Chương 2 SỬ DỤNG BẢN ĐỒ ĐỊA HÌNH QUÂN SỰ
2.1. Xác định toạ độ - chỉ nhận mục tiêu
2.1.2. Xác định tọa độ
Tọa độ trong quân đội ta hiện nay thường sử dụng 2 loại: tọa độ vuông góc và tọa độ cực. Phạm vi chủ đề này chỉ nghiên cứu tọa độ vuông góc.
2.1.2.1. Khái niệm
Toạ độ vuông góc là toạ độ mặt phẳng, căn cứ vào một hệ trục toạ độ, dùng hai trị số độ dài X, Y để xác định vị trí một điểm trên mặt phẳng bản đồ.
2.1.2.2. Cách xác định
Căn cứ vào mức độ chính xác của toạ độ mà người ta chia toạ độ vuông góc thành 2 loại: toạ độ sơ lược và toạ độ chính xác. Cách xác định, cách viết và cách đọc của từng loại như sau:
a) Toạ độ sơ lược
Trong tọa độ sơ lược ta chia ra tọa độ 4 chữ số và tọa độ 5 chữ số:
- Tọa độ 4 chữ số:
Tọa độ 4 chữ số gồm hai nhóm số: nhóm thứ nhất, gồm hai chữ số đầu là giá trị chẵn km của X, nhóm thứ hai gồm hai chữ số sau là giá trị chẵn km của Y.
Như vậy phạm vi bao quát của tọa độ 4 chữ số là một ô vuông sẵn có trên bản đồ.
+ Cách xác định
Muốn xác định tọa độ 4 chữ số của một địa vật trên bản đồ, ta phải tìm giao điểm phía Tây Nam của ô vuông chứa địa vật đó. Từ giao điểm, dóng theo đường kẻ ngang đọc được giá trị X, dóng theo đường kẻ dọc được giá trị Y.
Ví dụ 1: xác định tọa độ 4 chữ số của Nhà Thờ (các ví dụ trong bài này đều làm trên bản đồ tỷ lệ 1:25.000) (Hình 3.3)
Tìm giao điểm phía Tây Nam của ô vuông chứa Nhà Thờ, từ giao điểm, dóng theo đường kẻ ngang đọc được giá trị X là 44, dóng theo đường kẻ dọc đọc được giá trị Y là 05.
+ Cách viết và cách đọc
Cách viết: viết tên địa vật mục tiêu trước, tọa độ sau. Tọa độ X viết trước, Y viết sau thành 2 nhóm cách nhau một khoảng bằng một chữ số.
Ví dụ (tiếp theo ví dụ 1) ta viết như sau: Nhà Thờ (44 05)
Cách đọc: đọc theo thứ tự như khi viết, đọc tên địa vật, mục tiêu trước, tọa độ sau. Tọa độ, đọc X trước, Y sau thành từng nhóm số riêng.
Tiếp theo ví dụ 1 ta đọc như sau: “Nhà Thờ, bốn bốn, không năm”
+ Trường hợp vận dụng
Khi cần chỉ nhanh vị trí sơ lược một địa vật hay dáng đất nằm trọn trong phạm vi một ô vuông trên bản đồ.
+ Tìm địa vật, mục tiêu khi biết tọa độ
Động tác làm ngược lại so với xác định tọa độ. Tức là căn cứ vào toạ độ: tìm đường kẻ ngang mang giá trị X và đường kẻ dọc mang giá trị Y. Hai đường kẻ X, Y cắt nhau tại một điểm. Đó chính là giao điểm phía Tây Nam của ô vuông chứa địa vật,
1 2 3
4 5 7
8 9
∆y =200m
∆x =2cm ∆x=650m
M1 M2
42 44 45
04 605
06 07
2343
6 1
∆y=1cm
Hình 2.3. Cách xác định toạ độ
mục tiêu cần tìm. Sau đó tìm địa vật, mục tiêu trong phạm vi của ô vuông đó.
- Tọa độ 5 chữ số:
Tọa độ 5 chữ số là tọa độ 4 chữ số được ghi thêm số của ô vuông nhỏ bằng 1/9 ô vuông lớn của tọa độ 4 chữ số trên bản đồ.
