Những yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở từ thực tiễn tỉnh Long An (Trang 29 - 33)

Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ

1.4. Những yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở

Ở Việt Nam, việc thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở chịu sự chi phối và ảnh hưởng sâu sắc của nhiều yếu tố như kinh tế, văn hóa, tư tưởng, truyền thống, tôn giáo...

Trong thời đại hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là cơ sở tinh thần rất quan trọng cho hòa giải. Đó là sự tiếp thu và kế thừa có chọn lọc những tư tưởng nhân bản truyền thống với tinh thần cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân, đồng thời có sự phát triển sáng tạo phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh đất nước ta trong thời đại mới. Đây là điều kiện cơ bản để tạo ra một đời sống dân chủ có tính thống nhất và ổn định. Có thể nói ý thức hòa giải, đoàn kết cộng đồng của con người Việt Nam là cơ sở bền vững cho những giá trị truyền thống trong văn hoá Việt Nam và tư tưởng hòa giải nhằm duy trì và bảo vệ sự cố kết cộng đồng trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

Đó là yếu tố tác động tích cự khiến nhà nước quan tâm ban hành các quy định pháp luật hòa giải và quán triệt việc thực hiện các quy định đó trên thực tế. Nếu trong nhân dân không thấm nhuần tư tưởng đoàn kết thì việc ban hành quy định về HGCS cũng như việc thực hiện pháp luật về HGCS chắc chắn sẽ gặp những khó khăn nhất định hoặc khó đạt được những kết quả như mong muốn.

- Ảnh hưởng của các yếu tố tôn giáo đối với việc thực hiện pháp luật về HGCS. Ở đây bàn đến triết lý hòa giải của Phật giáo. Mặc dù Việt Nam là nước tôn trọng tự do tôn giáo nên có nhiều tôn giáo cùng tồn tại và phát triển trong đời sống

26

của nhân dân nhưng ảnh hưởng sâu sắc nhất là Phật giáo - tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Truyền thống hòa giải Việt Nam thấm nhuần triết lý Phật giáo. Phật giáo du nhập vào các quốc gia ở Đông Nam Á từ rất sớm và nhanh chóng trở thành bộ phận văn hóa các dân tộc. Trong khoảng từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV, Phật giáo còn có chức năng là hệ tư tưởng chính thống tiêu biểu cho ý thức quốc gia, tinh thần độc lập tự chủ của một làn sóng hình thành quốc gia dân tộc.

Hiểu theo nghĩa rộng, văn hóa hòa giải theo quan niệm của Phật giáo là cấu trúc lớn bao gồm ba cột trụ cơ bản: hòa giải giữa cá nhân với bản thân, hòa giải giữa con người với con người và hòa giải giữa con người với thiên nhiên [76]. Hòa giải giữa cá nhân với bản thânchính là trụ cột cơ bản nhất bởi xung đột, mâu thuẫn trước tiên xuất hiện từ bên trong tâm thức của con người. “Tâm bình thế giới bình”.

Tinh thần vô ngã vị tha, tư tưởng hòa bình, hòa hợp của Phật giáo đã giúp cho đạo Phật dễ dàng hòa nhập và thích nghi với phong tục tập quán của các nước mà Phật giáo truyền bá đến trong đó có Việt Nam. Sự duy trì và phát hy những giá trị tích cực của Phật giáo trong đời sống cộng đồng dân cư người Việt sẽ góp phần giúp cho việc thực hiện pháp luật về HGCS dễ dàng, thuận tiện hơn. Một bộ phận dân cư nếu có tri thức đúng về giá trị tinh hoa của Phật giáo sẽ dễ dàng chấp nhận những giải pháp mang tính thân thiện, hòa bình mà hòa giải viên đưa ra. Như vậy, việc thực hiện pháp luật về HGCS dẽ dàng đạt mục tiêu.

- Ý thức pháp luật và văn hóa pháp lý: Ý thức pháp luật là một bộ phận của hình thái ý thức xã hội. Ý thức pháp luật bao gồm hai bộ phận: tâm lý pháp luật và hệ tư tưởng pháp luật. Tâm lý pháp luật hình thành một cách tự phát dưới dạng tình cảm, tâm trạng, cảm xúc của các cá nhân và các nhóm xã hội đối với pháp luật và các hiện tượng pháp lý xảy ra trong đời sống xã hội. Tâm lý pháp luật biểu hiện cấp độ nhận thức thông thường dựa trên cơ sở tình cảm pháp luật truyền thống, kinh nghiệm sống, tập quán và tâm lý xã hội. Ở cấp độ này, ý thức pháp luật mới chỉ thể hiện sự thừa nhận, tiếp thu và xử sự theo sự thừa nhận, tiếp thu đó: điều hay, lẽ phải, việc nên làm, điều nên tránh… theo tình cảm hướng thiện. Hệ tư tưởng pháp

