Chương 3: PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG CHỨC ỦY BAN NHÂN DÂN PHƯỜNG TẠI QUẬN PHÚ NHUẬN, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
3.2. Giải pháp nâng cao chất lượng công chức Ủy ban nhân dân phường tại quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chính Minh
3.2.2. Hoàn thiện, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng
Thứ nhất, chủ động xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức phường cho từng năm.
Cần căn cứ vào nhu cầu thực tế của cơ quan, đơn vị và yêu cầu của vị trí công tác, nguyện vọng của mỗi công chức để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. nhằm bảo đảm sự gắn kết giữa nhu cầu công việc và nhu cầu cần hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng cần thiết.
Xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nhằm trả lời các câu hỏi như sau:
Những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho vị trí công việc? Những kiến thức, kỹ năng mà CBCC hiện có? Những kiến thức, kỹ năng còn thiếu đối với vị trí công việc của CBCC? Cần tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng gì để khắc phục những thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng cho CBCC, …
Rà soát, xác định nhu cầu ĐTBD để có phương án ĐTBD đối với những CBCC còn thiếu, chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Đổi mới tư duy trong công tác ĐTBD theo hướng chuyển từ ĐTBD theo tiêu chuẩn ngạch công chức sang ĐTBD dựa theo nhu cầu thực tế của CBCC chứ không chạy theo bằng cấp.
Ngoài ra cần chú trọng công tác ĐTBD trình độ tin học, ngoại ngữ cho công chức UBND phường. Không ngừng nâng cao, hoàn thiện cả về phẩm chất đạo đức và năng lực thực thi công vụ của công chức UBND phường.
Thứ hai, đổi mới hình thức ĐTBD đội ngũ công chức UBND phường.
Kết hợp lý thuyết và thực tiễn, hình thức ĐTBD trực tuyến và trực tiếp.
Đổi mới, cập nhật các nội dung, chương trình ĐTBD theo hướng bổ sung các kiến thức, kỹ năng mới, phù hợp với thời đại và phù hợp với nhu cầu, những thiếu hụt, lạc hậu trong kiến thức, năng lực của công chức UBND phường.
Nâng cao chất lượng giảng dạy; có cơ chế, chính sách khuyến học, động viên đội ngũ công chức nêu cao tinh thần tự học tập nghiên cứu.
Xây dựng nội dung, chương trình ĐTBD theo yêu cầu thực tế, linh hoạt, thiết thực, hiệu quả, có tính liên thông, tránh trùng lắp giữa các chương trình.
Chủ động rà soát nhu cầu của CBCC và tổ chức các lớp ĐTBD phù hợp với tình hình thực tế của đội ngũ công chức và nhu cầu tại địa phương.
Đổi mới chương trình, nội dung ĐTBD cần phải được thực hiện theo hướng tăng cường các khoá học gắn với vị trí việc làm. Tập trung ĐTBD theo chức danh và vị trí việc làm; thường xuyên bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng chuyên môn cần thiết cho đội ngũ công chức phường.
Đồng thời, rà soát lại toàn bộ các chương trình, nội dung ĐTBD hiện có nhằm cập nhật, bổ sung hoặc biên soạn lại cho phù hợp với yêu cầu công việc của từng vị trí, chức danh công chức, đặc biệt trong bối cảnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, tác nghiệp, theo hướng tăng thực hành, giảm lý thuyết, lồng ghép giảng dạy các kỹ năng có liên quan đến nội dung, chương trình ĐTBD để giúp cho học viên rèn luyện được kỹ năng phục vụ cho thực tiễn công tác. Cập nhật kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm xử lý tình huống.
Thứ ba, đổi mới việc xác định, kiểm định chất lượng sau ĐTBD thông qua đánh giá kết quả hoạt động thực tiễn của người được cử đi ĐTBD, để có cơ sở đánh giá tổng quan, chính xác về hiệu quả cũng như những kiến thức mà đội ngũ công chức đã tiếp thu được qua các chương trình, khóa ĐTBD.
Đánh giá chất lượng và hiệu quả ĐTBD công chức cần tập trung vào đánh giá “đầu ra”, nhất là kết quả cuối cùng của hoạt động ĐTBD. Đánh giá
“đầu ra” của hoạt động ĐTBD là đánh giá học viên ngay sau khi kết thúc khóa học, dựa trên các chỉ số về năng lực, kiến thức, kỹ năng thực hành trong thực tiễn. Việc đánh giá mức độ sử dụng “đầu ra” của hoạt động ĐTBD công chức phải chủ yếu dựa trên các chỉ số về kết quả giải quyết công việc, mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của công chức sau khi được ĐTBD. Để có căn cứ đánh giá tác động của ĐTBD sau khóa học, cơ quan, đơn vị sử dụng công chức phải có sự hợp tác với cơ sở ĐTBD.
Sau các khóa ĐTBD, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị là chủ thể có thể thực hiện việc xác định, kiểm định chất lượng sau ĐTBD của công chức được cử đi ĐTBD thông qua đánh giá chất lượng công tác tham mưu về lĩnh vực được phân công của công chức. Bên cạnh đó, việc kiểm tra định kỳ hàng tháng, hàng quý của cơ quan có thẩm quyền cấp trên cũng là một cách đánh giá được hiệu quả sau ĐTBD của công chức phường về một lĩnh vực công tác nhất định.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng quy định, tiêu chí về đánh giá hiệu quả áp dụng các kiến thức đã được ĐTBD vào thực tiễn công tác của công
chức, làm cơ sở quan trọng cho việc bố trí, sử dụng, sắp xếp công chức đúng chuyên môn, năng lực.