2. THỰC TRẠNG LÃI SUẤT Ở VIỆT NAM TRONG VÒNG 20 NĂM TỪ NĂM 1994 ĐẾN NĂM 2024
2.5. Thực trạng lãi suất Việt Nam giai đoạn 2015-2018
Giai đoạn 2015 - 2018 đã chứng kiến lãi suất thế giới có xu hướng tăng mạnh, trong đó, vào tháng 12/2015, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất dữ trự liên bang lên mức 0,25-0,5% sau 7 năm duy trì mức lãi suất gần như bằng 0%, tiếp tục tăng 8 lần sau đó và lên mức 2,25% - 2,5% vào cuối năm 2018. Tuy vậy, NHNN vẫn kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ, ổn định mức lãi suất điều hành.
2015-2016 - ổn định kinh tế và duy trì chính sách lãi suất hợp lý:
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn năm 2008-2009 và quá trình hồi phục kinh tế diễn ra với tốc độ chậm trước đó, năm 2015, 2016 được xem như là các năm bản lề và có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành và triển khai các kế hoạch kinh tế. Mục tiêu được đặt ra vào năm 2015 bao gồm tăng trưởng tín dụng từ 13 - 15%, tổng phương tiện thanh toán tăng từ 16 - 18% và ổn định lạm phát ở mức 5%, vì vậy, chính sách tiền
tệ đã được điều hành theo hướng nới lỏng thận trọng. Lãi suất chính sách những năm 2015, 2016 vẫn được duy trì ở mức thấp kể từ sau lần điều chỉnh có hiệu lực vào ngày 18/03/2014, với lãi suất cơ bản là 9%, lãi suất tái cấp vốn là 6,5%/năm và lãi suất tái chiết khấu là 4,5%/năm. Mức lãi suất này tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, từ đó thúc đẩy việc giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và cá nhân. NHNN khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là với các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Lãi suất cho vay phổ biến giảm xuống khoảng 6-9% đối với ngắn hạn và 9-11% đối với trung và dài hạn. Lãi suất huy động duy trì ổn định, trung bình khoảng 4,5-6%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng.
2017 - nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng:
Trước những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế trong nước, NHNN tiếp tục thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Vào tháng 7/2017, NHNN đã giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,5% xuống 6,25% và lãi suất tái chiết khấu từ 4,5% xuống 4,25%. Chính sách này nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, qua đó kích thích đầu tư và tiêu dùng. Lãi suất cho vay giảm nhẹ, nhiều ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống còn 6-6,5%. Lãi suất huy động cũng có xu hướng giảm, nhưng mức độ không đáng kể. Lãi suất huy động kỳ hạn ngắn vẫn duy trì ở mức khoảng 4,5-5,5%/năm. NHNN đã kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, nhằm tránh nguy cơ tạo bong bóng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng được giữ ở mức 18%
trong năm 2017, cao hơn một chút so với mục tiêu ban đầu, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
2018 - chính sách tiền tệ được điều hành một cách linh hoạt và hiệu quả dưới áp lực từ các yếu tố quốc tế:
Năm 2018 - một năm nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều biến động: chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng mạnh mẽ, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng cao do giá hàng hóa năng lượng tăng, đặc biệt là giá dầu, xu
hướng tăng lãi suất,...NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, thể hiện sự kiên định với những mục tiêu đề ra nhưng đồng thời cũng linh hoạt ứng biến với bối cảnh kinh tế. Kết quả nổi bật lãi suất vẫn được giữa ở mức bình ổn trong khi các NHTƯ khác trên toàn thế giới phải tăng, ví dụ như: Lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu vẫn được giữ nguyên ở mức tương ứng là 6,25% và 4,25% từ cuối năm 2017 cho đến năm 2018, lãi suất qua đêm VND tăng từ mức bình quân khoảng 1,53% trong đầu năm lên khoảng 3% trong nửa cuối năm 2018, lãi suất tiền gửi bình quân năm 2018 tăng từ 5,11% (năm 2017) lên 5,25%, lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,91% (năm 2017: 8,86%). Nguyên nhân lãi suất có phần tăng nhẹ tăng nhẹ chủ yếu do kỳ vọng lạm phát tăng trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới biến động và các TCTD cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong năm 2019. Tỷ giá VND/USD được kiểm soát chặt chẽ thông qua chính sách bán ngoại tệ ra thị trường để cân bằng cung cầu ngoại tệ. NHNN đã sử dụng các công cụ như lãi suất trên thị trường mở (OMO) và lãi suất tín phiếu để điều tiết thanh khoản và ổn định tỷ giá.
Tóm lại, trong giai đoạn 2015-2018, NHNN đã điều chỉnh lãi suất một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình kinh tế trong và ngoài nước. Các chính sách điều chỉnh lãi suất đã góp phần quan trọng vào việc:
Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát dưới 4% trong suốt giai đoạn này.
Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là thông qua việc hạ lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp và cá nhân dễ tiếp cận nguồn vốn.
Bảo vệ tỷ giá và duy trì lòng tin vào thị trường tài chính trong bối cảnh các áp lực từ việc FED tăng lãi suất và những biến động quốc tế khác.
Tuy nhiên, giai đoạn 2018 cho thấy NHNN phải thận trọng hơn do áp lực từ thị trường quốc tế, đồng thời giữ được sự ổn định cho thị trường tài chính và tránh rủi ro bong bóng tín dụng.