27

luật là tổng hợp các tư tưởng, quan điểm, quan niệm có tính chất lý luận và khoa học về pháp luật và các hiện tượng pháp luật một cách sâu sắc, tự giác dưới dạng các khái niệm, các phạm trù khoa học. Nó là cơ sở để sáng tạo các giá trị pháp luật, phổ biến các tư tưởng, quan điểm pháp luật tiến bộ, nhân văn trong xã hội. Ý thức pháp luật là sản phẩm của quá trình phát triển xã hội chịu ảnh hưởng sâu sắc của các hệ tư tưởng và quan niệm xã hội. Ý thức pháp luật - đó là trình độ hiểu biết của các tầng lớp nhân dân về pháp luật.

Văn hóa pháp lý bao gồm các yếu tố sau: ý thức pháp luật; hệ thống pháp luật; hành vi, lối sống theo pháp luật của từng cá nhân, cộng đồng và cách thức, trình độ sử dụng các công cụ pháp luật của nhà nước trong quá trình quản lý nhà nước và xã hội. Bản chất của văn hoá pháp lý được thể hiện ở sự hài hoà giữa tính nhân văn, tính xã hội (tính cộng đồng). Tính nhân văn thể hiện ở chỗ nó phản ánh các nhu cầu và lợi ích của con người, quy định và điều chỉnh các quan hệ giữa người với người theo những chuẩn mực chung, đó là an toàn, công khai, dân chủ, bình đẳng, công bằng, tự do. Khi tham gia vào đời sống pháp luật, mỗi chủ thể đều phải tôn trọng những chuẩn mực chung; phải gạt bỏ hoặc tự hạn chế những yêu cầu riêng, lợi ích riêng. Những chuẩn mực chung này được thể hiện công khai, cụ thể dưới dạng những nguyên tắc, quy tắc ứng xử với những yêu cầu cụ thể. Do đó, tính nhân văn của văn hóa pháp lý không những chỉ được thể hiện dưới dạng hình thức xác định mà còn có điều kiện để bảo đảm thực hiện và được bảo vệ khi nó bị xâm hại. Tính nhân văn trong văn hoá pháp lý trở thành yêu cầu, cách sống, các chủ thể phải được tôn trọng, phải tôn trọng lẫn nhau, có nghĩa vụ và trách nhiệm với mình và với xã hội, vì vậy có ảnh hưởng rất lớn đến thể chế hòa giải ở Việt Nam. Tính nhân văn đòi hỏi con người sống vì người khác, những người khác sống vì một người; biết chia sẻ, nhường nhịn để có cuộc sống yên bình, hạn chế xung đột, mâu thuẫn. Bên cạnh đó, tính xã hội của văn hoá pháp lý cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến thể chế hòa giải. Pháp luật là một đại lượng chung, thể hiện ý chí chung của các tầng lớp trong xã hội; đó không phải là con số cộng đơn giản các ý chí, lợi ích của từng cá nhân hay nhóm xã hội, mà là sự kết tinh những cái có tính điển hình, phổ

28

biến, hợp lý và được thừa nhận rộng rãi. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của các mối quan hệ xã hội, pháp luật chỉ có khả năng lựa chọn những cái cơ bản, điển hình, phổ biến để quy định và điều chỉnh và thông qua đó để tác động tới các quan hệ xã hội khác vận động và phát triển theo đúng quy luật, định hướng, yêu cầu và mục đích đặt ra. Thể chế hòa giải là một thể chế phi cưỡng chế, hoàn toàn tự nguyện, không cần dùng nhiều đến pháp luật, vì vậy đã tồn tại và phát huy tác dụng của mình trong việc thực hiện pháp luật mà không cần đến bộ máy cưỡng chế nào.

Kết luận chương 1

Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận và pháp luật hòa giải ở cơ sở trong Chương 1, tác giả tập trung phân tích khái niệm, đặc điểm, vai trò của Hòa giải ở cơ sở; hoạt động quản lý Nhà nước thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở; phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở, từ đó nâng cao nhận thức và có sự quan sâu sắc đến hoạt động Hòa giải ở cơ sở.

Những vấn đề lý luận đã trình bày ở Chương 1 là cơ sở tốt nhất để phân tích và đánh giá thực trạng thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Long An trong những năm qua.

29 Chương 2

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở từ thực tiễn tỉnh Long An (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)