+ Cách xác định: muốn tìm tọa độ 5 chữ số của một địa vật trên bản đồ, cách tiến hành như sau:
Tìm tọa độ 4 chữ số
Tìm số của ô vuông nhỏ trong tọa độ 4 chữ số: bằng cách chia phạm vi ô vuông lớn thành 9 phần bằng nhau rồi đánh số bằng chữ số Ả Rập từ 1 đến 9, bắt đầu từ góc Tây Bắc, thuận chiều kim đồng hồ và kết thúc ô 9 ở giữa. Căn cứ địa vật đó nằm ở ô vuông nhỏ nào ta đọc được số của ô vuông nhỏ đó.
Ví dụ 2: xác định tọa độ 5 chữ số của ngôi Chùa (Hình 3.3) Tìm tọa độ 4 chữ số của ngôi Chùa: X = 44, Y = 06
Sau khi chia và đánh số ta đọc được số của ô vuông nhỏ chứa ngôi chùa là ô 6
+ Cách viết và cách đọc
Cách viết: viết như tọa độ 4 chữ số nhưng thêm một chữ số của ô vuông nhỏ chứa địa vật vào phía sau toạ độ 4 chữ số.
Ví dụ: (tiếp ví dụ 2) ta viết được tọa độ ngôi chùa như sau:
Chùa (44 06 6)
Cách đọc: đọc theo thứ tự như khi viết.
Ví dụ: (tiếp theo ví dụ 2) ta đọc toạ độ ngôi Chùa như sau:
“Chùa, bốn bốn, không sáu, sáu”
+ Trường hợp vận dụng: khi trong phạm vi ô vuông trên bản đồ có nhiều ký hiệu giống nhau mà sử dụng toạ độ 4 chữ số không nhận được.
+ Tìm địa vật, mục tiêu khi biết toạ độ: động tác làm ngược lại so với xác định toạ độ
b) Tọa độ chính xác (tọa độ 10 chữ số)
Toạ độ chính xác của một điểm trên bản đồ là toạ độ bốn chữ số cộng thêm phần cự li vuông góc tính từ vị trí điểm đó đến đường kẻ X,Y của toạ độ 4 chữ số, lấy chính xác đến mét.
- Cách xác định:
+ Tìm toạ độ 4 chữ số
+ Từ vị trí địa vật hạ đường vuông góc đến đường kẻ ngang phía Nam gần nhất, đây chính là ∆x và hạ đường vuông góc đến đường kẻ dọc phía Tây gần nhất, đây chính là ∆y, cộng ∆x vào x, ∆y vào y của tọa độ 4 chữ số ta được tọa độ chính xác của địa vật.
Khi đo giá trị của ∆x, ∆y có thể sử dụng một trong các phương tiện sau:
Dùng thước khắc milimét:
Khi dùng thước khắc mm để đo giá trị ∆x, ∆y ta được khoảng cách bản đồ, cần đổi thành khoảng cách thực địa theo công thức:
D = d x M
Ví dụ 3: đo tọa độ chính xác của mục tiêu 1(M1) Tọa độ 4 chữ số của M1: x = 43, y = 04
Dùng thước khắc milimét đo ∆x=2cm, ∆y=1cm, đổi ∆x, ∆y thành khoảng cách thực địa:
∆x=2cm x 25.000 = 50.000cm = 500m
∆y=1cm x 25.000 = 25.000cm = 250m
Cộng ∆x vào x, ∆y vào y ta được tọa độ chính xác của M1 X = x + ∆x = 43000 + 500 = 43500
Y = y + ∆y = 04000 + 250 = 04250 Dùng thước 3 cạnh:
Thước có cấu tạo gồm 3 cạnh mỗi cạnh có 2 mặt. Trên từng mặt thước có ghi 1:100; 1:250; 1:500... dùng để đo trên bản đồ tỷ lệ 1:100.000; 1:25.000;
1:50.000...
