2. THỰC TRẠNG LÃI SUẤT Ở VIỆT NAM TRONG VÒNG 20 NĂM TỪ NĂM 1994 ĐẾN NĂM 2024
2.4. Thực trạng lãi suất ở Việt Nam giai đoạn 2010-2015
2.4.1. Chính sách lãi suất được ban hành trong giai đoạn 2010-2015
Trong giai đoạn này, Nhà nước ban hành chính sách lãi suất thỏa thuận kết hợp với chính sách trần huy động tiền gửi ở mức độ nhất định nhưng có sự thay đổi qua các năm:
Năm 2010
Cơ chế lãi suất thỏa thuận chứng tỏ được vị thế của mình.NHNN giữ ổn định lãi suất điều hành, cụ thể: Lãi suất cơ bản, tái cấp vốn,tái chiết khấu lần lượt ở các mức 8%/năm,6%/năm,8%/năm.
Ngày 26/02/2010,Thông tư 07/2010/TT-NHNN được NHNN ban hành đã quy định rõ về vấn đề cho vay bằng đồng nội tệ để thu lãi suất thỏa thuận. Mục đích của thông tư này là giải quyết vấn đề về lãi suất; các ngân hàng được phép áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận với các khách hàng vay trung và dài hạn để phục vụ cho mục đích kinh doanh, mở rộng sản xuất, đầu tư phất triển; các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình cũng được vay ngắn hạn, trung và dài hạn để phục vụ cho nhu cầu vốn đáp ứng chi tiêu đời sống;các khoản vay cho tiêu dùng thông qua phát hành và thẻ tín dụng.
Ngày 14/4/2010, Thông tư 12/2010/TT-NHNN được ban hành để hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay bằng tiền VND đối với các khách hàng vay theo lãi suất thỏa thuận. Việc cho vay phải được niêm yết công khai lãi suất một cách hợp lí dựa trên cơ sở cung- cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn cũng như sự tín nhiệm của khách hàng vay, tạo điều kiện cho khách hàng có vốn vay để phát triển sản xuất- kinh
doanh, nhất là khu vực nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngày 5/11/2010, lãi suất được điều chỉnh lại, cụ thể: lãi suất cơ bản và tái cấp vốn tăng lên 9%/năm ,tái chiết khấu tăng lên 7%/năm. Đồng thời lãi suất tiền gửi bằng đồng USD của các tổ chức kinh tế tại tổ chức tín dụng là 1%/năm.
Năm 2011
Tháng 3/2011, sự tăng giá mạnh của nhiên liệu, năng lượng và các hàng hóa khác đã làm tăng tỷ lệ lạm phát. Để ổn định nền kinh tế Việt Nam và kiểm soát tình trạng lạm phát, Nhà nước đã sử dụng chính sách thắt chặt tài chính- tiền tệ; nhưng điều này đã làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP và tác động đến lãi suất tiền gửi và cho vay của các NHTM.
Chính vì vậy, ngày 3/3/2011, Thông tư 02/2011/TT-NHNN ban hành quy định về mức lãi suất trần huy động tiền gửi của các NHTM là 14% để giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, kiểm soát mức lãi suất huy động đầu vào của các ngân hàng chặt chẽ. Các ngân hàng thông báo mức lãi suất trong giới hạn của đồng thuận song song với việc áp dụng một mức lãi suất thực chênh lệch ở mức khoảng 2 - 3% cho khách hàng gửi tiền. Trong thực tế, với những kỳ vọng về lạm phát, mức độ căng thẳng thanh khoản và nhu cầu vốn cho phục hồi và tăng trưởng thì đường cong lãi suất của Việt Nam không thể có xu hướng này trong thời gian qua.[8]
Tháng 6/2011, đường cong lãi suất của hầu hết các NHTM Việt Nam đều ở dạng hình “bướu”, với thời hạn huy động càng dài thì lãi suất càng thấp. (Hình 10) Hình 10. Đường cong lãi suất VND của một số NHTM Việt Nam tháng 6/2011.
Nguồn: Website của các NHTM.
Qua dữ liệu trên, chứng minh rằng các ngân hàng không muốn đẩy mạnh huy động dài hạn. Người gửi tiền cũng có xu hướng ít chọn kì hạn dài trừ khi có thêm chương trình khuyến mãi.
Hiệp hội Ngân hàng đã dự đoán được hậu quả của tình trạng của đường cong lãi suất này nên đã luôn kêu gọi các ngân hàng hạ thấp lãi suất ngắn hạn. Tuy nhiên, do sự cạnh tranh gay gắt về nguồn vốn để đảm bảo tính thanh khoản, lãi suất ngắn hạn không những giảm mà còn có xu hướng tăng lên. Chỉ đến khi NHNN ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 07/9/2011 quy định trần lãi suất huy động, công bố và thực hiện chế tài xử lý cuộc chạy đua lãi suất mới chấm dứt, đường cong lãi suất huy động của các NHTM trở về ngang bằng nhau ở các kỳ hạn ngắn (đường thẳng).[8]
Áp lực gia tăng lãi suất xảy ra vào nửa cuối năm 2011. Cho đến cuối quý I/2011, dư nợ tín dụng tăng 3,68% so với 31/12/2010 và cuối quý II/2011, số liệu này mới là 7,05%; trong đó, tăng trưởng tín dụng VND chỉ có 2,72%, phần còn lại là tín dụng ngoại tệ. Các giải pháp chấm dứt thị trường nợ vàng, hạn chế dần thị trường nợ ngoại tệ cùng với các giải pháp kiểm soát nạn đầu cơ vàng và ngoại tệ với hy vọng tạo nên sự di chuyển luồng vốn từ ngoại tệ sang nội tệ và làm gia tăng nguồn tiền gửi
VND nhưng tỷ lệ tăng trưởng nguồn vốn huy động VND vẫn rất thấp và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng.[9]
Tháng 9/2011, NHNN đã có những biện pháp quyết liệt nhằm tăng cường kiểm soát đối với chính sách trần lãi suất huy động. Trước các áp lực rủi ro thanh khoản, một số NHTM chấp nhận huy động lãi suất 14%/năm với cả những kỳ hạn rất ngắn (24 giờ, 2 ngày, 1 tuần, 2 tuần,...)
