nhiều cơ hội tham gia vào quá trình đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn.