CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG BÁN LẺ TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.4. Các nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng bán lẻ
1.4.2. Các nhân tố khách quan
Với vai trò là trung gian tài chính quan trọng trong nền kinh tế nên môi trường kinh tế có tác động lớn và ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động của ngân hàng, đặc biệt là hoạt động tín dụng bán lẻ. Nếu như môi trường kinh tế phát triển, các cá nhân có nhu cầu chi tiêu cao hơn, các hộ gia đình và các doanh nghiệp siêu nhỏ có nhu cầu mở rộng kinh doanh hơn thì từ đó sẽ đẩy mạnh tín dụng bán lẻ. Ngược lại, nền kinh tế suy thoái, giảm chi tiêu, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoạt động thì nhu cầu về tín dụng bán lẻ giảm, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của tín dụng bán lẻ.
- Nhân tố xã hội
Các nhân tốt xã hội như: phong tục tập quán, trình độ dân trí, tín ngưỡng, các quan niệm xã hội…cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhu cầu, thói
quen cá nhân của người dân từ đó tác động đến hoạt động tín dụng bán lẻ của ngân hàng.
Ảnh hưởng tới phát triển cho vay khách hàng cá nhân:
+ Tập quán tiêu dùng: Nhân tố này ảnh hưởng đáng kể đến phát triển cho vay khách hàng cá nhân; cụ thể : Một NHTM có thể phát triển được hoạt động cho vay của mình nếu ở vùng dân cư đó nhu cầu chi tiêu nhiều vào việc tham gia sản xuất kinh doanh, đầu tư hay chi tiêu mua sắm các tài sản có giá trị. Hơn nữa, ở Việt Nam thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt vẫn là chủ yếu.
Do đó sẽ khó khăn phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Do vậy, NHTM muốn xây dựng chiến lược phát triển khách hàng cá nhân nhất thiết phải nghiên cứu tiêu dùng ở địa phương đó, đồng thời đưa ra các giải pháp một cách phù hợp.
+ Trình độ dân trí: Là nhân tố ảnh hưởng chủ yếu đến quyết định sử dụng các dịch vụ, sản phẩm của ngân hàng. Ở những địa bàn có trình độ dân trí cao, người ta sẽ chú ý đến các dịch vụ của ngân hàng và từ đó Ngân hàng có cơ hội phát triển tín dụng bán lẻ ở những địa bàn đó.
+ Yếu tố xã hội: Quy mô dân số, mật độ dân cư, tháp dân số, kết cấu dân số, trật tự an toàn xã hội...ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ cho vay với khách hàng. Thông thường ở những địa bàn có quy mô dân số lớn, kết cấu dân số trẻ, trong độ tuổi lao động thì cơ hội phát triển tín dụng bán lẻtốt hơn và ngược lại.
- Nhân tố chính trị pháp luật
Sự ổn định của môi trường chính trị có ảnh hưởng rất rõ nét đối với hoạt động của các NHTM bởi một quốc gia có nền chính trị ổn định sẽ thu hút các nguồn đầu tư từ nhiều hướng khác nhau, kinh tế phát triển bền vững, chất lượng cuộc sống của người dân được đảm bảo.
Bên cạnh sự ổn định về chính trị thì một hệ thống pháp luật chặt chẽ,
quy định phạm vi hoạt động của các cá nhân cũng như các thành phần kinh tế trong xã hội một cách rõ ràng cũng góp phần phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ. Do đó, các văn bản, quy định pháp luật được xây dựng một cách chặt chẽ, đồng bộ sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng cũng như hạn chế được những vướng mắc không cần thiết giữa ngân hàng và khách hàng trong quan hệ vay mượn. Nếu hệ thống pháp luật nói chung và các quy định về hoạt động tín dụng bán lẻ nói riêng thể hiện sự đầy đủ, cụ thể và rõ ràng sẽ hấp dẫn nhiều khách hàng tìm đến ngân hàng hơn do quyền lợi của họ được bảo vệ, đồng thời khuyến khích các ngân hàng tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực tín dụng bán lẻ. Ngược lại, khi các quy định còn mang tính chung chung, không cụ thể rõ ràng sẽ tạo ra khe hở dẫn đến rủi ro cho cả khách hàng và ngân hàng. Các chủ trương chính sách của Nhà nước đặc biệt là các chính sách và chương trình liên quan đến kinh tế có ảnh hưởng đến định hướng hoạt động của ngân hàng.
