CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU HÀNG HÓA CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN
2.3. Đánh giá hoạt động xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng giai đoạn 2013-2018
2.3.2. Một số khó khăn, hạn chế
Trong những năm qua, xuất khẩu của thành phố đã đạt được nhiều thành tựu nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại rất nhiều hạn chế. Giá trị xuất khẩu của Hải Phòng tuy đã tăng nhanh qua các năm nhưng quy mô vẫn còn nhỏ, chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (dưới 4%) và mất cân đối giữa các ngành kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng khá cao, nhưng giá trị kim ngạch thấp chưa tạo được bước phát triển đột phá, chưa tương xứng với thế mạnh của thành phố công nghiệp có cảng biển lớn. Các sản phẩm xuất khẩu chưa phong phú, sức cạnh tranh thấp, chủ yếu là gia công, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị gia
tăng trong sản phẩm xuất khẩu không cao. Một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao như thủy sản, nông sản lại chưa tạo được vùng nguyên liệu. Do vậy, giá trị kim ngạch đóng góp trong cơ cấu GRDP thấp, hiệu quả kinh tế thu được từ hoạt động xuất khẩu còn khiêm tốn, chưa chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của thành phố, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, nhiều chủng loại nguyên liệu sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có giá trị kim ngạch lớn lại chủ yếu là nguyên liệu nhập khẩu, phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, nhất là đối với dệt may - giày dép, vật liệu điện, hóa chất. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Hải Phòng trong giai đoạn vừa qua đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo cách nhìn nhận của tác giả thì Hải Phòng hiện vẫn là thiên về phát triển theo chiều rộng vì hai mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của thành phố là giày da và may mặc thì hầu hết đều là gia công, và chủ yếu vẫn là từ phía các doanh nghiệp FDI nên giá trị gia tăng tạo ra còn thấp.
Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng vẫn chưa dành nhiều sự quan tâm cho việc xây dựng, đăng ký, bảo hộ và phát triển thương hiệu dẫn đến đa số mặt hàng xuất khẩu chưa có thương hiệu riêng. Giỏ hàng xuất khẩu của Hải Phòng còn khá tập trung vào các mặt hàng truyền thống bao gồm khai thác điều kiện tự nhiên và khai thác nguồn lao động giá rẻ như dệt may, giày dép. Hơn nữa, việc sản xuất của các doanh nghiệp còn phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu do ngành công nghiệp phụ trợ hiện chưa phát triển. Điều này khiến cho các doanh nghiệp sản xuất không chủ động được chiến lược kinh doanh và khó hạ giá thành sản phẩm do chi phí đầu vào phụ thuộc rất nhiều vào biến động của giá thế giới.
Tốc độ mở rộng thị trường xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu vẫn là gia công, giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám, công nghệ cao trong sản phẩm còn thấp; chưa tạo ra được thêm nhiều sản phẩm xuất khẩu có giá trị kim ngạch lớn. Sản phẩm xuất khẩu có thương hiệu còn ít. Nông sản, thuỷ sản xuất khẩu chưa tạo lập được nguồn nguyên liệu ổn định.
Năng suất lao động thấp, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm cao cũng góp phần hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong khi đó, những phiền hà, chậm chạp trong giải quyết công việc của hệ thống hành chính làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đóng tàu thuộc tập đoàn Vinashin (nay là Tổng công ty công nghiệp tàu thủy), xơ sợi tổng hợp hợp Đình Vũ kinh doanh chưa hiệu quả. Thành phố chưa có nhiều doanh nghiệp trong nước mạnh.
- Dịch vụ Logistics của Thành phố trong thời gian qua đã hình thành nhưng phát triển còn nhiều yếu kém, các dịch vụ cung cấp cho khách hàng chưa tổng thể mà mới chủ yếu dùng ở khâu vận chuyển hàng hóa, dẫn đến việc tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Năng lực doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ còn thấp. Mặc dù trình độ sản xuất và công nghệ của doanh nghiệp đã từng bước được cải thiện, các sản phẩm công nghiệp phụ trợ chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ
trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Tuy đã tự chủ được một số loại sản phẩm công nghiệp phụ trợ cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, vẫn còn nhiều sản phẩm công nghiệp phụ trợ cần được hỗ trợ để phát triển như chất bán dẫn, mạch in, khuôn nhựa trong ngành điện tử; phôi thép, khuôn mẫu trong ngành cơ khí; vải trong ngành dệt may, da giầy. Bên cạnh đó, các sản phẩm công nghiệp phụ trợ có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp.
- Doanh nghiệp Hải Phòng còn nhỏ về quy mô, chưa chủ động và nhiều hạn chế trong nâng cao năng lực cạnh tranh như: kém về kiến thức hội nhập và kinh nghiệm kinh doanh thương mại quốc tế, chưa có chiến lược kinh doanh, xuất khẩu dài hạn; ít chịu liên kết, hợp tác trong công việc, nhiều khi còn cạnh tranh nhau thiếu lành mạnh. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu thấp và dễ bị tổn thương bởi các cú sốc của thị trường thế giới; xuất khẩu phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi năng
lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của hàng hóa và doanh nghiệp còn yếu dẫn đến hiệu quả xuất khẩu còn thấp.
Các ngành, các cấp chưa đề ra những chính sách đòn bẩy, các biện pháp hữu hiệu để khai thác mọi tiềm năng thế mạnh của địa phương, phát triển các mặt hàng phục vụ xuất khẩu hàng hóa.