Phần 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tình hình quản lý và sử dụng đất tại xã Phúc Hà
4.1.1. Điều kiện tự nhiên
4.1.1.1. Vị trí địa lý
Xã Phúc Hà nằm ở phía Tây Bắc của thành phố Thái Nguyên, có tổng diện tích tự nhiên là 648,67 ha, với mật độ dân số trung bình là 6,31 người/ha, có vị trí địa lý tiếp giáp với các đơn vị hành chính sau:
- Phía Đông giáp phường Quan Triều và xã Quyết Thắng - Phía Tây giáp huyện Đại Từ - tỉnh Thái Nguyên;
- Phía Nam giáp xã Quyết Thắng;
- Phía Bắc giáp huyện Phú Lương - tỉnh Thái Nguyên.
Xã Phúc Hà không thuận lợi về mặt giao thông đô thị do không có các tuyến đường dân sinh lớn đi qua, đường Phúc Hà nối khu vực phía bắc của xã với đường Dương Tự Minh thuộc phường Quan Triều. Ngoài ra, tuyến đường tránh thành phố Thái Nguyên, một phần của đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đi qua địa bàn song không có điểm đấu nối với các tuyến đường của xã. Tuyến đường sắt Quan Triều - Núi Hồng cũng đi qua địa bàn đông bắc của xã. Xã Phúc Hà có suối Phượng Hoàng chảy qua ở phía bắc và giáp với suối Mỏ Bạch ở phía nam, cả hai đều đổ nước trực tiếp ra sông Cầu.
4.1.1.2. Địa hình,địa mạo.
Xã Phúc Hà là một xã nằm về phía tây bắc thành phố Thái Nguyên. So với mặt bằng chung các xã thuộc thành phố Thái Nguyên, xã Phúc Hà có địa hình chủ yếu là đồi núi xen kẽ cánh đồng nhỏ.
4.1.1.3. Khí hậu, thời tiết
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, với đặc điểm chung mùa hè nóng ẩm mưa nhiều, thời tiết chia làm 4 mùa; Xuân - Hạ - Thu - Đông, song chủ
yếu là 2 mùa chính: Mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng 4 đến thàng 10, mùa khô từ thàng 11 đến tháng 3 năm sau, cụ thể:
- Chế độ nhiệt: Nhiệt độ trung bình năm khoảng 22 - 23oC. Chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khoảng 2 - 5oC. Nhiệt độ cao tuyệt đối là 37oC, nhiệt độ thấp tuyệt đối là 3oC
- Nắng: Số giờ nắng cả năm là 1.588 giờ. Tháng 5 - 6 có số giờ nắng nhiều nhất (khoảng 170 - 180 giờ).
- Lượng mưa: Trung bình năm khoảng 2007 mm/năm, tập trung chủ yếu vào mùa mưa (tháng 6, 7, 8, 9) chiếm 85% lượng mưa cả nă, trong đó tháng 7 có số ngày mưa nhiều nhất.
- Độ ẩm không khí: Trung bình đạt khoảng 82%. Độ ẩm không khí nhìn chung không ổn định và có sự biến thiên theo mùa, cao nhất vào tháng 7 (mùa mưa) lên đến 86,8%, thấp nhất vào tháng 3 (mùa khô) là 70%. Sự chênh lệch độ ẩm không khí giữa 2 mùa khoảng 10 - 17%.
- Gió, bão: Hướng gió thịnh hành chủ yếu vào mùa nóng là gió mùa Đông Nam và mùa lạnh là gió mùa Đông Bắc. Do nằm xa biển nên xã Phúc Hà nói riêng và thành phố Thái Nguyên nói chung ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão.