Trên cạnh thước (như cạnh 1:250) có khắc các vạch dài, giữa khoảng 2 vạch dài có 4 vạch ngắn, giá trị từ vạch ngắn đến vạch ngắn là 20m, từ vạch dài đến vạch dài là 100m, 5 vạch dài ghi một số 5, 10... tương ứng với 500m, 1000m ngoài thực địa.
Cách đo: tiến hành đo như với thước khắc milimét, chỉ khác là giá trị ∆x và ∆y (khoảng cách thực địa) ta đọc trực tiếp trên thước.
Ví dụ 4: đo toạ độ chính xác mục tiêu 2 (M2)
Toạ độ 4 chữ số của M2: x = 43; y = 05
Dùng thước ba cạnh đo ∆x = 650m; ∆y = 200m Cộng ∆x vào x, ∆y vào y ta được toạ độ của M2 là:
X = x + ∆x = 43000 + 650 = 43650 Y = y + ∆y = 05000 + 200 = 05200
Ngoài ra còn có thể dùng thước vuông góc, compa hoặc băng giấy kết hợp thước tỷ lệ thẳng để đo ∆x và ∆y.
- Cách viết và cách đọc:
+ Cách viết: viết theo hàng ngang: viết tên địa vật mục tiêu trước, tọa độ sau. Tọa độ X viết trước, Y viết sau, khoảng cách giữa hai nhóm số X, Y bằng một chữ số. Cũng có thể viết theo hàng dọc.
Ví dụ (tiếp ví dụ 3) ta viết như sau: M1(43500 04250)
43500 Hoặc M1 04250
43500
hoặc M1 04250 + Cách đọc: đọc theo thứ tự như khi viết, đọc tên địa vật, mục tiêu trước, tọa độ sau. Tọa độ đọc X trước, Y sau, đọc ngắt ra từng nhóm.
Tiếp ví dụ trên ta đọc là: “Mục tiêu một; bốn ba, năm không không, không bốn, hai năm không”
- Trường hợp vận dụng
Khi cần độ chính xác đến mét ta sử dụng loại tọa độ này. Chẳng hạn như tìm phần tử bắn cho pháo binh...
- Tìm địa vật, mục tiêu khi biết tọa độ
Động tác làm ngược lại so với khi xác định tọa độ. Giả sử tọa độ chính xác của M1(43500 04250). Muốn tìm vị trí của M1, ta tìm đường kẻ ngang 43 và đường kẻ dọc 04. Từ đường 43 dựng một đoạn thẳng vuông góc có độ dài 500m, đó chính là ∆x. Từ đường 04 dựng một đoạn thẳng vuông góc có độ dài 250m, đó chính là ∆y. Vị trí của M1 chính là giao điểm của ∆x và ∆y. Đây còn gọi là động tác đo ngược tọa độ, rất cần thiết trong các thao tác đo đạc trên bản đồ.
- Những điểm chú ý
+ Tọa độ chính xác phải đủ 10 chữ số
+ Trường hợp điểm cần xác định tọa độ nằm ngay trên đường kẻ ngang
thì ∆x= 0, lúc này giá trị X lấy ngay phần chẵn km rồi viết thêm các số 0 cho đủ đến mét; nếu điểm cần xác định toạ độ nằm ngay trên đường kẻ dọc thì giá trị Y ta cũng làm như với giá trị X ở trên.
+ Khi đo tọa độ ở ô vuông thiếu:
Nếu ô vuông thiếu ở phía Bắc và phía Đông ta vẫn đo bình thường.
Nếu thiếu phía Nam, giá trị Y vẫn đo như bình thường, còn giá trị X ta đo từ điểm cần đo ngược lên đường ngang phía Bắc gần nhất, được ∆x’ rồi lấy trị số km của đường ngang đó trừ đi ∆x’ vừa đo được. Đó chính là giá trị X của tọa độ.
Nếu thiếu phía Tây, giá trị X vẫn đo như bình thường, còn giá trị Y ta đo từ điểm cần đo đến đường dọc phía Đông gần nhất, được ∆y’ rồi lấy trị số km của đường dọc đó trừ đi ∆y’ vừa đo được. Đó chính là giá trị Y của tọa độ.