Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG CHỨC ỦY BAN NHÂN DÂN PHƯỜNG
1.1. Những vấn đề chung về công chức Ủy ban nhân dân phường
1.2.2. Các tiêu chí đánh giá chất lượng công chức Ủy ban nhân dân phường
a) Tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống
Phẩm chất chính trị của công chức là điều kiện tiên quyết mà người CBCC phải có, thể hiện ở sự trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với đường lối cách mạng của Đảng; nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; có bản lĩnh chính trị vững vàng, đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính…. Nó được hình thành trong quá trình học tập, rèn luyện, tu dưỡng từ thực tiễn công tác. Ngoài ra còn thể hiện qua việc, có tinh thần trách nhiệm trong công việc; nhiệm vụ được phân công, thái độ tận tụy phục vụ nhân dân.
Đồng thời, phẩm chất đạo đức của công chức phường thể hiện qua đạo đức, lối sống, tác phong làm việc gương mẫu, chuẩn mực. Bản thân CBCC phải giữ giữ gìn đạo đức trong sáng, lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, “chí công vô tư”, tiết kiệm, không quan liêu, tham nhũng, vòi vĩnh, lãng phí,… Cũng như phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên, có quan hệ mật thiết với nhân dân; cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp từ đồng nghiệp để sửa chữa, hoàn thiện bản thân từ đó góp phần giữ gìn đoàn kết nội bộ tại cơ quan, đơn vị và xây dựng địa phương, cơ quan, đơn vị vững mạnh và ngày càng phát triển.
b) Tiêu chí về năng lực thực thi công vụ
Năng lực thực thi công vụ của công chức phường là yếu tố không thể thiếu, đó là tổng hợp những kiến thức, kỹ năng, thái độ, … của công chức được sử dụng trong việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.
* Về trình độ chuyên môn: Trình độ chuyên môn là sự hiểu biết, kiến thức về một lĩnh vực nào đó được xác định, đánh giá theo tiêu chuẩn nhất định thể hiện ở văn bằng, chứng chỉ mà mỗi công chức nhận được thông qua quá trình học tập. Trình độ chuyên môn là điều kiện tiên quyết khi xem xét tuyển
dụng đối với CBCC; trình độ chuyên môn phải phù hợp với công việc mà CBCC được phân công, đảm nhận, giúp CBCC thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Ngoài trình độ chuyên môn, công chức cần tự trau dồi, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, trình độ quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ, các kiến thức phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm và nhiệm vụ được giao.
* Về kỹ năng: Kỹ năng là khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, là tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực, chất lượng thực thi nhiệm vụ của công chức, gồm các kỹ năng cơ bản sau: kỹ năng ra quyết định, lãnh đạo, quản lý, kỹ năng phối hợp hoạt động, kỹ năng tham mưu; kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức thực hiện công việc; …. Đây là sản phẩm của quá trình tư duy kết hợp với việc tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn công tác.
* Về thái độ, hành vi: Thái độ làm việc, hành vi là một trong các yếu tố cấu thành năng lực thực thi công vụ của công chức, quyết định lớn đến sự thành công, hiệu quả hoạt động của công chức. Công chức phải có thái độ, hành vi chuẩn mực khi giao tiếp với người dân, giao tiếp với đồng nghiệp. Có tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp từ đồng nghiệp; trách nhiệm trong công việc.
* Về sức khỏe: Sức khỏe là yếu tố đảm bảo công chức có khả năng để thực hiện các nhiệm vụ được giao, phát huy hiệu quả năng lực cá nhân. Nếu như công chức có trình độ nhưng không có sức khỏe thì không thể tạo ra được kết quả làm việc tốt, hiệu quả.
c) Kết quả hoàn thành nhiệm vụ
* Về kết quả thực hiện công việc: Kết quả thực hiện công việc là sản phẩm được tạo ra trong quá trình thực thi công vụ của CBCC, phản ánh khối lượng, chất lượng và hiệu suất công việc do CBCC đem lại khi thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Hằng năm, ngoài việc đánh giá, xếp loại CBCC theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ. Với đặc thù chính quyền đô thị, công chức UBND phường trên địa bàn TPHCM còn thực hiện đánh giá, xếp loại theo hiệu quả công việc hàng quý theo Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 19 tháng 9 năm 2023 của HĐND Thành phố về quy định chi thu nhập tăng thêm. Việc đánh giá được xác định dựa trên kết quả thực hiện công việc từ đó xác định mức độ hoàn thành công việc của CBCC theo 4 mức là HTXSNV, HTTNV, HTNV và KTHNV. Kết quả thực hiện công việc còn là căn cứ quan trọng để thực hiện các chính sách như đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, …. cũng như thúc đẩy công chức tự rèn luyện để nâng cao năng lực thực thi công vụ.
* Sự hài lòng của người dân: Sự hài lòng của người dân nhằm đánh giá khách quan về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công tại cơ quan hành chính nhà nước từ đó cải thiện chất lượng phục vụ, đo lường được nhu cầu, mong đợi của người dân đối với nền hành chính nhà nước; hướng tới lợi ích chung của xã hội, của nhân dân. Đồng thời, là thước đo đánh giá về thái độ, trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ của công chức.