Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ GIẢI QUYẾT KHIẾU KIỆN HÀNH CHÍNH VỀ ĐẤT ĐAI
1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết khiếu kiện hành chính về đất đai
1.3.1. Sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng
- Sự lãnh đạo đúng đắn của cấp ủy Đảng, minh bạch và coi trọng công tác giải quyết khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực đất đai sẽ tác động tích cực đến tâm lý của người sử dụng đất và những người liên quan, họ sẽ mạnh dạn hơn trong việc thực hiện quyền khiếu nại của mình, tâm lý e dè và sợ sệt vì đụng chạm đến cơ quan công quyền sẽ dần được xóa bỏ. Ở góc độ này, có
thể nói khiếu kiện hành chính về đất đai phát sinh nhiều không phải là hiện tượng tiêu cực mà ngược lại đó là biểu hiện của nền dân chủ.
Về phía cơ quan giải quyết, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong lĩnh vực này cụ thể là bằng việc thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng được thể hiện chế hóa trong pháp luật sẽ làm cho việc khiếu kiện hành chính về đất đai có hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức cũng như cải thiện tốt mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân.
1.3.2 . Yếu tố chính sách, pháp luật về đất đai
Giải quyết khiếu kiện về đất đai phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống văn bản pháp luật đất đai, bởi vì ngoài việc tuân thủ pháp Luật tố tụng hành chính còn phải căn cứ vào pháp luật nội dung để giải quyết vụ việc.
Nếu chính sách, pháp luật đất đai rõ ràng, minh bạch và lấy lợi ích của người dân làm tâm trong việc ban hành chính sách, pháp luật thì người sử dụng đất sẽ chấp hành pháp luật tốt hơn, hạn chế hơn số lượng khiếu nại cũng như khiếu kiện và cơ quan giải quyết sẽ thuận lợi hơn và dễ dàng hơn trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết vấn đề và vì vậy quyết định giải quyết sẽ có hiệu lực thi hành trên thực tế. Ngược lại nếu chính sách pháp luật đất đai không rõ ràng, minh bạch và có nhiều mâu thuẫn chồng chéo nhau thì tình trạng khiếu nại nhiều hơn và cơ quan giải quyết sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc áp dụng pháp luật để làm cơ sở giải quyết vấn đề.
1.3.3 . Năng lực xét xử trong giải quyết khiếu kiện hành chính về đất đai
Áp dụng pháp luật là một trong những hình thức cơ bản của thực hiện pháp luật do người có thẩm quyền căn cứ vào quy định của pháp luật để ra quyết định hay thực hiện hành vi hành chính mà hậu quả pháp lý của quyết định hay hành vi đó sẽ làm nảy sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một quan hệ pháp luật đất đai. Đây là quá trình phức tạp với nhiều yếu tố khác nhau, đòi
hỏi chủ thể xét xử đối với các quyết định, hành chính hành chính này phải hiểu rõ cả về pháp luật và cả thực tiễn quản lý hành chính nhà nước để có các quyết định, bản án tốt.
Thực tiễn cho thấy, áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu kiện hành chính về đất đai không hề đơn giản bởi số lượng văn bản pháp luật về đất đai quá nhiều, các vụ việc về đất đai lại hết sức phức tạp, trong đó có các yếu tố lịch sử để lại, nên chủ thể áp dụng cần nắm chắc vấn đề áp dụng cho phù hợp với tình tiết, nội dung vụ việc làm cơ sở giải quyết. Ngoài ra việc áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu kiện hành chính về đất đai còn đỏi hỏi tính sáng tạo bởi trên thực tế nhiều quy phạm pháp luật đất đai mâu thuẩn, chồng chéo nhau mặt khác xã hội luôn vận động và không ngừng phát triển, đến một thời điểm nhất định quy phạm pháp luật hiện có sẽ không điều chỉnh hết mọi tình huấn phát sinh trong thực tiễn do vậy trong những trường hợp này chủ thể áp dụng pháp luật phải linh hoạt để giải quyết vấn đề cho phù hợp nhưng phải tuân thủ nguyên tắc việc vận dụng pháp luật đó phải đảm bảo được lợi ích của Nhà nước, của xã hội; bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân nhưng không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Từ đó, yêu cầu người áp dụng pháp luật (Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân) phải có ý thức pháp luật cao, trình độ chuyên môn vững vàng, đạo đức trong sáng, dày dặn kinh nghiệm và có tri thức tổng hợp nếu không đáp ứng được những yêu cầu này sẽ dễ dẫn đến sai sót trong quá trình giải quyết vụ việc dễ đưa đến một quyết định giải quyết trái pháp luật và sẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài.
1.3.4. Thượng tôn và thi hành pháp luật trong Nhà nước pháp quyền và yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền công dân
Khiếu nại, khiếu kiện là một trong những quyền tự nhiên của con người trước những vi phạm để tự bảo vệ mình. Hay nói một cách khác, bản chất của
quyền khiếu kiện là quyền tự vệ hợp pháp trước những hành vi vi phạm để tự bảo vệ mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích của xã hội. Đó là quyền hiến định, quyền phản hồi, quyền dân chủ và hơn thế nữa, đó là quyền để bảo vệ quyền.
Chính vì vậy, khiếu kiện là hiện tượng khách quan trong đời sống xã hội.
Theo bản chất của mình, Đảng, Nhà nước và xã hội Việt Nam tôn trọng và bảo đảm, bảo vệ các quyền đó của công dân, nói rộng ra là của cá nhân, tổ chức.
Ở nước ta hiện nay, khiếu kiện là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận, Điều 30 Hiến pháp 2013 quy định:
“Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”.
Trên cơ sở đó, quyền khiếu nại về đất đai của công dân đã được cụ thể hóa trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân và Luật tố tụng hành chính dưới hình thức khiếu kiện hành chính. Đây chính là những cơ sở pháp lý cần thiết để công dân có thể bảo vệ quyền của mình. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc rất lớn vào việc thượng tôn pháp luật của Tòa án, các Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử. Những sai lệch trong xét xử phụ thuộc rất nhiều vào thái độ, tinh thần thượng tôn pháp luật của người xét xử. Vấn đề đặt ra chủ yếu hiện nay là làm trong sạch bộ máy nhà nước, kiểm soát tốt quyền lực tư pháp, đồng thời cũng qua đó phát huy dân chủ.
Kết luận chương 1
Giải quyết khiếu kiện hành chính về đất đai là hoạt động xét xử của cơ quan tư pháp cụ thể là Tòa án góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiệm chỉnh chấp hành pháp luật; bảo đảm tính ổn định, thông suốt và hiệu lực của nền hành chính quốc gia. Vấn đề trước hết đặt ra là phải nhận thức đầy đủ các khía cạnh lý luận xung quanh hoạt động này.
Trong luận văn, tác giả đã xác định khái niệm, đặc điểm và vai trò của giải quyết khiếu kiện hành chính về đất đai, đã chỉ ra các nguyên tắc, thẩm quyền xét xử và thủ tục giải quyết khiếu kiện hành chính về đất đai. Đồng thời, luận văn cũng xác định các yếu tố ảnh hướng đến hiệu quả giải quyết khiếu kiện hành chính về đất đai.
Việc làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về giải quyết khiếu kiện hành chính về đất đai không chỉ có ý nghĩa nhận thức lý luận mà còn là cơ sở để xem xét thực trạng giải quyết khiếu kiện hành chính về đất đai và nghiên cứu đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu quả giải quyết đối với khiếu kiện loại này.
Chương 2