4.1.1.4. Thủy văn
Xã Phúc Hà có một số ao, hồ dải rác và suối nhỏ chạy dọc theo địa giới hành chính về phía Đông Nam và Tây Bắc, là nơi điều tiết nước, đồng thời cung cấp nước cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp
4.1.1.5. Các nguồn tài nguyên a. Tài nguyên đất.
Với tổng diện tích 648,67 ha đất tự nhiên bao gồm: Đất Feralít nâu vàng trên các vùng đồi thấp và đất phù sa cổ tại các cánh đồng. Tuy nhiên tầng đất này có xuất hiện nhiều cuội sỏi trong tầng phẫu diện, đất tơi xốp. Đất
chua nghèo lân, lượng nhôm di động trong đất cao. Về thành phần hóa học, tỷ lệ mùn trong đất trung bình, đạm tổng số và đạm dễ tiêu khá, đất có phản ứng chua, chất dinh dưỡng trung bình. Loại đất này thích hợp cho trồng lúa màu và cây hàng năm.
b. Tài nguyên nước.
- Nguồn nước mặt: Nguồn nước mặt chủ yếu tập trung tại các ao trong khu dân cư, được cung cấp bởi nước mưa tự nhiên. Trên địa bàn xã còn có kênh Hồ Núi Cốc dẫn nước từ Hồ Núi Cốc chảy qua cung cấp một lượng nước lớn phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Nhưng do quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh, hệ thống thoát nước thải vẫn chưa hoàn thiện nên tại các ao trên địa bàn xã cũng đã có dấu hiệu ô nhiễm. Đây là diện tích đất mặt nước không chỉ có vai trò trong nuôi trồng thủy hải sản mà còn rất quan trọng trong việc điều hòa sinh thái cho các khu vực dân cư. Trong tương lai với việc mở rộng các khu dân cư cần phải chú trọng đến việc dành diện tích đất xây dựng hồ để đảm bảo vấn đề điều hòa sinh thái.
- Nguồn nước ngầm: Mặc dù chưa có điều tra, khảo sát, đánh giá đầy đủ về trữ lượng và chất lượng nước ngầm, song qua hệ thống giếng khoan của một số hộ gia đình trong xã cho thấy trữ lượng nước ngầm khá dồi dào nhưng chất lượng chưa tốt vì phần lớn bị nhiễm phèn trong các tháng mùa khô nên ảnh hưởng đến khai thác sử dụng. Hiện tại đây là nguồn cung cấp nước chủ yếu sử dụng trong sinh hoạt của một bộ phận dân cư.
c. Tài nguyên khoáng sản
Trên địa bàn xã Phúc Hà có mỏ than Khánh Hòa đang hoạt động.Tuy nhiên hoạt động khai thác cùng các bãi thải cao như những ngọn núi của mỏ cũng gây ra một số hậu qủa như ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.
4.1.1.6. Nhận xét chung về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan môi trường
* Lợi thế: Phúc Hà có vị trí địa lý thuận lợi, trên địa bàn xã còn có các bến, bãi buôn bán than, đá, vật liệu xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, khoa học kỹ thuật và thông tin văn hóa với các xã, phường trong thành phố, huyện, tỉnh bạn đó là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển một nền kinh tế đa dạng.
Đất đai màu mỡ phì nhiêu, địa hình bằng phẳng kết hợp với hệ thống thủy lợi nội đồng tương đối toàn diện. Người dân nơi đây có truyền thống cần cù, chịu khó năng động sáng tạo, trình độ thâm canh cao, ngành nghề truyền thống đang được khôi phục và trên đà phát triển là những lợi thế để thúc đẩy nền kinh tế của xã phát triển.
* Hạn chế: Phúc Hà là xã nội đồng, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, mật độ dân số lớn (khoảng 1261/km2), bình quân diện tích đất nông nghiệp trên đầu người thấp (0,057 ha/người). Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, chưa thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm; sản xuất vật liệu xây dựng công nghệ còn quá thô sơ và lạc hậu, chủ yếu là thủ công; sản xuất thị trường đầu ra còn nhỏ lẻ, chưa khai thác và phát huy được hết các tiềm năng hiện có.