CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG BÁN LẺ TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.4. Các nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng bán lẻ
1.4.1. Các nhân tố chủ quan
- Chính sách cho vay của ngân hàng
Chính sách cho vay của ngân hàng là những nguyên tắc, phương pháp chỉ đạo tiêu chuẩn đối với danh mục cho vay của ngân hàng. Chính sách cho vay bao gồm các yếu tố như: hạn mức cho vay đối với một khách hàng, kỳ hạn của khoản vay, lãi suất cho vay, các loại hình cho vay được thực hiện, hướng giải quyết phần cho vay bị vượt giới hạn, các khoản vay có vấn đề, quy định về TSĐB, cách thức thanh toán nợ… Tất cả những yếu tố đó đều tác động trực tiếp đến hoạt động tín dụng bán lẻ của ngân hàng. Do đặc điểm của tín dụng bán lẻ là số lượng các món vay lớn trong khi quy mô của từng món vay lại nhỏ nên việc áp dụng mức lãi suất, kỳ hạn cần phải linh hoạt, có những ưu đãi nhất định để thu hút được cá nhân sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tín dụng bán lẻ của ngân hàng.
Việc xây dựng một chính sách riêng đối với hoạt động tín dụng bán lẻ
sẽ giúp ngân hàng xác định rõ hơn mục tiêu cần hướng tới cũng như phân bổ và sử dụng các nguồn lực bên trong ngân hàng một cách hiệu quả. Nếu các yếu tố trong chính sách cho vay của ngân hàng đưa ra đúng đắn, linh hoạt, phù hợp với sự thay đổi của môi trường kinh tế xã hội, đáp ứng được các nhu cầu đa dạng khác nhau của khách hàng sẽ giúp cho ngân hàng dễ dàng hơn trong việc thực hiện mục tiêu phát triển tín dụng bán lẻ.
- Quy trình cho vay
Quy trình cho vay quy định các bước cần thiết phải thực hiện trong quá trình cho vay bao gồm từ khi chuẩn bị cho vay, giải ngân, thu nợ, đảm bảo an toàn vốn, được tiến hành từ khi bắt đầu phân tích nhu cầu cho đến khi thu hồi được cả vốn lẫn lãi. Sự kết hợp nhịp nhàng giữa các bước sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng phát hiện kịp thời các khuyết điểm, nắm được diễn biến của các khoản cho vay để có biện pháp can thiệp nhanh chóng nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra.
Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào và trong mọi trường hợp đều thực hiện đúng như quy trình đã nêu ra một cách cứng nhắc mà cần có sự linh hoạt trong từng món vay để không gây ra sự khó khăn cho khách hàng, gây mất thời gian và chi phí cho chính bản thân ngân hàng. Đối những món vay có quy mô nhỏ thì ngân hàng có thể giảm bớt các thủ tục, giấy tờ, không cần TSĐB. Nếu ngân hàng vẫn áp dụng đầy đủ thủ tục cho những khoản vay có giá trị quá nhỏ thì sẽ gây mất thời gian cho cán bộ tín dụng và làm giảm hiệu quả công việc đồng thời mất đi khả năng thu hút khách hàng.
- Cán bộ tín dụng
Trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, thái độ phục vụ… của cán bộ tín dụng có ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của ngân hàng, những yếu tố trên có thể tạo nên hình ảnh tốt cho ngân hàng nhưng cũng có thể gây nên những ấn tượng xấu cho ngân hàng vì chính những cán bộ tín dụng là người
tiếp xúc trực tiếp với khách hàng khi họ có nhu cầu vay vốn. Do số lượng các món vay cá nhân là rất lớn nên một ngân hàng cần phải có số lượng cán bộ tín dụng hợp lý, phân công công việc cụ thể để không xảy ra trường hợp một cán bộ tín dụng phải quản lý quá nhiều các khoản vay hay có quá nhiều cán bộ sẽ làm gia tăng chi phí của ngân hàng, thực hiện tốt những điều đó sẽ góp phần giúp ngân hàng có thể mở rộng, phát triển không chỉ hoạt động tín dụng bán lẻ mà tất cả các hoạt động khác.
Mặt khác, trong giai đoạn mà cạnh tranh giữa các ngân hàng khốc liệt như ngày nay, nếu ngân hàng muốn đáp ứng tốt các nhu cầu đa dạng khác nhau của khách hàng bằng các sản phẩm tín dụng bán lẻ thì yếu tố nhân lực cần phải được quan tâm đúng mức. Cán bộ ngân hàng không những có trình độ chuyên môn cao mà còn cần phải có đạo đức nghề nghiệp để tránh xa các cám dỗ vật chất, đánh giá khách hàng một cách trung thực, khách quan có như vậy mới có thể đưa ra những quyết định chính xác.
- Quy mô hoạt động của ngân hàng
Vốn huy động của ngân hàng được hình thành chủ yếu từ tiền gửi cá nhân và các tổ chức trong nền kinh tế. Phần lớn vốn huy động sẽ được ngân hàng đưa ra cho vay. Tại Việt Nam, theo quy định thì tỷ lệ cho vay không được quá 15% vốn tự có, tỷ lệ mua sắm tài sản cố định không được quá 50%
vốn tự có.
Vì vậy, quy mô vốn huy động của ngân hàng có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách hàng. Đồng thời, do hoạt động của ngân hàng cần phải được đa dạng hóa để giảm thiểu rủi ro nên khi vốn huy động của ngân hàng được tăng cường sẽ dễ dàng hơn trong việc triển khai thêm sản phẩm, dịch vụ khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu người cá nhân, làm tăng khả năng cạnh tranh và vị thế của ngân hàng đối với các ngân hàng hay định chế tài chính khác.
- Nhân tố công nghệ Ngân hàng
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng bán lẻnói riêng sẽ thúc đẩy nhanh chóng quá trình thu thập, phân tích thông tin và xử lý công việc của cán bộ ngân hàng. Công nghệ Ngân hàng cho phép Ngân hàng đẩy nhanh tốc độ công việc, độ an toàn cao hơn do đó sẽ giảm được sự can thiệp của con người từ đó tạo ra được lợi thế cạnh tranh.
Hơn nữa, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, ngân hàng có thể quản lý danh sách khách hàng một cách dễ dàng hơn, thông tin khách hàng được cập nhật trên hệ thống một cách bài bản thông qua hệ thống xếp hạng tín dụng cá nhân giúp ngân hàng có thể tiết kiệm được nhân công cũng như chi phí quản lý, góp phần giảm giá thành dịch vụ và dễ dàng hơn trong việc ra quyết định cho vay. Đó là nền tảng quan trọng giúp ngân hàng phát triển tín dụng bán lẻ.