Ngày 28/9/2011, Thông tư số 30/2011/TT-NHNN quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 6%/năm; tiền gửi có kỳ hạn trên 1 tháng là 14%/năm, riêng Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn trên 1 tháng là 14,5%. Mối quan hệ giữa các loại lãi suất cũng được điều chỉnh hợp lý theo nguyên tắc: Lãi suất tái chiết khấu< lãi suất huy động vốn dưới 12 tháng< lãi suất tái cấp vốn. Sự đổi mới cơ chế lãi suất đã khuyến khích các tổ chức tín dụng huy động vốn từ nền kinh tế, hạn chế vay vốn từ NHNN.
Đồng thời, để tăng cường khả năng kiểm soát hoạt động của các ngân hàng, NHNN đã thành lập nhóm G12+1, bao gồm 12 NHTM lớn (Agribank, BIDV, Vietinbank, ACB, Eximbank, Techcombank, MB, Sacombank, VIB, VPbank, MSB, Vietcombank,) phối hợp cùng với NHNN để xây dựng các chính sách quản lí tiền tệ hiệu quả hơn.
Những bất ổn của hệ thống tài chính toàn cầu và tình trạng khủng hoảng nợ công đang lan tràn từ châu Âu sang Mỹ, Nhật Bản báo hiệu tình trạng căng thẳng thanh khoản của thị trường vốn quốc tế trong nửa cuối năm 2011 và kéo dài sang năm 2012, NHNN phải duy trì biện pháp hành chính là áp trần lãi suất huy động .Điều này ảnh [9]
hưởng tới mặt bằng lãi suất Việt Nam:
• Các nhà tài trợ và đầu tư lớn đang phải xoay sở trong tình trạng khó khăn về mặt tài chính nên nguồn vốn nước ngoài (OAD, FDI) ngày càng giảm. Sự giảm sút nguồn cung vốn nước ngoài tạo nên áp lực mạnh đối với mặt bằng lãi suất quốc nội.
• Lãi suất trên thị trường vốn quốc tế tăng cộng với định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam bị giảm, buộc Chính phủ phải chấp nhận vay với mức lãi suất cao hơn để đáp ứng nhu cầu đầu tư năm 2011, 2012.
• Hậu quả của các chính sách ứng phó khủng hoảng nợ công có thể là đợt lạm phát phi mã và làm tăng lãi suất danh nghĩa ở phạm vi toàn cầu nếu không đi kèm với các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện hiệu quả sử dụng vốn.[8]
Năm 2012-2013
Trong cả năm 2012, NHNN đã 6 lần đưa ra quyết định điều chỉnh giảm lãi suất.
Lãi suất tái cấp vốn giảm từ 15% xuống 9%, tái chiết khấu giảm từ 13% xuống 7%, và trần lãi suất huy động ngắn hạn giảm từ 14% xuống 8%.
Ngày 21/12/2012, NHNN ban hành Quyết định số 2646/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng với mục đích giảm lãi suất tái cấp vốn từ 10%/năm xuống 9%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 8%/năm xuống 7%/năm, lãi suất cho vay qua đêm giữa các liên ngân hàng giảm từ 11% xuống 10%/năm.
Ngày 26/3/2013, theo Thông tư 08/2013/TT-NHNN, trần lãi suất huy động được áp dụng, giảm tiếp còn 7,5%. NHNN cũng đã áp trần lãi suất cho vay: 12%/năm (2012) và 11%/năm (2013). Các lĩnh vực ưu tiên cho vay: Phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án, dự án sản xuất- kinh doanh hàng xuất khẩu;
phục vụ sản xuất- kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Chính sách lãi suất ưu đãi 6% áp dụng trong 3 năm (2011-2013) nhằm cho vay để hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp với tổng trị giá lên tới 30.000 tỷ cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 15/4/2013. Bên cạnh đó, NHNN áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với lãi suất huy động vốn trên 12 tháng và lãi suất cho vay trung- dài hạn, tạo điều kiện cho các NHTM hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc thương mại và thị trường.
Năm 2014:
Trong năm 2024, NHNN đã 2 lần thực hiện việc điều chỉnh lãi suất :
Lần đầu tiên, NHNN áp dụng vào ngày 17/3/2014. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn từ 7%/năm giảm xuống 6,5%/năm; tái chiết khấu từ 5%/năm giảm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm từ 8%/năm giảm xuống 7,5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,2%/năm xuống 1%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm. Từ thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước không khống chế lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên như trước đó mà các tổ chức tín dụng chủ động ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Lần thứ hai NHNN thực hiện vào ngày 29-10-2014. Cụ thể, lãi suất tiền gửi tối , đa bằng đồng nội tệ (VND) giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm (áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng); lãi suất cho vay tối đa ngắn hạn giảm từ 8%/năm xuống 7%/năm (áp dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên); lãi suất tối đa giảm từ 1%/năm còn 0,75%/năm (đối với tiền gửi bằng đồng đô la USD). [10]