Quan điểm và định hướng phát triển xuất khẩu hàng hóa của Hải Phòng giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Quản lý kinh tế: Biện pháp phát triển hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng (Trang 69 - 72)

CHƯƠNG 3: BIỆN PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU HÀNG HÓA CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN HẢI PHÒNG

3.3. Quan điểm và định hướng phát triển xuất khẩu hàng hóa của Hải Phòng giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030

Căn cứ Quyết định số 2471/QĐ-TTg, ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Căn cứ Quyết định số 821/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính Phủ về phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong đó mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 12-17 tỷ USD năm 2020; 20-21 tỷ USD vào năm 2025 và 43-44 tỷ USD vào năm 2030; sản lượng hàng hóa thông qua các cảng trên địa bàn đạt 130 triệu tấn năm 2020; đạt 300 triệu tấn vào năm 2025 và 550-580 triệu tấn vào năm 2030.

Căn cứ vào Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2012 của UBND thành phố Hải Phòng về việc ban hành kế hoạch hành động nhằm thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030.

3.3.1. Quan điểm phát triển

- Đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng phát triển theo chiều sâu, chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước; chủ động khai thác triệt để lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

- Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế quốc tế. Thực hiện có hiệu quả các FTA thế hệ mới, tham gia các điều ước quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.

- Phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn thành phố Hải Phòng một cách bền vững; kết hợp hài hòa lợi ích trước mắt và lâu dài, lợi ích của địa phương và của vùng, của quốc gia, lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường, lợi ích kinh tế và chính trị - đối ngoại trong hội nhập kinh tế quốc tế.

3.3.2. Định hướng phát triển

- Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giữ vững và phát triển các thị trường truyền thống như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga; đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng các thị trường tiềm năng như châu Mỹ, châu Phi, thị trường Trung cận Đông, Nam Á.

- Tích cực và chủ động tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ cao.

- Chú trọng nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường phục vụ phát triển sản xuất. Hạn chế nhập khẩu hàng hoá tiêu dùng (các hàng hoá, sản phẩm trong nước đã sản xuất được). Kết hợp chặt chẽ giữa nhập khẩu máy móc, thiết bị và chuyển giao công nghệ.

3.3.3. Mục tiêu cụ thể như sau

- Giai đoạn 2015-2020: Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 18% - 19,5%; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

- Giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu và tiến tới cân bằng cán cân thương mại của thành phố vào năm 2020; phấn đấu cán cân thương mại thặng dư thời kỳ 2021 – 2030.

3.3.4. Nhiệm vụ chủ yếu

- Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất nhập khẩu và đẩy nhanh xã hội hóa dịch vụ logistics.

+ Xây dựng Hải Phòng trở thành một trung tâm phát triển dịch vụ logistic của quốc gia và khu vực.

+ Tốc độ tăng trưởng trung bình dịch vụ logistics giai đoạn 2016-2020 là 20-25%. Hình thành các đầu mối vận tải, xây dựng trung tâm logistics cấp quốc gia tại Lạch Huyện và các trung tâm logistics gắn với hệ thống các cảng biển, hệ thống giao thông, các khu kinh tế, khu công nghiệp.

+ Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ cảng như: dịch vụ đại lý tàu biển và môi giới hàng hải; dịch vụ lai dắt tàu biển; dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa tàu biển; dịch vụ cung ứng tàu biển; dịch vụ kho vận, giao nhận và kiểm đếm hàng hóa; dịch vụ sửa chữa nhỏ tàu biển tại cảng; dịch vụ vệ sinh môi trường biển; dịch vụ xếp dỡ hàng hóa tại cảng biển; dịch vụ cứu hộ trên biển…

3.3.5. Nhiệm vụ phát triển thị trường, xúc tiến thương mại

Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cung cấp thông tin đảm bảo tin cậy, kịp thời về thị trường trong nước, ngoài nước, các chính sách pháp luật, các thông lệ quốc tế về thương mại, xuất nhập khẩu. Bên cạnh xúc tiến mở rộng thị trường nước ngoài, quan tâm xúc tiến mở rộng thị trường trong nước, nhất là các địa bàn có sức tiêu thụ lớn.

Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đăng ký thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu trên thị trường trong, ngoài nước; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Có cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đưa sản phẩm tham gia các hội chợ, triển lãm trong, ngoài nước.

Thông qua các Tham tán thương mại, Đại sự quán của Việt Nam ở nước ngoài và các kênh ngoại giao khác, khuyến khích hoạt động của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt các hội đồng hương người Hải Phòng tại các nước trong tổ chức phân phối hàng hóa Việt Nam vào hệ thống phân phối tại nước nhập khẩu.

Duy trì và mở rộng thị phần hàng hóa xuất khẩu của Hải Phòng tại các thị trường trọng điểm truyền thống như EU, Nhật Bản, Nga, Hoa Kỳ, Trung Quốc; từng bước mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng như Châu Mỹ, Trung cận Đông, Nam Á, Châu Phi.

Nghiên cứu xây dựng Đề án mở Văn phòng Đại diện kinh tế và xúc tiến thương mại – du lịch của thành phố Hải Phòng tại thị trường trọng điểm và thị trường mang tính chất khu vực ở nước ngoài, nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Trước mắt, có thể nghiên cứu thực hiện thí điểm mở Văn phòng Đại diện kinh tế và xúc tiến thương mại của thành phố Hải Phòng tại một quốc gia ở Châu Âu (tại Cộng hòa Séc), Châu Á (tại Nhật Bản), Hoa Kỳ…

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Quản lý kinh tế: Biện pháp phát triển hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng (Trang 69 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)