- Nhân tố khách hàng
Nhu cầu cá nhân của khách hàng:
Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển mà nhu cầu về các sản phẩm cá nhân của khách hàng sẽ có những thay đổi và ngân hàng cần phải xác định được sự thay đổi nhu cầu đó để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ phù hợp ở thời điểm hiện tại và đón đầu được trong tương lai. Nếu phát hiện các nhu cầu một cách chậm chạp sẽ khiến ngân hàng bỏ lỡ cơ hội kinh doanh và có thể đưa ra các sản phẩm lỗi thời không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại.
Trong khi đó nếu ngân hàng đưa ra thị trường các sản phẩm mới nhưng người cá nhân chưa có nhu cầu sử dụng thì sản phẩm đó sẽ không được tiêu thụ và nó sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.
Khả năng tài chính của khách hàng:
Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu vay cá nhân và
khả năng trả nợ của khách hàng. Do vậy, xem xét mức thu nhập của người cá nhân có vai trò quan trọng trong quyết định cho vay của các ngân hàng. Các khoản tín dụng bán lẻ có độ an toàn cao khi người cá nhân có thu nhập cao và ổn định. Bên cạnh đó, với những người có thu nhập cao và ổn định, họ sẽ có ý thức cao trong việc thanh toán nợ cho ngân hàng để tránh những rắc rối về mặt pháp lý có thể ảnh hưởng đến công việc của họ. Tuy nhiên, trong thực tế thu nhập của người cá nhân là nhân tố có tính biến động cao. Ngân hàng có thể hạn chế bằng cách mở rộng quy mô khách hàng, trên cơ sở lấy số đông bù số ít.
Tư cách của khách hàng:
Tín dụng bán lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó tư cách của khách hàng có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi trả nợ của họ. Để ngân hàng có thể chấp nhận cho vay, khách hàng cần có tư cách đạo đức tốt, có tình hình tài chính vững vàng, có thu nhập sẽ sẵn sàng hoàn trả các khoản vốn vay của ngân hàng khi đến hạn, qua đó phải đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, điều này không phải dễ thực hiện nhất là trong tín dụng bán lẻ vì khách hàng đến với ngân hàng thường là lần đầu. Nếu người vay thực sự có thu nhập ổn định, tài sản thế chấp có giá trị cao nhưng khách hàng không có ý định trả nợ ngân hàng, sử dụng vốn sai mục đích hay nghiêm trọng hơn là cố tình lừa đảo thì vẫn tồn tại những rủi ro khá cao về phía ngân hàng. Do vậy, đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng phán đoán, đồng thời phải có phẩm chất đạo đức tốt để đánh giá được một cách khách quan và đúng đắn.
- Nhân tố đối thủ cạnh tranh
Đối thủ cạnh tranh trực tiếp: Là những tổ chức tài chính hoạt động trong cùng lĩnh vực. Các tổ chức này luôn tranh đua và dùng biện pháp để tạo lợi thế cạnh tranh, xâm nhập thị phần của nhau. Các đối thủ này càng đa dạng hóa hoạt
động kinh doanh càng ảnh hưởng tới việc mở rộng cho vay của ngân hàng.
Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn: Là các tổ chức tài chính sắp sửa hình thành mà hoạt động trong cùng lĩnh vực và cùng cung ứng sản phẩm dịch vụ, chia sẻ lợi nhuận với ngân hàng như: ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài… Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn có lợi thế của người đi sau nên môi trường cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, hoạt động tín dụng bán lẻ của ngân hàng cũng sẽ gặp khó khăn.
Các chỉ tiêu đánh giá đối thủ cạnh tranh bao gồm:
+ Số lượng ngân hàng trên địa bàn: Thông thường, một địa bàn có số lượng và mật độ số lượng NHTM đông sẽ làm cho việc phát triển tín dụng bán lẻgặp nhiều khó khăn và ngược lại. Số lượng ngân hàng là chỉ tiêu tuyệt đối phản ánh số lượng ngân hàng cùng cạnh tranh trên địa bàn tại một thời điểm nhất định.
+ Lãi suất, danh mục sản phẩm và thủ tục cho vay của đối thủ cạnh tranh: Khách hàng bao giờ cũng có tâm lý so sánh và lựa chọn ngân hàng có lãi suất cho vay thấp hơn, danh mục sản phẩm phong phú hơn và thủ tục, điều kiện vay linh hoạt. Do vậy, để phát triển tín dụng bán lẻ NHTM cần tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng đối thủ cạnh tranh.